| Hotline: 0983.970.780

Sắc xuân Trường Sa

Thứ Tư 25/01/2023 , 13:58 (GMT+7)

Nhờ có sức người với sự bền bỉ lao động sáng tạo, nhiều mùa xuân đã qua và những mùa xuân tới, Trường Sa sẽ thêm xanh, tốt tươi màu lá.

Tôi tham gia đoàn công tác số 8 trở lại Trường Sa sau 20 năm. Đoàn hơn 250 người, thuộc một số cơ quan của Trung ương, các bộ, ngành, đoàn thể, cùng hơn 40 kiều bào trở về từ 17 quốc gia khác nhau. Trong đội hình lớn có 14 đoàn nhỏ, nhưng đoàn có số thành viên “khiêm tốn” nhất là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp (KHKTNN) miền Nam. Bù lại, đây lại là đoàn ít ai sánh kịp về kỷ lục đến Trường Sa.

h1

Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh trong vườn rau đảo Đá Lớn A.

Người có 17 lần cưỡi sóng ra "quần đảo Bão Tố" là Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp thuộc Viện KHKTNN miền Nam. Anh là người chủ trì triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa”. Thời gian thực hiện dự án đặc thù này trong 3 năm (2019 - 2021).

Khi về lại Thành phố Hồ Chí Minh, mới biết Viện nằm đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay vòng xoay Điện Biên Phủ, chỉ cách cơ quan cũ của tôi chừng một “khúc dao quăng”. Đến thăm và trò chuyện với anh Chinh, tôi vỡ ra nhiều chuyện. Ai cũng biết, Trường Sa từ lâu đã là vùng phên dậu bảo vệ sườn phía đông của Tổ quốc; sự liên kết giữa các đảo trong quần đảo tạo thành lá chắn cực kỳ quan trọng. Việt Nam xếp thứ 27 trong số 157 quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển, các quốc đảo trên thế giới. Hầu hết các đảo ở Trường Sa đều nguồn gốc san hô, chỉ cao hơn mặt biển 5 - 6m. Do nhiều vấn đề về lịch sử, đến nay trên quần đảo này có sự hiện diện của lực lượng 4 nước, 5 bên; riêng Việt Nam thực thi chủ quyền và quản lý 21 đảo (9 đảo nổi và 12 đảo chìm), với 33 điểm đóng quân. Thế nên đằng sau tên các đảo thường gắn với một số điểm A, B, C, cụ thể để dễ phân biệt.

Từ năm 2005, Bộ tư lệnh Hải quân giao cho Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (TTNĐVN), chi nhánh phía Nam nhiệm vụ nghiên cứu trồng rau cho bộ đội Trường Sa. Trung tâm đã phối hợp với Viện KHKTNN miền Nam xây dựng đề tài và tổ chức thực hiện. Phía Viện đã nghiên cứu để TTNĐVN thi công nhà màng mini và 2 loại khay trồng rau. Đáng chú ý là đã nghiên cứu thành công và hướng dẫn bộ đội trong rau trong nhà kính, dùng giá thể thay cho đất với hệ thống tưới nước tiết kiệm. Kết quả có ít nhất 14 loại rau có thể trồng theo kỹ thuật của đề tài, đạt năng suất 3-4kg/m2 trong điều kiện rất khó khăn. Kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình và kỹ thuật trồng rau năng suất cao cho quần đảo Trường Sa” được Hội đồng Khoa học Công nghệ Quân chủng Hải quân nghiệm thu ngày 3-11-2008, đạt loại giỏi. Đề tài cũng giành giải nhất Hội thi Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh và giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo toàn quốc (VIFOTEC) năm 2010.

Việc phát triển một số cây trồng vật nuôi và phủ xanh bằng cây xanh cảnh quan và trồng rau trong nhà lưới trên các đảo ở Trường Sa là hết sức cần thiết. Mục tiêu được xác định là tạo môi trường đất, giá thể phù hợp với môi trường biển đảo để phát triển một số cây trồng và cây xanh. Trồng rau, nuôi gia cầm, nhằm chủ động cung cấp rau xanh, thực phẩm tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Dự án “Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa”, được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, nhận được sự đồng thuận của Bộ tư lệnh Hải quân, Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146 Hải quân là đơn vị trực tiếp đóng quân, quản lý trên quần đảo… Nhờ vậy, việc triển khai thực hiện dự án đã được các đơn vị tạo mọi điều kiện, hiệp đồng, hỗ trợ vận chuyển và bốc dỡ vật tư.

Tuy nhiên, trong 3 năm thực hiện, thì có 2 năm vướng đại dịch Covid-19, nên công tác triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi khi cán bộ và công nhân đi đảo đều phải khám sức khỏe tổng quát, làm xét nghiệm PCR, vào Lữ đoàn 146 Hải quân cách ly 21 ngày, mới được lên tàu. Mỗi chuyến đi từ đất liền lên đảo mất hơn 2 tuần mới tới, anh chị em bị say sóng nhiều. Môi trường thực hiện dự án khắc nghiệt (sóng to, gió lớn, mùi phân hủy của xác bã san hô) ảnh hướng đến sức khỏe của những người thực thi nhiệm vụ.

