| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh chấn chỉnh nhiều nhà máy tinh bột sắn gây ô nhiễm

Chủ Nhật 21/04/2024 , 16:11 (GMT+7)

Nhiều cơ sở sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thường xuyên xả thải trực tiếp ra môi trường dù bị phạt nặng. Tỉnh này đang quyết liệt chấn chỉnh…

Ngán ngẩm ô nhiễm môi trường

Tây Ninh được xem là công xưởng ngành chế biến tinh bột sắn (mì) của cả nước, hiện toàn tỉnh có hơn 68 nhà máy chế biến tinh bột sắn, tổng công suất đạt trên 6,4 triệu tấn củ/năm. Bên cạnh nhiều nhà máy đầu tư quy trình sản xuất, xử lý chất thải tiên tiến hiện đại thì vẫn tồn tại một số nhà máy vì lợi nhuận, bất chấp xả thải trực tiếp ra môi trường gây nhiều hệ lụy.

Tây Ninh được xem là công xưởng ngành chế biến tinh bột sắn của cả nước. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh được xem là công xưởng ngành chế biến tinh bột sắn của cả nước. Ảnh: Trần Trung.

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do các doanh nghiệp sắn trên địa bàn xã gây ra. Ghi nhận tại dòng kênh Xa Cách, trước đây kênh này được biết đến với sự trong sạch, nay đã trở thành nơi gây bức xúc cho nhiều hộ dân và chính quyền địa phương. Nước ô nhiễm từ kênh này cũng lan ra kênh Tây, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, chăn nuôi và tưới tiêu của người dân trong tỉnh Tây Ninh.

Khi thấy phóng viên tác nghiệp, nhiều người dân ở xã Suối Đá đã đến để bày tỏ bức xúc. Anh Nguyễn Văn Sơn sống cạnh nhà máy chế biến tinh bột cho biết, gia đình anh sống ổn định bằng nghề chăn nuôi gia súc. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, việc chăn nuôi của gia đình anh trở nên khó khăn vì gia súc vẫn thường xuyên bị bệnh tật, thậm chí chết không rõ nguyên nhân.

“Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành liên quan sớm vào cuộc giải quyết tình trạng này, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn xử lý nước thải theo đúng quy định trước khi thải ra môi trường, không gây ô nhiễm để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, anh Nguyễn Văn Sơn bức xúc.

Người dân bức xúc vì nguồn nước bị ô nhiễm do các nhà máy sắn gây ra. Ảnh: Trần Trung.

Người dân bức xúc vì nguồn nước bị ô nhiễm do các nhà máy sắn gây ra. Ảnh: Trần Trung.

Cách đó không xa là quán nước của gia đình chị Nguyễn Thị Lan, chị chia sẻ: “Do nước bẩn xả ra môi trường lâu ngày ngấm vào hầu hết các giếng nước trong khu vực nên chỉ có thể sử dụng để tắm giặt. Nước uống, nấu ăn đều phải mua nước bình…”.

Quyết liệt xử phạt

Nhận được phản ánh của các cơ quan báo chí và người dân, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh (Công ty Hữu Đức) có trụ sở đóng ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh 1,345 tỷ đồng.

Công ty Hữu Đức vừa bị tuýt còi vì xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Công ty Hữu Đức vừa bị tuýt còi vì xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, Công ty này bị phạt vì 2 hành vi gồm: Vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải. Cụ thể tại thời điểm kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Công ty đang hoạt động, riêng bể keo tụ, bể tạo bông, bể khử trùng không hoạt động và xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần.

UBND tỉnh Tây Ninh cũng buộc Công ty này chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm.

UBND tỉnh Tây Ninh cũng vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Nông sản Quốc tế Hiệp Phát (trụ sở tại ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu), mức xử phạt là 408 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo Quyết định, ngành chức năng xác định Công ty này có hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải với lưu lượng 200m3/ngày (24 giờ), có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần, với nhiều thông số vượt quy chuẩn an toàn ra môi trường như tổng Nitơ vượt 1,54 lần, Coliform vượt 15,33 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến tinh bột sắn QCVN 63:2017/BTNMT, Cột A theo quy định.

Doanh nghiệp chế biến sắn đổ chất thải bùn ra môi trường không lót bạt chống thấm. Ảnh: Trần Trung.

Doanh nghiệp chế biến sắn đổ chất thải bùn ra môi trường không lót bạt chống thấm. Ảnh: Trần Trung.

Cùng với việc phải nộp phạt, UBND tỉnh Tây Ninh còn áp dụng phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 4,5 tháng. Đồng thời, yêu cầu Công ty phải triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi xả thải gây ra trong vòng 30 ngày và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường cho cơ quan chức năng để kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều công ty vi phạm quy định về môi trường bị UBND tỉnh Tây Ninh xử phạt trong thời gian qua.

Giải pháp căn cơ

Theo Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, mặc dù đã có các biện pháp kiểm tra và xử phạt đối với các cơ sở xả thải ra môi trường, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn. Việc giải quyết tình trạng ô nhiễm này đang trở thành một vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan để bảo vệ môi trường và cuộc sống của cộng đồng.

Bên cạnh một số doanh nghiệp sai phạm, nhiều doanh nghiệp tại Tây Ninh đầu tư quy trình xử lý chất thải tiên tiến hiện đại. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh một số doanh nghiệp sai phạm, nhiều doanh nghiệp tại Tây Ninh đầu tư quy trình xử lý chất thải tiên tiến hiện đại. Ảnh: Trần Trung.

Theo các doanh nghiệp ngành chế biến tinh bột sắn, để sản xuất 1 tấn bột, cần sử dụng từ 25 đến 40m3 nước và thải ra từ 20 đến 38m3 nước. Đặc điểm của nước thải từ ngành chế biến tinh bột sắn là hàm lượng ô nhiễm cao, dù đã được cấp giấy chứng nhận hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải hoàn thiện hệ thống này. Tuy nhiên, việc đầu tư để đạt chuẩn A có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

“Tinh bột sắn là nguyên liệu không thể thiếu và doanh nghiệp chế biến vẫn cần tiếp tục hoạt động, việc đảm bảo môi trường là một thách thức đang đặt ra và yêu cầu sự nỗ lực từ tất cả các bên liên quan”, một doanh nghiệp ngành này đề nghị.

Việc đảm bảo môi trường là một thách thức đang đặt ra đối với doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn. Ảnh: Trần Trung.

Việc đảm bảo môi trường là một thách thức đang đặt ra đối với doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn. Ảnh: Trần Trung.

Để thực hiện tốt, Sở TN-MT Tây Ninh đề nghị các chủ doanh nghiệp thực hiện bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường, được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp làm việc trong nhà máy theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc vận hành các hạng mục công trình của hệ thống xử lý nước thải, đường ống thu gom, chuyển nước thải giữa các hạng mục công trình; có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế các hạng mục, đường ống xử lý nước thải đã hư hỏng, xuống cấp; tiến hành tháo dỡ các đường ống PVC không còn sử dụng hoặc không có liên quan đến việc thu gom, xử lý nước thải.

“Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các nội dung trên. Trong năm 2024, Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp. Nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường”, ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm