Ecuador dẫn đầu về sản lượng tôm
Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích của Rabobank cho biết, tăng trưởng nguồn cung tôm nuôi toàn cầu đang chậm lại nhưng sẽ khả quan trong năm 2025, mặc dù giá đang ở mức thấp kỷ lục tại nhiều nơi trên thế giới.
Theo ước tính của Rabobank, Ecuador vẫn là nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới, với mức tăng trưởng dự kiến là 3% trong năm 2025.
![Một số trang trại nuôi tôm ở Ecuador nhìn từ trên cao. Ảnh: UCN.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/12/whatsapp-image-2021-06-10-at-004909-e1629475132360-103609_170-133524.jpeg)
Một số trang trại nuôi tôm ở Ecuador nhìn từ trên cao. Ảnh: UCN.
Ngành tôm nuôi của Mexico đã tăng trưởng tốt kể từ khi suy thoái vào năm 2013, vượt 200.000 tấn vào năm 2023. Tăng trưởng 1% trong năm 2024 và dự kiến tăng 4% vào năm 2025 là mức khá ổn định khi giá cả đang ở mức thấp. Mexico có thị trường nội địa tốt và có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Dù quy mô nhỏ hơn, nhưng ngành tôm Brazil đã tăng trưởng đáng kể từ năm 2017, tăng 20% vào năm 2023 và 10% trong năm 2024. Năm 2025, dự kiến sản lượng tôm của Brazil sẽ vượt 160.000 tấn.
Venezuela vẫn là quốc gia tiềm năng đứng thứ 2 trong khu vực châu Mỹ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành tôm Venezuela dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2024 và 2025, nhưng sản lượng tôm của nước này vẫn sẽ đạt 70.000 tấn trong năm 2025.
"Thật không thể tin, ngành tôm Venezuela từng chỉ ngang hàng với Honduras và Peru nhưng giờ đang làm tốt hơn nhiều. Chúng tôi thấy rất nhiều sản phẩm của Venezuela ở châu Âu, thực tế là ở Pháp và Tây Ban Nha”, Nikolik nói thêm.
Sản lượng tôm của Ấn Độ liệu có giảm nhẹ?
Tại Ấn Độ, giá thấp đã khiến một số nông dân chuyển từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang tôm sú.
Nikolik cho rằng, dự báo sản lượng tôm của Ấn Độ giảm 3% trong năm 2024 có thể sẽ không chính xác khi xuất khẩu tôm nước này nửa đầu năm 2024 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Nikolik cũng đưa ra dự báo, sản lượng tôm Ấn Độ sẽ phục hồi và tăng 2% trong năm 2025.
Châu Á dự kiến tăng trưởng chậm
Hầu hết tại các quốc gia ở châu Á, sản lượng tôm chân trắng dự kiến tăng trưởng chậm trong 2 năm tới.
Tại Việt Nam, sản lượng tôm nuôi được cho là đã giảm 8% vào năm 2023, nhưng dự kiến sẽ phục hồi, tăng nhẹ 1% trong năm 2024 và sẽ tăng 4% vào năm 2025.
Tuy nhiên theo báo cáo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), diện tích nuôi tôm nước lợ của Việt Nam năm 2024 đạt 737.000 ha, cơ bản không tăng so với năm 2023; sản lượng đạt hơn 1,26 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023.
Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ của Việt Nam sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024; sản lượng đạt 1,29 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước đó.
![Ở hầu hết các quốc gia châu Á, sản lượng tôm chân trắng dự kiến tăng trưởng chậm trong 2 năm tới. Ảnh: Knnindia.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/12/shrimps-11-11-2024-103709_527-133524.jpg)
Ở hầu hết các quốc gia châu Á, sản lượng tôm chân trắng dự kiến tăng trưởng chậm trong 2 năm tới. Ảnh: Knnindia.
Tại Indonesia, tăng trưởng sản lượng cũng đang chậm lại, đặc biệt là khi so sánh với giai đoạn 2010 - 2022. Sản lượng tôm của nước này năm 2024 dự kiến đạt 450.000 tấn, giảm 2% so với năm 2023. Tuy nhiên sản lượng được dự báo sẽ lại tăng 3% vào năm 2025.
Indonesia phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ và phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ cả Ecuador và Ấn Độ, cùng với giá cả thấp. Vì vậy, mức giảm 2% trong năm 2024 có thể vẫn hơi lạc quan.
Sản lượng tôm của Thái Lan không thay đổi nhiều kể từ khi nước này mất thị phần tại Hoa Kỳ vào năm 2013. Sản lượng tôm của nước này dự kiến giảm 1% vào năm 2024 và tăng 2% vào năm 2025, có nghĩa là tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng và tôm sú sẽ đạt 400.000 tấn vào năm nay.
Cũng giống như ở Nam Mỹ, các nhà sản xuất nhỏ hơn của châu Á như: Bangladesh, Philippines và Malaysia đang gặp khó khăn hơn với giá thấp.
Nói tóm lại, tăng trưởng nguồn cung của châu Á hiện tại gần như không thay đổi.
Cân nhắc chuyển sang tôm sú
Với giá tôm thẻ chân trắng thấp trong 2 năm nay, người nông dân nuôi tôm ở nhiều quốc gia đang cân nhắc chuyển sang tôm sú.
Tại châu Á, sản lượng tôm sú dự kiến đạt gần 700.000 tấn trong năm 2025, nhờ sản lượng tăng ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc.
Cuối cùng, theo Nikolik, giai đoạn tăng trưởng của tôm càng xanh có vẻ như đã dừng lại. Sau khi đạt đỉnh khoảng 325.000 tấn vào năm 2023, sản lượng trên khắp châu Á - với phần lớn đến từ Trung Quốc - dự kiến sẽ giảm 5% trong năm 2024 và có thể giảm thêm 1% vào năm 2025, xuống dưới mức 300.000 tấn.