1 vuon rau

Rau thơm ở đảo Tốc Tan B.

Vượt lên tất cả, dự án được triển khai tại 3 đảo tại cụm đảo phía Nam thuộc quần đảo Trường Sa, cải tạo và xây dựng 9 mô hình (3 mô hình sản xuất rau, 3 mô hình chăn nuôi vịt biển và 3 mô hình trồng cây xanh cảnh quan); hoàn thành toàn bộ nội dung, đảm bảo khối lượng, chất lượng. Môi trường cát san hô được cải tạo, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, dần thích nghi với môi trường biển đảo. Hàng vạn cây xanh các loại (700 cây trong dự án và 15.300 cây ngoài dự án) đã được trồng. Một số đảo đã được cây xanh che phủ hoàn toàn 100% diện tích. Đây là một thành tích ấn tượng. Dự án xây dựng được 6 nhà lưới công nghệ cao với tổng diện tích 1.200m2; đã sản xuất được 32.250kg rau các loại..

Mô hình xây dựng nhà lưới để sản xuất rau quanh năm đã cho năng suất cao, từ 150 - 170kg rau xanh/100 m2 diện tích, bước đầu đáp ứng được khoảng 70-80% nhu cầu rau xanh tại chỗ cho các đảo Đá Tây, Trường Sa và Trường Sa Đông. Bên cạnh đó, đã xây dựng được 180m3 các bể nước bằng bê tông kiên cố để thu gom và chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và tưới cho cây xanh trong mùa khô. Đặc biệt, với 6.000 con giống vịt biển ban đầu, quá trình chăn nuôi, tính đến cuối năm 2021, đã thu được 11.312kg thịt vịt thương phẩm, vượt so với kế hoạch đề ra là 1.300kg (tăng 13%). Trên quần đảo Trường Sa, ở các đảo nổi, từ trước, bộ đội đã nuôi được lợn, gà, chó, bò, nay thêm vịt biển. Đây là các giống vật nuôi từ dự án trước và được chọn lọc thành công, chống chịu được điều kiện sống giữa đại dương. Bò, lợn và vịt biển sinh sản tốt.

Đúng là “của một đồng, công một nén”. Dự án đầy tính lãng mạn và táo bạo đã thành hiện thực. Từ thành công này, Lữ đoàn 146 HQ, Bộ tư lệnh Vùng 4 HQ đã đề nghị Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện KHKTNN miền Nam tiếp tục nhân rộng mô hình trên cho các đảo khác trên quần đảo Trường Sa. Xây dựng nhà lưới cho tất cả các điểm đảo, để giúp bộ đội tăng gia sản xuất rau xanh tại chỗ. Hỗ trợ thêm con giống, vật nuôi, gồm lợn ta hoặc lợn rừng lai, con giống vịt biển, gà giống. Tiếp tục hỗ trợ các đảo: giá thể, phân bón hữu cơ, phân NPK, hạt giống các loại và một số vật tư thiết yếu. Trong đó, quan trọng hơn cả là tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ trước khi ra đảo thực hiện nhiệm vụ; cung cấp tài liệu, tủ sách về trồng trọt và chăn nuôi, để nâng cao hiểu biết cho bộ đội.

h4

Đưa giống vịt biển ra Trường Sa.

Theo lịch trình, đoàn công tác số 8 sẽ ghé thăm 10 đảo, song vì điều kiện thời tiết không cho phép, đại bộ phận chỉ đổ bộ lên được 3 đảo nổi và 5 đảo chìm. Lên đảo, ai cũng trầm trồ, thán phục những người lính đảo bởi những vườn rau phong phú về chủng loại. Nếu trên đảo Đá Lớn A, rau cải dày dịt đã lên ngồng, mùng tơi xanh nõn, khổ qua ngờm ngợp lúc lỉu quả, thì ở Tốc Tan B không chỉ có vậy, còn thêm rau muống, rau dền và miên man các loại rau thơm (húng, ngò, lá lốt…). Lại có cả giàn lá mơ lông bời bời xanh. Mùi rau thơm ở Tốc Tan B ngan ngát cả chiều mưa. Nhưng thú vị hơn cả, ở đây còn một vườn hoa mini đẹp mê hồn. Ngày xuân, đứng ở đây mà chụp ảnh, đảm bảo nhiều nơi sẽ phát hờn.

Được biết, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 4486/QĐ-BNN-KN ngày 18/11/2022, phê duyệt danh mục dự án Khuyến nông Trung ương từ năm 2023 và những năm tiếp theo. Nhờ có sức người với sự bền bỉ lao động sáng tạo, xuân này, Trường Sa sẽ thêm xanh, tốt tươi màu lá.

Xem thêm
Xuất nhập khẩu đạt mốc gần 800 tỷ USD

Xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng gần 14%, vượt xa so với mục tiêu đề ra (6%).

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.