| Hotline: 0983.970.780

SEA Games gặp nhiều sự cố: Bài học từ Thái Lan

Thứ Tư 27/11/2019 , 06:30 (GMT+7)

Là đội gặp nhiều vấn đề và cũng kêu ca nhiều nhất kể từ ngày đặt chân tới Philippines, nhưng Thái Lan cũng lại là đội thể thao có thành tích để lại nỗi thất vọng lớn nhất tính đến lúc này.

Bữa ăn trong khách sạn của U22 Thái Lan

Chuyện SEA Games gặp sự cố hoặc vấn đề nọ kia không mới. Nó vốn được xem là một thuộc tính, một yếu tố bất thành văn của đại hội thể thao khu vực. Tại Philippines lần này, nhiều chuyện trục trặc đã xảy ra như đội U22 Thái Lan mất tới 2 tiếng kích hoạt thẻ rồi bị tắc đường không tới được sân tập đúng hẹn.

Hay U22 Campuchia phải nằm đất tại khách sạn vì không kịp lấy phòng. Còn U22 Đông Timor bị chở nhầm tới khách sạn khác, không phải được ban tổ chức phân.

Một điều trùng hợp, U22 Thái Lan gặp nhiều rắc rối nhất. Vấn đề rùm beng lên khi LĐBĐ nước này đăng một bức ảnh chụp bữa ăn toàn đội trong khách sạn hạng sang Century Park ở thủ đô Manila. Đội bóng xứ chùa vàng phàn nàn rằng bữa ăn không đủ về lượng, thực đơn các bữa ăn bị lặp đi lặp lại trong ngày.

Ngoài ra, cầu thủ còn không đủ... nước để uống. Cụ thể, chỉ có 4 chai nước (gồm 2 chai của khách sạn và 2 chai của ban tổ chức) được cung cấp hàng ngày cho mỗi phòng có 2 cầu thủ. Như vậy, mỗi ngày một cầu thủ chỉ có được 2 chai nước, không đủ cho nhu cầu của một VĐV.

Vấn đề của Thái Lan còn đeo bám họ ra tận sân tập. Do vị trí khó đi lại và nằm ở vùng xa trung tâm, sân tập của U22 Thái Lan không có nhà vệ sinh khiến các cầu thủ phải thay đồ trong xe bus.

Dư luận Thái Lan phẫn nộ với những điều này và đăng đàn phản đối Ban tổ chức SEA Games 30. Tuy nhiên, như đã nói, đấy là vấn đề không mới. Ngay như SEA Games gần nhất năm 2017, VĐV Việt Nam cũng về phản ánh là khách sạn 4 sao Berjaya Times Squares cũng thiếu đồ ăn và không hợp khẩu vị.

Thậm chí nhà vô địch Olympic của Việt Nam - Hoàng Xuân Vinh, còn phải chuẩn bị cơm nắm muối vừng ngay tại trường bắn, để tự túc các bữa ăn: vừa ngon miệng, vừa đủ chất dinh dưỡng.

U22 Thái Lan (áo xanh) thua tâm phục khẩu phục 0-2 trước U22 Indonesia ở trận ra quân

SEA Games, từ lâu vẫn được coi là "ao làng", là giải đấu kém xa về đẳng cấp so với những sân chơi như Asiad hay Olympic. Nếu đứng trên quan điểm ấy, hẳn các đoàn khi đặt chân tới ngày hội thể thao khu vực cũng nên chấp nhận chất lượng "bình dân", từ công tác tổ chức đến cơ sở hạ tầng của các nước chủ nhà đăng cai.

Thực tế thì từ những năm 90 trở về trước, SEA Games vẫn được tổ chức ở thành phố lớn của các quốc gia khu vực. Tuy nhiên, từ năm 1995, những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á thay đổi cách làm. Họ coi SEA Games là một cơ hội để phát triển kinh tế cho các tỉnh ở xa, hoặc chưa có điều kiện giao thông thuận lợi.

Đó là lý do mà các tỉnh như Chiang Mai (năm 1995), Korat (năm 2007), Palembang (năm 2011) lần lượt được trao quyền đăng cai, dù khi đứng ra nhận lời Ủy ban Olympic Đông Nam Á, những tỉnh này hầu như đều bị xem là "nghèo" và "chậm phát triển".

Lấy ví dụ tại Việt Nam, một người nước ngoài có thể thoải mái sống ở những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, miễn là có một chiếc smart phone. Họ có thể đặt xe, đi khắp nơi trong thành phố, đặt khách sạn từ trước khi sang Việt Nam... Nhưng nếu chỉ cần di chuyển về những vùng ven, cách trung tâm chừng 1 tiếng chạy xe, câu chuyện sẽ khác hẳn.

Khi ấy, thậm chí đến một người Việt Nam, nếu không có kinh nghiệm đi phượt, cũng phải bối rối. Họ sẽ không biết ăn ở đâu, ngủ chỗ nào. Chưa kể nếu là người nước ngoài, họ còn bị bất đồng ngôn ngữ.

Nói như vậy để thấy, việc SEA Games được đăng cai luân phiên giữa các nước, và tổ chức xen kẽ ở nhiều địa điểm khác nhau, nên được coi là một nét "văn hóa" của đại hội khu vực, bên cạnh những "lệ" bất thành văn như nước chủ nhà được tự quyết số môn thể thao, hoặc đưa vào những môn lạ mà chỉ người nước ấy biết chơi.

Chiểu theo đó, bên cạnh ý nghĩa cạnh tranh thể thao, SEA Games cũng là dịp để các nước thắt chặt quan hệ, cũng là cơ hội để VĐV các nước thử thách những kỹ năng ngoài cuộc sống của bản thân.

Cũng ngập trong khó khăn như Thái Lan ở SEA Games 30, nhưng U22 Indonesia chọn một cách phản ứng khác. Khi xe buýt đến đón họ chậm 30 phút, HLV Indra Sjafri lệnh cho toàn đội đi bộ đến sân tập.

Lúc được hỏi về bất tiện này, ông đáp: "Tôi luôn dặn học trò là phải lường trước mọi tình huống. Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào trận đấu. Tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi những chuyện nhỏ nhặt này".

Hai trường phái dường như đối nghịch ấy đã gặp nhau ở trận ra quân. Kết quả, là đội biết "nhập gia tùy tục" - U22 Indonesia - thắng vang dội 2-0. Còn Thái Lan, HLV Akira Nishino vẫn chưa hết ấm ức và đổ thừa thất bại cho mặt sân, điều mà đội nào khi chơi ở SEA Games 30 cũng phải chấp nhận.

Xem thêm
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa làm Chủ tịch Hội văn nghệ Tiền Giang

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vừa đắc cử Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029, trở thành người trẻ nhất cả nước giữ vị trí lãnh đạo văn nghệ địa phương.

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Bình luận mới nhất