Đây là hội nghị mang tính thường niên, là cầu nối để TTC Biên Hoà và các doanh nông lớn, đại diện cho quyền lợi của hàng ngàn người trồng mía tỉnh Tây Ninh thêm hiểu biết lẫn nhau, tháo gỡ những khó khăn cũng như đề ra những sáng kiến, giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu mía đường bền vững.
Tiếp sức cho người trồng mía
Ở lần tổ chức thứ hai, khái niệm doanh nông đã ngày càng trở nên hiện thực với người trồng mía Tây Ninh. Tại hội nghị, ông Thái Bá Hòa - Phó Giám đốc nhà máy TTCS đã trình bày chính sách đầu tư vụ 2021/2022, trong đó nhấn mạnh các điểm mới và có ý nghĩa để tiếp sức cho nông dân mở rộng diện tích, thâm canh tăng năng suất mía, từng bước nâng tầm trở thành doanh nông.
Theo đó, đối với nông dân tự thuê đất trồng mía, mức đầu tư tối đa cho đất tại Tây Ninh là 15 triệu đồng/ha/năm, ở Svayrieng (Campuchia) là 7 triệu đồng/ha/năm và ở Memot (Campuchia) là 2 triệu đồng/ha/năm. Công ty còn tiến hành thuê nhiều diện tích nhỏ lẻ để hình thành cánh đồng lớn tại Tây Ninh và giao lại hoặc cho người trồng mía trực tiếp thuê theo quy mô trên. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư vốn cho người nhận đất theo mức giá thực tế thuê nhưng không quá 20 triệu đồng/ha.
Về các hạng mục trồng và chăm sóc mía, định mức ứng vốn dành cho nông dân lên tới 40 triệu đồng/ha đối với mía tơ và 22 triệu đồng/ha đối với mía gốc (áp dụng cho đất nông dân sở hữu khu vực Tây Ninh). Để nâng cao năng suất mía, TTC Biên Hòa đưa ra các hạng mục đầu tư hệ thống tưới với định mức lên đến 7 triệu đồng/ha. Đối với mía Hè Thu, Công ty cũng đưa ra chính sách trợ giá 130.000 đồng/tấn để khuyến khích bà con nông dân.
Nhằm giúp người nông dân yên tâm đầu tư, gắn bó với cây mía, TTC Biên Hòa đã thông báo chính sách bảo hiểm giá mía trong 3 vụ liên tiếp, trong đó giá bảo hiểm vụ thu hoạch 22/23 lên đến 980.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS tại ruộng tùy theo khu vực, tương đương với giá mua mía tại bàn cân nhà máy vào khoảng 1.100.000 đồng/tấn 10 CCS. Đây là mức giá tối thiểu mà Công ty cam kết, tùy vào tình hình thị trường Công ty có thể mua mía với giá cao hơn, đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân.
Người trồng mía phấn khởi
Ông Nguyễn Hữu Nghị, một doanh nông lớn tại tỉnh Tây Ninh với diện tích trồng mía hơn 100 ha, trong đó có nhiều diện tích chuyển đổi từ trồng lúa, cho biết các chính sách TTC Biên Hoà năm nay rất có giá trị, tiến độ giải ngân kịp thời, giúp mía của ông có năng suất tốt. Với chính sách đầu tư hệ thống tưới, ông sẽ xây dựng hệ thống tiêu nước, dự kiến mang lại hiệu quả cao trong năm tới.
Ông Đặng Văn Hùng, một cựu chiến binh và lão thành trong nghề nông tỉnh Tây Ninh cũng chia sẻ rằng dù ông mới quay lại cây mía, cộng thêm tình hình dịch bệnh Covid-19 gây nhiều cản trở trong việc đi lại, kiểm tra, chăm sóc mía nhưng năng suất vụ này rất khả quan. Ông tin tưởng cây mía sẽ phát triển bền vững trong những năm tới.
Cùng chia sẻ quan điểm lạc quan, anh Hồ Quang Vũ, một doanh nông trẻ cũng cho biết bằng sự hỗ trợ từ Công ty cùng với kinh nghiệm và kiến thức được trang bị, diện tích mía Hè Thu của anh đang sinh trưởng rất tốt, năng suất cao. Anh cũng rất hào hứng chia sẻ đã mạnh dạn nhận khoán hàng trăm ha mía của Công ty và dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm để tận dụng cơ hội khi thị trường mía đường đang đi lên.
Tiếp nhận những ý kiến trên, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng 4 năm vừa qua là giai đoạn rất khó khăn với ngành đường, do đó TTC Biên Hòa thấu hiểu, chia sẻ với người nông dân. Đối với Công ty, nông dân trồng mía có vai trò không thể thay thế. Tập đoàn TTC và TTC Biên Hoà trân trọng và mong muốn bồi đắp mối quan hệ này, để cùng người nông dân làm giàu với cây mía.
Ông Đặng Văn Thành cũng đưa ra đề xuất thành lập CLB Doanh nông, lấy Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Thành Thành Công (TTC ARI) làm điểm gặp mặt để tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm cũng như đóng góp ý kiến, phản hồi về các chính sách và hoạt động của Công ty.