Hàng nghìn người từ khắp nơi đã dự lễ khai bút được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Riêng huyện Vĩnh Bảo đã bố trí gần 100 giáo viên và học sinh tiêu biểu, xuất sắc ở các bậc học trên địa bàn đã viết những lời ước nguyện, mong muốn trong năm mới vào sổ khai bút.
Đây là năm đầu tiên huyện Vĩnh Bảo tổ chức sự kiện này nhằm tôn vinh, giáo dục truyền thống hiếu học, trọng tài và tưởng nhớ, tri ân công đức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người có nhiều công lao trong giáo dục, đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước.
Đồng thời là nét văn hóa độc đáo, nhằm tôn vinh đạo học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học, xây dựng trí tuệ con người Việt Nam.
Mở đầu là Lễ rước bút, nghiên từ Tháp bút Kình Thiên và Nghiên thiên tạo về quảng trường di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và lễ dâng hương, tưởng nhớ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ, nhà văn lớn, danh nhân văn hóa dân tộc.
Sau đó là đại diện các thầy, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc tới từ các trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo và học sinh tại ba cấp học gửi gắm những mong ước tốt đẹp cho quê hương, thành phố Hải Phòng, đất nước trong những nét chữ khai bút đầu Xuân.
Ông Lê Ngọc Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, Trưởng Ban tổ chức Lễ khai bút Xuân Quý Mão 2023 cho biết, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam thế kỷ 16.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là bậc Quốc sư, bậc phu tử, người đã đào tạo ra nhiều bậc kỳ tài cho dân tộc, như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện, Nguyễn Dữ,… Trong lĩnh vực văn học, ông đã để lại cho đời sau một di sản đồ sộ với hàng ngàn bài thơ chữ Nôm, chữ Hán.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, ngay trong sáng sớm, tất các ngả đường dẫn về Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chật kín người dân địa phương và du khách thập phương.
Trong dịp Tết Nguyên đán (từ 23 tháng Chạp đến ngày 4 Tết Quý Mão) khu di tích đã đón tiếp khoảng 500.000 lượt khách tới tham quan, dâng hương. Cũng như mọi năm, khu di tích vẫn tổ chức trông giữ xe miễn phí cho du khách.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491), năm Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Thánh Tông tại làng Trung Am (huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương), nay là thôn Trung Am (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Ông tên húy là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16.
Khi đỗ Trạng Nguyên khoa thi Ất Mùi 1535 và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Vào tháng 8 năm Nhâm Dần 1542, sau khi dâng sớ chém 18 lộng thần không được vua Mạc chấp thuận, ông treo ấn từ quan về quê mở trường dạy học.
Về quê, ông dựng quán Trung Tân, lập Am Bạch Vân làm trường dạy học, lấy biệt hiệu Bạch Am cư sỹ, sáng tác thơ (đặc biệt là tập thơ Nôm “Bạch Vân thi tập”), tập hợp các thi gia sáng tác, xướng họa.