| Hotline: 0983.970.780

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Thiệt lâu dài, biết vẫn làm

Thứ Ba 19/04/2022 , 09:22 (GMT+7)

Ghi nhận của PV NNVN, đối tượng rút BHXH một lần đa phần là người có hoàn cảnh “đặng chẳng đừng”, họ coi khoản tiền này như “cứu cánh” giai đoạn hậu Covid-19.

Người lao động đến làm thủ tục tại BHXH TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người lao động đến làm thủ tục tại BHXH TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mỗi người một cảnh

Cuối tuần qua, chúng tôi có mặt tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) từ rất sớm, ghi nhận người đến làm các thủ tục về BHXH khá đông, xếp hàng lấy số thứ tự ra đến tận ngoài cổng. Tuy nhiên, khi được hỏi thì có người đến để làm thủ tục nhận BHXH một lần, có người đến để xin chuyển BHXH, có người đến đăng ký bổ sung thông tin BHXH, BHYT…

Chị Lê Thị Kim A. (sinh năm 1987) có mặt từ 7h sáng nhưng số thứ tự mãi đến số 63. Đến gần 10h, Kim A. vẫn chưa tới lượt để vào làm thủ tục BHXH một lần. Chị Kim A. cho biết, chị làm công nhân tại Công ty Dệt Việt Thắng (TP Thủ Đức) từ tháng 2/2007 thì đến tháng 3/2020 chị nghỉ thai sản và chuyển về Bà Rịa Vũng Tàu, mức lương đóng BHXH tháng cuối cùng là 5.711.000 đồng. “Do không có ai chăm sóc con nên sau khi hết thời gian thai sản, tôi quyết định nghỉ hẳn ở nhà để lo cho con, mọi việc có ông xã lo. Vì vậy, tôi quyết định rút BHXH một lần, đến đâu tính đến đó. Sau này nếu đi làm lại thì tôi lại đóng lại từ đầu”, Kim A. nói.

Kim A. cũng cho biết, chị đã lĩnh được 11 tháng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền hơn 3,4 triệu đồng/tháng.

Người lao động ngồi chờ đến lượt làm thủ tục tại BHX TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người lao động ngồi chờ đến lượt làm thủ tục tại BHX TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Còn chị Phan Thị Hồng H. (sinh năm 1986) đi 50km từ Bến Cát, tỉnh Bình Dương lên BHXH Thành phố Thủ Đức lúc 9h để hoàn thiện hồ sơ làm thủ tục rút BHXH một lần, nhưng vì “hết số” nên chị được yêu cầu ngày hôm sau ghé lại “bốc số”. “Giờ tôi về lại Bình Dương thì mai lại phải dậy đi từ 3 - 4h sáng mới có thể xếp hàng lấy được số sớm, trong khi đó một thân một mình, đường sá lại không rành. Chả lẽ tôi lại thuê phòng ở gần đây để mai đến sớm”, chị H. buồn bã nói.

Hồng H. cho biết, chị công tác tại Bệnh viện Thủ Đức và đóng BHXH được 12 năm 2 tháng. Tuy nhiên, do vỡ kế hoạch sinh bé thứ ba, cộng với dịch Covid-19 nên chị quyết định nghỉ việc từ đầu năm 2021. “Tổng thu nhập của tôi khi ấy là 7 triệu đồng/tháng, chồng tôi được gần 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, phải ở nhà thuê, ba đứa con còn nhỏ (đứa lớn mới học lớp 5), tiền thuê nhà, tiền sữa, tiền ăn… rồi tiền học của cả ba đứa nếu ba mẹ đi làm thì tốn kém lắm, không thể trang trải nổi. Nên cả hai vợ chồng tôi đành quyết định nghỉ việc, nhận BHTN để lấy vốn mở nhà thuốc, vừa có thời gian lo cho ba đứa nhỏ, vừa có thể trang trải cuộc sống”, chị H. giãi bày.

Khi tôi hỏi chị có nghĩ đến việc ngừng tham gia BHXH, sau này về già không có lương hưu thì chị nói: “Tôi cũng từng có ý định sẽ đóng tiếp BHXH, nhưng quả thực mình không biết đóng tiếp ở đâu vì đã nghỉ việc, cũng không biết mức đóng như thế nào, không có ai tư vấn cho tôi cả”. “Sao chị không hỏi BHXH họ tư vấn cụ thể” – “Chưa được vào tới bên trong thì lấy đâu ra mà hỏi để tư vấn. Tôi chưa tiếp cận được với nhân viên BHXH để hỏi rõ”, chị H. nói.

