| Hotline: 0983.970.780

Rừng miền Đông còn ai theo nghề bắt rắn?

Thứ Năm 06/02/2025 , 08:54 (GMT+7)

Rừng miền Đông với diện tích chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã từng xuất hiện nghề bắt rắn được truyền tụng nhiều câu chuyện hấp dẫn xen lẫn rùng rợn.

Tranh của Hoàng A Sáng.

Tranh của Hoàng A Sáng.

Rừng miền Đông vốn nổi tiếng về động vật hoang dã, mà rắn là loài bò sát đông đảo nhất, có mật độ dày đặc và sinh sôi nhiều vô kể. Vậy mà, rắn ở rừng miền Đông cũng không tránh khỏi thảm họa tận diệt, do thịt rắn trở thành đặc sản trong thú ẩm thực đô thị. Có thể kể ra vài món sơ sơ như rắn bằm xúc bánh tráng, rắn nướng, rắn hông cách thủy, rắn bằm viên nấu cháo, rắn xào sả, rắn tiềm…

Bây giờ còn có thêm cả món lẩu rắn chần xương tuyệt chiêu, chưa ăn mà nghe thơm đến ứa nước miếng. Dữ dội hơn vẫn là món tiết rắn pha xị đế lắc cho đến lúc ngầu sủi bọt đỏ mới thận trọng rót mời nhau. Còn quả tim rắn cứ hấp ha hấp hối đập theo bản năng trên cái đĩa thủy tinh trong suốt sẽ ưu tiên cho những ai kém may mắn hoặc yếu bóng vía. Tôi sống ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai nhiều năm, dám chắc rằng những kẻ sành ăn thịt rắn không biết được nghề bắt rắn lại nguy hiểm khôn lường.

Những người bắt rắn, phần lớn là nông dân nghèo khổ, vào rừng miền Đông kiếm kế sinh nhai. Họ hành nghề bắt rắn như là sự đẩy đưa của số phận, may mắn hẳn là rất ít, còn rủi ro thì không tính hết. Đến mùa khô từng đoàn người lũ lượt kéo nhau vào rừng, trên vai lỉnh kỉnh ba lô, xoong nồi, võng bạt, đèn pin…nào là máy rà điện, lao, chỉa… Họ chia nhau mỗi người một ngả, trấn giữ từng lãnh địa riêng. Một cuộc kiếm chác, đào bới đầy hứng khởi và tràn trề hy vọng. Lũ rắn không chân tội nghiệp kia biết chạy đâu cho thoát.

Cũng có người trúng ngay từ lúc lúc hạ trại, có người đi dăm bảy ngày hết gạo về không. Có người bị rắn độc cắn chết ở một xó rừng nào đó chưa tìm thấy xác, có người lê lết về đến làng chưa kịp nhìn mặt người thân đã nhắm mắt tắt thở. Có người liều mình chặt tay chân ngăn không cho nọc độc theo máu vào tim để chịu thương tật suốt đời. Không có nỗi đau đớn vật vật vã nào bằng rắn cắn, vết thương tụ huyết độc bầm tím, sưng vù.

Tôi đã chứng kiến một cảnh hết sức thương tâm khi anh H. bị rắn cắn. Anh la hét vì đau suốt hai ngày ròng cho đến khi kiệt sức, bọt mép phì ra thành một cục lớn ở khóe miệng, mắt trợn ngược, răng nghiến ken két, hình như anh đang vắt kiệt chút sinh lực còn lại để tránh đối mặt với tử thần. Cũng may ở làng tôi có thầy lang An làm nghề chữa rắn gia truyền nên anh mới được cứu thoát.

Cách đây khoảng 10 năm, nhân một chuyến đi rừng, tôi đã từng thấy cuộc kịch chiến giữa anh chàng thợ săn mạnh khỏe tên Năm tại khu vực Bàu Sắn – Trị An. Chuyến đi thú vị ấy khiến tôi nhớ mãi, đôi lúc còn bị ám ảnh bởi sự khủng khiếp ngay trong cả những giấc mơ. Đêm ấy trăng mờ mờ, hai anh em chúng tôi hẹn nhau đi rình heo về phá rẫy dưới bóng tán một cây kơ nia rậm lá.

