| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên xử mạnh tay với tàu cá '3 không'

Thứ Bảy 20/04/2024 , 16:07 (GMT+7)

Tỉnh Phú Yên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ven biển khẩn trương khắc phục một số tồn tại, hạn chế, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU.  

Tỉnh Phú Yên đã và đang tăng cường các giải pháp xử lý tàu cá vi phạm IUU. Ảnh: KS.

Tỉnh Phú Yên đã và đang tăng cường các giải pháp xử lý tàu cá vi phạm IUU. Ảnh: KS.

Phải xử lý tàu cá “3 không”

Toàn tỉnh Phú Yên hiện có khoảng 1.930 tàu cá, trong đó 658 tàu có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác hải sản xa bờ. Đến nay, đã có 654 tàu cá từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn lại 4 tàu chưa lắp đặt vì bị hư hỏng, đang nằm bờ.

Thời gian qua công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều nỗ lực khi từ năm 2019 đến nay, tỉnh này không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên tồn tại, hạn chế hiện nay khi một số địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép).

Thực tế mới đây, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU làm việc các địa phương ven biển về công tác chống khai thác IUU.

Theo đó, qua rà soát tại thị xã Sông Cầu có 641 tàu cá “3 không”. Mặt khác, thị xã Sông Cầu còn để xảy ra tình trạng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định mà cập các bến cá truyền thống để bốc dỡ thủy sản trái quy định.

Ngoài ra, thị xã Sông Cầu cũng chưa xử lý triệt để các trường hợp mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện đúng quy định ra vào cảng cá chỉ định.

Hiện các địa phương ven biển ở Phú Yên còn nhiều tàu cá '3 không'. Ảnh: KS.

Hiện các địa phương ven biển ở Phú Yên còn nhiều tàu cá "3 không". Ảnh: KS.

Tương tự tại huyện Tuy An cũng có 267 tàu cá “3 không” và các tàu cá từ 15m trở lên vẫn có tình trạng không cập cảng cá chỉ định mà thường cập bến cá truyền thống ở xã An Ninh Đông để bốc dỡ thủy.  Mặt khác, từ năm 2023 đến nay, tại huyện này có 38 lượt tàu cá mất kết nối VMS trên biển và nhiều lượt tàu không thực hiện đúng quy định về xuất, nhập cảng cá chỉ định.

Còn tại thị xã Đông Hòa có 147 tàu cá “3 không”. Cũng như 2 địa phương trên, địa phương này cũng để xảy ra tình trạng tàu cá từ 15m trở lên không thực hiện đúng các quy định khi cập cảng cá chỉ định; cũng như chưa phối hợp tốt trong công tác chống khai thác IUU và chưa xử lý triệt để các trường hợp mất kết nối VMS…

Tại thành phố Tuy Hòa có 81 tàu cá “3 không” và tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển còn xảy ra. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thành phố Tuy Hòa có 4 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, 29 tàu cá mất kết nối VMS trên biển. Địa phương cũng chưa phối hợp tốt trong công tác chống khai thác IUU, nhất là sự phối hợp xử lý vi phạm hành chính.

Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên, hiện tỉnh có số lượng bến cá truyền thống rất nhiều. Nhiều chủ tàu khai thác thủy hải sản không chịu đưa tàu vào các cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản, từ đó gây khó khăn trong công tác giám sát sản lượng khai thác. Thế nhưng đa số chính quyền địa phương bỏ ngỏ trong công tác quản lý nên các bến, bãi lên cá chưa giám sát được tàu cá, cũng như sản lượng thủy sản bốc dỡ, chưa báo cáo sản lượng theo quy định.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Phú Yên cho biết, đã đề nghị các địa phương ven biển khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khai thác IUU và phải hoàn thành trước tháng 4/2024. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường cần cử cán bộ phối hợp với Văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá để kịp thời lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp vi phạm hoặc chuyển cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt theo quy định.

Xử lý nghiêm vi phạm IUU

Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, trong năm qua, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 6 cuộc thanh tra chuyên ngành thủy sản trên biển. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 16 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; 162 tàu cá mất kết nối VMS trên biển, trong đó có 7 tàu cá mất kết nối trên 10 ngày.

Hiện nay Phú Yên còn nhiều bến cá truyền thống. Ảnh: KS.

Hiện nay Phú Yên còn nhiều bến cá truyền thống. Ảnh: KS.

Các cơ quan chức năng đã xử phạt 65 trường hợp hơn 900 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu như không duy trì hoạt động của thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển; không đăng ký tàu cá theo quy định; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không thông báo các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi vào cảng…

Về giám sát chặt chẽ các bến cá truyền thống, ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, đã chỉ đạo các xã, phường có tàu cá tiếp tục phối hợp với các đồn, trạm kiểm soát biên phòng kiểm tra, nhất là bến cá Xuân Cảnh và điểm lên cá Xuân Hải.

Bên cạnh đó, UBND thị xã cũng đã chỉ đạo phòng Kinh tế, các địa phương có tàu cá tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm, triệt để những trường hợp vi phạm trong khai thác IUU, nhất là tàu cá 3 không; tàu cá không thực hiện đúng quy định ra vào cảng cá chỉ định và các hành vi vi phạm về thiết bị VMS.

Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý tàu cá. Nếu để phát sinh tàu cá không rõ nguồn gốc hoặc đóng mới mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng, cũng như còn tàu cá “3 không” thì người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm.

Song song đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, phân loại, đánh giá cụ thể, công khai danh sách các tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể cho chủ tàu cá hoàn tất các hồ sơ, giấy tờ liên quan để thực hiện đăng kiểm, đăng ký theo quy định và sẽ hoàn thành trong tháng 3/2024.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các sở, ngành, địa phương ven biển tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong công tác IUU. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải xác minh, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình; cũng như kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá và giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác. Phải kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cố tình không vào cảng chỉ định bốc dỡ thủy sản khai thác.

 Theo ông Nguyễn Tri Phương, để chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 dự kiến vào tháng 4/2024 tới, Sở ngành liên quan và các địa phương ven biển cần triển khai quyết liệt công tác IUU. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển