Gần đây, nhiều đêm anh Nguyễn Anh Tuân - chủ vườn cam ở xã Thu Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) nằm mơ thấy ác mộng, khu vườn của mình bị kích giun trộm.
Luồng điện phóng xuống khiến cho đám giun trồi hết lên cả mặt đất, giãy giụa một hồi rồi chết khô dưới nắng, còng queo như muôn vàn dấu hỏi.
Những dấu hỏi như muốn hỏi loài người rằng: Tôi có ích như thế mà sao nỡ dí luồng điện cực mạnh xuống đất làm không chỉ tôi chết trong đau đớn mà cả con non của tôi, trứng của tôi đều bị héo khô?
"Con giun xéo lắm cũng quằn" và các chủ vườn như anh Tuân cũng vậy khi mà họ tự trang bị gậy gộc, vũ khí, lập ra các chốt tuần tra chống kích giun trộm. Đã có những xô xát xảy ra, có cả vụ việc chủ vườn đập vỡ kính ô tô của bọn kích giun trộm.
Và rất có thể sẽ xảy ra cả án mạng nữa bởi người đi ăn trộm giun thì có máy kích điện trong tay sẵn sàng chống trả, còn các chủ vườn thì uất ức, hờn căm việc cây trồng bị ảnh hưởng mà “điệp khúc” bắt rồi lại thả bởi không có chế tài, sẵn sàng xông vào đánh hội đồng.
Lúc đó thì kẻ thiệt mạng, người phải đi tù là cái giá mà chẳng ai mong muốn.
Giun đất giống như cỗ máy ngày đêm cần mẫn cày xới, cải tạo đất. Theo các nhà khoa học, đối với lĩnh vực trồng trọt, giun đất có rất nhiều lợi ích. Số lượng giun là một chỉ số quan trọng để xác định đất có màu mỡ hay không. Nếu đất màu mỡ sẽ có thể có 300 đến 500 con giun đất/m2.
Giun giúp đất trở nên tơi xốp và thoáng khí hơn bởi chính hoạt động hàng ngày của chúng là di chuyển và đào hang đã vô tình tạo ra các khoảng trống giúp đất trở thành "đất sống", thoát nước, giúp rễ cây và các sinh vật trong đất dễ hô hấp hơn. Giun tạo ra các đường mòn dẫn không khí đi khắp nơi trong đất giống như một hệ thống địa đạo mi ni thần kỳ của tạo hóa.
Thức ăn chính của giun đất là vụn cây mục nát như thân, lá, đất bởi vậy chất thải của chúng rất giàu khoáng chất và các thành phần hữu cơ. So với vùng đất không có giun sinh sống thì nơi có nhiều giun sinh sống sẽ có hàm lượng N, P, K, Mg 5-7 lần, thậm chí 11 lần. Thêm vào đó loài vật này còn giúp cân bằng độ pH trong đất, giúp tái tạo keo đất và xây dựng cấu trúc bề mặt đất bằng lượng phân để lại.
Trong quá trình giun đất sử dụng thân, lá cây mục để làm thức ăn, chúng sẽ tiêu hóa luôn những vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh. Sau khi thức ăn được “nhào nặn” trong ruột, phân giun thải ra môi trường lại rất tốt để các vi sinh vật có lợi phát triển, tạo ra các chất kháng sinh để tiêu diệt vi sinh có hại.
Thủa nhỏ tôi thường đi cuốc giun và không ít lần bị… bắt cuốc bởi cuốc cả sang đất của vườn nhà người khác. Nhưng mỗi khi thấy đàn ngan, đàn vịt của mình nuôi lớn phổng phao lên hàng ngày thì hôm sau tôi lại lén bố đi cuốc giun tiếp.
Giun đất là nguồn thức ăn rất tốt cho các loại gia súc, gia cầm như gà, vịt, lợn… vì chứa tới 70% đạm thô. Sử dụng con giun làm thức ăn chăn nuôi là giải pháp cực kỳ hiệu quả để tiết kiệm chi phí cho nông dân bởi lẽ chúng có thể tự sinh sôi, phát triển trong đất với số lượng lớn.
Bà con không cần tưới nước hay bỏ phân mà giun vẫn sinh sôi mạnh mẽ, cũng không cần bảo quản mà vẫn có nguồn thức ăn tươi sạch cho gia súc, gia cầm. Chỉ có điều phải tránh dùng hóa chất hay kích điện để bắt chúng.
Lượng protein trong con giun đất không hề thua kém so với protein của thịt, cá mà lại có phần hơn bởi chẳng có các chất độc hại như hooc môn tăng trưởng, kháng sinh. Bởi thế mà chị Nguyễn Thị Liên - Chủ trại giun quế GHT ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã đi tiên phong trong việc nuôi giun làm thuốc và làm cả thực phẩm như nem rán địa long, trứng chiên địa long và đặc biệt là chả đỗ địa long. Sản phẩm của chị bước đầu được một số khách hàng ưa chuộng, dù rằng rất nhiều khác không dám thử trong đó có tôi.
Trước thực trạng 1 kg giun tươi giá bán tới 60.000 - 70.000 đồng, còn hơn cả 1 kg thịt lợn hơi, 1 kg giun khô giá ngang bằng 1 kg mực khô (1 triệu) thì hành động của chúng ta phải thế nào cho phù hợp?
Theo tôi thứ nhất là phải có chế tài để xử phạt thật nghiêm hành vi kích giun cũng như đã từng có với kích cá, hoặc sau này có thể là kích chim, kích thú chẳng hạn.
Thứ hai là phải kiểm tra ngay các lò sấy giun xem có đảm bảo về nguồn gốc hàng hóa là nuôi hay đánh bắt tự nhiên, có hóa đơn không, có đảm bảo về môi trường hay không.
Thứ ba là mở ra nghề mới nuôi giun đất bởi có cầu ắt phải có cung. Nếu cứ cấm tất cả việc buôn bán giun đất mà không có nuôi thì ắt sẽ xảy ra tình trạng buôn lậu.
Hủy hoại môi trường, hủy hoại sản xuất nông nghiệp là việc lớn. Săn bắt tận diệt sẽ không bao giờ ngừng lại nếu những người có trách nhiệm luôn xem việc lớn là việc nhỏ như thân phận con giun.