Vì không có người trông con nên chị Huỳnh Thị Kim Ng. phải bồng cả con đến BHXH Thành phố Thủ Đức để làm thủ tục. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vì không có người trông con nên chị Huỳnh Thị Kim Ng. phải bồng cả con đến BHXH Thành phố Thủ Đức để làm thủ tục. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đợi chồng photo giấy tờ trước cổng BHXH Thành phố Thủ Đức, chị Huỳnh Thị Kim Ng. (26 tuổi) vừa bồng con trên tay vừa đưa cho tôi xem giấy tờ. Chị Ng. cho biết, chị và chồng cùng làm tại Công ty Phong Phú (chị là công nhân sợi, còn anh là thợ điện có tay nghề) nhưng do mới sinh, không có người chăm con nên chị quyết định nghỉ việc, còn chồng thì muốn ra ngoài làm riêng để thay đổi môi trường, có thời gian nhiều hơn cho gia đình nên cả hai đều xin nghỉ việc cùng lúc. Sau đó, cả hai vợ chồng đều làm thủ tục rút BHXH một lần và đã được cơ quan BHXH chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, hôm nay anh chị đến lĩnh tiền trượt giá.

“Tôi mới đi làm được một năm, cộng với lương cơ bản thấp, nên rút BHXH một lần chỉ được 21 triệu đồng. Còn chồng tôi hưởng lương kỹ thuật, đóng bảo hiểm ở mức lương 8,6 triệu đồng/tháng, nên khi nghỉ rút BHXH được hơn 90 triệu đồng. Chúng tôi cũng có thêm được một khoản tiền để mở tiệm cơ điện để làm ăn riêng, biết là sẽ có nhiều bất lợi về già, nhưng mà còn trẻ, sau này lại tính tiếp vậy”, chị Ng. nói.

Có mặt tại BHXH quận 1 (đường Lý Văn Phức, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) sáng 18/4, anh Lê Quốc E. (sinh năm 1980) cho biết, anh là thợ hàn đã làm việc tại Công ty Ba Son được 11 năm, tuy nhiên sau đó anh chuyển sang một công ty khác và tiếp tục đóng BHXH được thêm được 2 năm. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra anh quyết định nghỉ việc để tự ra kinh doanh, “làm nhiêu ăn bấy nhiêu”.

“Tôi vừa sửa nhà nên vốn liếng không còn bao nhiêu. Vì phải đầu tư kinh doanh riêng nên tôi đành phải tính đến phương án nhận BHXH một lần. Chứ có tiền sẵn thì tôi cứ để đó đóng thêm để đến khi về già cũng có đồng ra đồng vào. Chẳng đặng đừng mới quyết định thế chị à!”, anh Quốc E. chia sẻ.

Theo tính toán của ngành BHXH, nếu một người lao động có 20 năm đóng BHXH (từ năm 2001 - 2020), với mức tiền lương bình quân đóng là 4 triệu đồng/tháng và đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2022, khi nhận BHXH một lần thì người này sẽ được 134 triệu đồng đối với cả lao động nam và lao động nữ.

Tuy nhiên, nếu để nhận lương hưu thì lao động nam (với tuổi thọ trung bình là 71 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 257 triệu đồng, nhiều hơn hơn 123 triệu đồng so với nhận BHXH một lần. Còn đối với lao động nữ (với tuổi thọ trung bình là 76,3 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 589 triệu đồng, nhiều hơn hơn 455 triệu đồng so với nhận BHXH một lần.

Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Theo BHXH TP.HCM, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã có khoảng 37.000 người lao động (NLĐ) làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt trong quý I/2022, số người đến làm thủ tục BHXH một lần tăng, chủ yếu tập trung ở 6 quận huyện cửa ngõ như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, Bình Tân và TP Thủ Đức.

“Theo quy định của BHXH Việt Nam, NLĐ muốn làm thủ tục BHXH thì có thể đến bất cứ cơ quan BHXH nào trên cả nước đều được. Do đó, sau dịch số lượng người đến làm hồ sơ BHXH tại 6 quận huyện này tăng hơn trước, còn các quận trung tâm không có tình trạng này. Trong số đó, không chỉ có người đến làm thủ tục rút BHXH một lần, mà nhiều người còn làm các thủ tục BHXH khác.

Trung bình 1 ngày, mỗi đơn vị BHXH trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận khoảng 26 hồ sơ. Như vậy, không phải là nhiều như báo chí nêu”, đại diện BHXH TP.HCM nói.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giám đốc BHXH TP.HCM Phan Văn Mến cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến NLĐ gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng muốn nhận BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, trang trải cuộc sống, nhưng những quyền lợi, lợi ích lâu dài bị ảnh hưởng rất lớn. 

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho hay, việc nhận BHXH một lần khiến NLĐ rất thiệt thòi vì số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH trong 1 năm của NLĐ bằng 2,64 tháng lương, nhưng khi nhận chỉ được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Ngoài ra, thời gian đóng BHXH của NLĐ đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác. Bên cạnh đó, NLĐ cũng mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động, hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần (không được hoàn trả BHXH một lần đã nhận). NLĐ cũng mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền...

“NLĐ không nên nhận trợ cấp một lần, mà nên tích lũy thời gian để hưởng chế độ hàng tháng. Các doanh nghiệp nên tạo điều kiện để NLĐ có việc làm, có thu nhập. Nhà nước và các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham mưu Chính phủ có quỹ nhằm tạo điều kiện cho NLĐ vay vốn ưu đãi, không lãi suất, có kế sinh nhai…”, ông Mến khuyến nghị.

Dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí xuống còn 10 năm. Việc sửa đổi chính sách BHXH sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện), NLĐ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ.

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.