Số liệu Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) đưa ra tại Hội thảo “Chính sách phát triển chuỗi giá trị tre - Những rào cản và thách thức” vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy, hàng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 500 triệu cây tre nứa cho các mục đích khác nhau và năm 2020 là 1 tỷ cây nên cần trồng mới thêm khoảng 60.000ha.
Mỗi năm đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu khoảng 250 triệu USD ngành mây tre cần được quan tâm để phát triển bền vững hơn |
Theo GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tre nứa chính là nhóm lâm sản ngoài gỗ có diện tích lớn nhất hiện nay, hiện các nhà khoa học đã điều tra phân loại được trên 200 loài tre trúc ở Việt Nam. Số liệu thống kế năm 2017 cho thấy Việt Nam hiện có xấp xỉ 1,5 triệu ha tre nứa với trữ lượng ước tính khoảng 6 tỷ cây, trong đó tre trồng khoảng 85.000ha, trữ lượng 350 triệu cây.
Theo Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 10 - 15%/năm, nhu cầu nguyên liệu đến 2020 cần ít nhất 1 tỷ cây tre nứa/năm nên ngoài diện tích hiện có, cần trồng mới thêm khoảng 60.000 ha.
Hiện có khoảng hơn 10 loài tre nứa có tiềm năng sản xuất dùng trong thương mại, như: Luồng, lung, bương, mai, diễn, tre gai, nứa, vầu, trúc, lồ ô, tầm vuồng, giang, le… Các sản phẩm từ tre nứa đang là nguồn thu nhập quan trọng trong kinh tế hộ gia đình tại các vùng nông thôn và miền núi của nước ta, đặc biệt là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành chế biến thủ công, mỹ nghệ khi mỗi năm giá trị xuất khẩu của mặt hàng này đạt khoảng 250 triệu USD.
Tiềm lực, lợi thế của chuỗi ngành tre được đánh giá chưa phát triển xứng tầm bởi quy mô còn hạn chế, hệ thống thu gom, buôn bán tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phục vụ xây dựng, đan lát giá trị thấp. Đặc biệt, Việt Nam chưa có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng tre, chứng chỉ rừng, giải pháp lâm sinh ứng dụng cho tre nứa còn nhiều hạn chế, thiếu các phương án quản lý rừng bền vững, vùng nguyên liệu vẫn còn phân tán.
Đồng tình với việc phải có phương án phát triển, quản lý bền vững các vùng nguyên liệu, đại diện Công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm (Quế Phong, Nghệ An) cho rằng, cần tránh sự chồng chéo, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bền vững và phát triển các sản phẩm thủ công địa phương để đảm bảo sinh kế cho người dân vùng đệm. Trong đó, để đảm bảo phát triển bền vững cần gắn bảo tồn và phát triển rừng lùng với sản xuất.
Đơn cử như tại vùng lùng tại huyện Quế Phong, cần qui hoạch rừng lùng gắn liền với sản xuất, tiến tới thực hiện các qui chuẩn để được cấp các chứng chỉ rừng. Giao rừng có chủ thực sự, có thời hạn dài hơn để doanh nghiệp đầu tư ổn định lâu dài. Nhân giống, gây trồng, phục tráng rừng lùng.
Còn theo ông Thái Đại Phong, Giám đốc Cty TNHH Đức Phong (TP Vinh, Nghệ An), mặc dù đơn vị đang sản xuất, tiêu thụ ổn định các loại đèn treo, đèn bàn hộp đựng đồ, giỏ đựng trái cây... tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á, song thách thức không hề nhỏ với doanh nghiệp khi nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, giá cả ngày càng cao. Chưa có chính sách riêng hỗ trợ cây mây tre, mà vẫn chỉ lồng ghép trong các văn bản chính sách nông nghiệp chung nên rất mong trong thời gian tới ngành mây tre không chỉ dừng lại ở con số vài trăm triệu USD mà có thể hướng tới con số tỷ USD như nhiều ngành nông sản khác.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Nhật Minh, chuyên gia nghiên cứu thị trường Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nguyên liệu phục vụ cho mây tre đan còn thiếu, không ổn định về số lượng và chất lượng. Một số loại tre chủ yếu là khai thác chứ chưa nhân được giống trồng, bắt đầu có các thử nghiệm chiết gốc ra để trồng nên không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, không đồng nhất về chất lượng. Tình hình khai thác chưa được quy hoạch, khai thác quá mức, dẫn đến thoái hóa tre, không có tổ chức, không bền vững.
Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ (giao đất, giao rừng). Thiết lập những vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung. Cần có viện nghiên cứu, nhà khoa học và DN tư nhân, làm việc cùng với người dân trong việc lai tạo phát triển loài tre có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp cần xây dựng chiến lược quy hoạch để bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu mây tre. Bên cạnh nguồn nguyên liệu mây tre phân bố sẵn trong rừng tự nhiên, cần nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo phát triển các loài mây tre có giá trị kinh tế cao, quy hoạch phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn.
Theo VCCI, tính đến nay Việt Nam đã là thành viên của hơn 10 FTA có tính chất toàn cầu và khu vực. Trong năm 2018, Việt Nam cũng cùng các nước ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với EVFTA, hai hiệp định này đều là những hiệp định tự do thương mại có tiêu chuẩn rất cao, trong đó đòi hỏi về chứng chỉ rừng và lâm sản có nguồn gốc được đặt lên hàng đầu nên xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành tre nứa Việt Nam ở thời điểm hiện tại mang tính sống còn trong tương lai. |