Mặc cảm bị bỏ rơi khiến cho nhiều chủ vườn khi tiếp xúc với tôi, được hỏi về những thiệt hại do bão Yagi và lũ lụt sau đó đã nói thẳng: “Hỏi gì mà lắm thế? Nếu thống kê thiệt hại thì chúng tôi cũng có được hỗ trợ đâu? Nói ra lại tưởng chúng tôi kêu nghèo kêu khổ”. Một chủ vườn thì nói dỗi rằng: “Kể cả có hỗ trợ mà với mức như hỗ trợ hoa màu hiện nay, chỉ có 2 triệu đồng/ha thì các chúng tôi cũng xin được phép không nhận mà từ thiện lên cho đồng bào các tỉnh miền núi họ còn bị thiệt hại lớn hơn”.
Sở dĩ ông nói như thế bởi trung bình mỗi chủ vườn ở đây chỉ có cỡ 1.000-2.000m2 nếu cây cảnh mà lấy rau màu làm thước đo thì chỉ được có 100.000-200.000đ/hỗ trợ, không đủ mua một 1kg thịt chứ không nói đến tái thiết sản xuất. Trong khi cũng 1.000-2.000m2 hoa, cây cảnh ấy mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Có một cơn bão ngầm trong lòng dân ở Văn Giang mạnh không kém gì cơn bão Yagi.
Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ nhanh chóng trở nên lỗi thời bởi quy định diện tích lúa, ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70% thì hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha; Còn diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70% thì hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha. Cũng thấp tương tự là mức hỗ trợ với cây lâm nghiệp. Còn mức hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản thì diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4.100.000 - 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/ha; Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng/ha;
Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 6.100.000 - 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng/ha; Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 - 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha; Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 40.500.000 - 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng/ha; Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng /100 m3 lồng...
Mức hỗ trợ đó quả như muối bỏ bể với những người nông dân vừa phải hứng chịu những nghiệt ngã của thiên tai, muốn đứng dậy giữa đúng bùn lầy đổ nát.
Nghị định 02 còn quy định những đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản khác, không nằm trong danh sách này thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế của địa phương để hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Theo một chuyên gia về luật, để địa phương có thể hỗ trợ thì phải đưa ra Hội đồng Nhân dân tỉnh, có nghị quyết mức cụ thể rồi ban hành bằng văn bản. Nghĩa là với đối tượng, hoa, cây cảnh bị thiệt hại ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hoàn toàn có thể hỗ trợ được nhưng phải dựa trên văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Nếu trước đó các tỉnh đã ban hành quy định thì sau bão Yagi người dân mới được hỗ trợ nhưng sau khi bão Yagi mới làm quy định thì địa phương không được quyền hồi tố, đành chịu.
Được biết sắp tới sẽ có một Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 02, trong đó tăng từ 1,33-3,7 lần so với mức cũ, hỗ trợ theo từng loại cây trồng và giai đoạn cây trồng, cuối năm trình Chính phủ và phải sang năm 2025 mới có hiệu lực. Tôi chỉ ước ao, nếu Nghị định mới thay thế Nghị định 02 này cho phép hồi tố thì những người nông dân sau cơn bão Yagi có thể nhận hỗ trợ theo mức mới, tương xứng hơn, đỡ cảm thấy ngậm ngùi và thêm quyết tâm để vực dậy trên đống đổ nát, hoang tàn.
Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Bão gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam 81.500 tỷ đồng trong đó riêng thiệt hại nông nghiệp hơn 30.800 tỷ đồng, chiếm 38% tổng thiệt hại kinh tế.