Vận may xuất hiện khá nhanh, một chú heo rừng nặng cả tạ lù lù dẫn xác đến. Khoảng cách chỉ còn hơn 10 mét, khẩu súng ka líp trong tay Năm ghếch nòng chuẩn bị xiết cò thì chú heo rừng ngửi thấy mùi lạ bèn đổi hướng đi. Tiếc con mồi ngẩn ngơ, năm xách súng rượt theo, cỏ tranh rậm rạp xao xác dưới chân dày. Bỗng đâu từ trên cao có một vệt đen dài lao xuống đánh uỵch, Năm bị rút ngược lên cành cây lớn đang xòa tán trước mặt tôi. Năm hét toáng lên: “Cứu em với”. Tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao nữa, đầu óc chếnh choàng, người gai gai vì sợ.

Đêm trăng non đã tàn, trời tối như có ai bưng lấy mắt. Định thần, tôi bấm chiếc đèn đi săn sáng quắc về hướng Năm kêu cứu. Thật khó tưởng tượng nổi, con trăn gió to cỡ cột chái nhà, dài hơn chục mét, nó đang cuốn chặt Năm treo lơ lửng trên cành cây. Cũng nhờ cái báng súng mà Năm không bị gãy xương, không bị chết ngạt khi chú trăn dùng đuôi quấn. Chú trăn vặn mình răng rắc, bóng cây rung lên từng chập, Năm bị bọc kín dần trong lớp da trăn rằn ri, còn cái đầu tóc bù xù là tôi còn nhìn thấy được. Năm lấy hết sức bình sinh chống trả rồi dùng hàm răng chắc khỏe của mình cắn bập vào bụng trăn gió nhằn ra từng mảnh thịt đỏ lòm đầy máu. Đau quá, chú trăn nới dần vòng cuốn. Năm liền tháo sợi dây nịt trói chặt con trăn gió trên cành cây rồi đánh đu xuống đất.

Áo quần Năm tả tơi rách bươm, da thịt tím bầm từng mảng lớn. Năm bảo tôi ngồi yên ở đấy, nó chạy tắt theo một lối nhỏ quen thuộc trong rừng về làng kêu thêm người mang rọ sắt khiêng chú trăn khổng lồ về nhà, vài ngày sau thì bán cho một người chuyên làm nghề nấu cao rất nổi tiếng ở mạn sơn cước Mã Đà.

Muốn có một chú rắn khỏe mạnh, không trầy vi tróc vẩy chẳng có cách nào hơn là phải “túm” bằng tay, nếu trật thì hỏng ăn, nếu gặp phải rắn chửa hoặc rắn dữ thì chúng “đớp” cho bằng chết. Có nhiều con rất nhát, hễ thấy bóng người là chạy biến vào trong cỏ sậy, trong một đám lá dày bít nào đó, dù có tìm đỏ hoe con mắt cũng không thấy. Người bắt rắn lại phải nhọc nhằn, lui cui, bò lết khắp mọi hang hốc, khe suối để tìm con khác trong một sự tiếc nuối khó hình dung tâm trạng. Họ cũng không quên tìm tới những khu rừng ẩm ướt mà anh em nhà rắn thường hay tá túc, sinh sôi nãy nở ở đó.

Ban ngày các chú rắn khoanh tròn trong những hốc cây, dưới đám cỏ lá ẩm mục hoặc cuộn người vắt vẻo y hệt một cành cây khẳng khiu để nhử chim, rình sóc đuôi bông. Các chú vẫn thường có thói quen ngẩng cao đầu, dù nằm ở bất kì tư thế nào, hai mắt xanh như hai bi ve, luôn nhìn ra phía trước để tấn công kẻ thù hoặc săn bắt mồi. Những chú thỏ con, gà rừng, cun cút, chồn, chuột núi, ễnh ương, ếch, nhái…lỡ sa chân vào vòng cương tỏa của loài rắn là coi như toi đời. Rắn rất ít khi bắt trượt mồi, chúng thường dấu mình thật kĩ lưỡng rồi lao thẳng ra như tên bắn, con mồi bị đớp chết ngay lập tức do nhiễm nọc độc. Thế mà chúng lại thua loài người ở cái khoản rình rập, tiêu diệt nhau. Có những chàng rắn tinh tường đến mức, hễ nghe bước chân người đi ngang qua hoặc thấy lấp loáng ánh đèn pin là các chú co rút đầu lại trốn vào thân, nếu khôn hồn thì nhanh nhanh tìm hang mà đào thoát.

