Trong giai đoạn ngành mía đường đang trên đà phục hồi như hiện nay, cộng thêm việc thiếu quỹ đất nông nghiệp để mở rộng sản xuất, liệu hướng đi này có phải là lời giải để nông dân làm giàu?
Xuất ngoại làm chủ cánh đồng trăm mẫu
“Mở lối doanh nông” là chương trình tổ chức cho nông dân Việt Nam sang tỉnh Attapeu (Lào) canh tác mía, do Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) đưa ra. Doanh nông là cụm từ ghép giữa doanh nhân và nông dân, mang ý nghĩa mỗi nông dân là một doanh nhân, với cách suy nghĩ, hành động như một chủ doanh nghiệp nhưng lĩnh vực hoạt động là nông nghiệp. Theo nội dung SBT công bố, chương trình “Mở lối doanh nông” sẽ tạo điều kiện để người nông dân tiếp quản và đầu tư canh tác mía trên những cánh đồng lớn với diện tích lên đến 100 ha.
Đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt triển khai mô hình đột phá này. Nông dân khi tham gia chương trình sẽ được công ty sắp xếp giao đất mà không phải trả tiền thuê, đồng thời được hưởng gói đầu tư vốn để trồng và chăm sóc mía trong suốt mùa vụ. Đến cuối vụ, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng mía và phân chia lợi nhuận theo hướng đảm bảo người nông dân được hưởng đầy đủ thành quả do công sức mình bỏ ra.
Ngoài ra, để giúp nông dân canh tác đạt năng suất cao, SBT cũng cử đội ngũ chuyên gia nông nghiệp, cán bộ nông vụ để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiện đại. Đối với vấn đề quản lý nông trường quy mô lớn, công ty cũng có chính sách hỗ trợ chi phí quản lý, vận hành cho nông dân. Tất cả các hành động này đều hướng đến mục tiêu đảm bảo người nông dân khai thác hiệu quả diện tích đất được giao, gia tăng thu nhập vào cuối vụ.
Và với mục đích sau cùng là tạo ra nguồn mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường, SBT không thu bất cứ khoản phí nào khi nông dân đăng ký tham gia. Người tham gia sẽ được tư vấn chi tiết, ký kết hợp đồng chính thức và đảm bảo quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Cơ hội dành cho ai?
Khí hậu gần giống với Việt Nam, môi trường trong lành, người dân địa phương hiền hòa, vùng đất Lào có đầy đủ các tiêu chí để nông dân Việt, đặc biệt là những người trẻ có khát vọng làm chủ, quản lý nông trường quy mô lớn lựa chọn để lập nghiệp.
Sở hữu nhà máy công suất ép 7.000 tấn mía/ngày và vùng nguyên liệu rộng gần 11.000 ha, dự kiến có thể mở rộng lên đến 15.000 – 20.000 ha, SBT đã có kinh nghiệm tổ chức canh tác, sản xuất mía đường tại tỉnh Attapeu, Lào trong những năm qua. Do đó, công ty rất tự tin mời gọi các nông dân đã từng trồng mía hoặc chỉ cần có kinh nghiệm nông nghiệp tham gia chương trình. Sau giai đoạn hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, nhiều nhà máy đường đóng cửa, kéo theo đó là hàng ngàn nông dân trồng mía phải chuyển đổi cây trồng hoặc tìm kế sinh nhai khác. Do đó, chương trình của SBT có thể xem là cơ hội để các nông dân này tận dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình để tiếp tục nghề nông nhưng ở một trình độ cao hơn.
Với quỹ đất lớn và tập trung tại Lào, nông dân sẽ có điều kiện để cơ giới hóa, tối ưu chi phí. Thậm chí, nếu có năng lực, công ty sẵn sàng giao thêm hàng trăm hecta để nông dân tận dụng lợi thế quy mô. Đây là điều mà ở Việt Nam hầu như không thể làm được. Bên cạnh đó, năm 2021 cũng là năm bản lề của ngành mía đường khi chuyển từ giai đoạn suy thoái sang phục hồi, giá mía được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong 3 năm tới. Nếu tận dụng được thời cơ này, người nông dân hoàn toàn có thể kiếm được thu nhập lên đến 3 tỷ đồng/năm.
Hiện nay đã có một số nông dân tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên làm thủ tục sang Lào để tham gia chương trình với tổng diện tích nhận canh tác lên đến 3.000 ha. Người nông dân tại các địa phương từng là “thủ phủ mía đường” như khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cũng có thể cân nhắc về chương trình này. Dẫu biết rằng việc “xuất ngoại” là một quyết định hệ trọng, nhưng nếu có quyết tâm cộng với sự hỗ trợ từ công ty, đây có thể là một cơ hội để đổi đời, làm giàu với cây mía.
Để đăng ký hoặc tìm hiểu thêm thông tin về chương trình “Mở lối doanh nông”, quý bà con nông dân có thể liên hệ các đầu mối sau:
Ông Nguyễn Văn Kiên – Giám đốc khối Nông nghiệp SBT: 0908142066
Ông Vũ Thành Châu – Giám đốc Nhà máy TTC Sugar Attapeu: 0908361394
Ông Hồ Xuân Chính – Giám đốc Nông nghiệp TTC Sugar Attapeu: 0989146946
Ông Đinh Lý Thăng Long – Chuyên viên Quản lý nông nghiệp: 0965716815