Ông Ba ở Phú Cường hành nghề bắt rắn tinh nghệ đến mức ông có thể đánh hơi được mùi rắn, con nào trốn dưới cỏ, con nào lẩn trên cây, con nào nằm dưới đất…ông đều phát hiện ra tất, chính xác như máy rà mìn. Mỗi chuyến đi rừng ông kiếm chắc ăn 5-7 ký rắn, có khi đeo nặng cả bòng. Theo như ông nói, phúc đức trời phật thương cho vài “anh hổ chúa” là sắm được cả cây vàng.

Tôi hỏi: Rắn hổ chúa sao mà đắt dữ vậy bác? Ông bảo, đến chủ nhà hàng mà cật vấn, già này chỉ biết bắt bán chứ hổng dám ăn. Ông vừa mở gút cái miệng bao tải ra, một lũ lỉ rắn đủ chủng loại, đủ màu sắc. Chúng tranh nhau lao đầu ra giữa cái sân đất nhà ông, nào hổ chúa mai gầm, nào cạp nong, cạp nia, nào rắn lục, hoàng xà, nào rắn ráo, rắn nước, nào rắn rồng, rắn kim…cứ xoắn xuýt, ngọ nguậy như một mớ dây tời. Con thì nhe răng phồng mang, con thì gồng mình đập đuôi tức tối, con thì chực chờ cắn đớp để trả thù cho cái sự không may của số phận.

Điều kì lạ thay, các chú rắn chỉ hăm dọa một lúc cho vui chứ chẳng tấn công ai, có cả chục con cứ ngọ nguậy trườn bò trong cái khoảng sân chật hẹp nhà ông mà không dám ra vườn. Một lát sau chúng lại cuộn tròn với nhau như một quả bóng bị bơm phình quá cỡ. Bất ngờ thằng cháu nội năm tuổi của ông Ba từ đâu nhảy bổ vào sân xé “quả bóng rắn” ra mấy con rồi quàng qua vai, qua cổ, còn cô út thì nắm giật đuôi một chú hổ mang bành to như rẽ quạt có ý nhát ghẹo tôi. Lạy chúa, lỡ chúng cắn thì sao? Tôi thầm nghĩ mà không dám nói.

Mãi sau này tôi mới biết, ông Ba có một bí quyết chữa rắn cắn bằng thảo dược hết sức kì lạ, ca nào mang đến ông bất kì nặng nhẹ, ông đều chữa lành mà không hề lấy tiền. Những chú rắn mà ông bắt được đã bị “thuần hóa” đến mức ngơ ngáo, không còn bản năng tự vệ như những nơi hoang dã nữa, ai muốn bắt muốn sờ nắn gì cũng không sao.

Có lần tôi được chứng kiến một cảnh tượng thật hi hữu và cũng thật nực cười. Đó là hàng chục con rắn bị sổng bao buộc, trên một chuyến tàu tốc hành Bắc - Nam. Các chú tưởng mình được trả tự do nên tha hồ chui rúc từ chân của người này sang chân người khác, chú thì khoanh tròn trên ba lô hành lí, va li, chú thì nằm vắt vẻo trên lưng ghế, chú thì quấn đuôi buông thõng mình trên gác để đồ, chú thì thò đầu qua cửa sổ con tàu, chú thì chui tọt vào buồng vệ sinh…hành khách được một phen hoảng hồn, thất sắc, cả toa tàu Thống Nhất náo loạn, phát rồ lên vì sợ. Họ không biết chạy đâu cho thoát lũ rắn. Còn chủ nhân buôn lậu cái thứ hàng cấm kia, sợ bị lộ tẩy đành ngồi im re.

Xem thêm
5 phim được chiếu miễn phí nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng

5 phim được chiếu miến phí nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2025), phim truyện 'Hồng Hà nữ sĩ' cũng được chiếu trong đợt này.

Hơn 200 vận động viên đua thuyền đầu xuân

Giải đua thuyền nam truyền thống lần thứ 30 năm 2025 do UBND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) tổ chức thu hút 12 thuyền đua, với hơn 200 vận động viên tham gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất