| Hotline: 0983.970.780

Sôi động nông nghiệp Hải Phòng: Nông dân sẽ trở thành công nhân nông nghiệp

Chủ Nhật 15/11/2020 , 14:02 (GMT+7)

Dự án chế biến nông sản hiện đại với công nghệ châu Âu đang triển khai tại Hải Phòng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội, triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp.

Ruộng bị bỏ hoang tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Ruộng bị bỏ hoang tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Giải bài toán bỏ ruộng

Năm 2019, dự án nhà máy Haphofood chế biến rau củ quả hiện đại, quy mô lớn nhất miền Bắc được khởi công tại Hải Phòng với sứ mệnh thúc đẩy liên kết vùng, hướng đến xuất khẩu đã mở ra cơ hội, triển vọng mới cho nông nghiệp các tỉnh phía Bắc nói chung và Hải Phòng nói riêng về việc tăng thu nhập và khả năng phát triển bền vững.

Theo Sở NN-PTNT Hải PHòng, hiện tại địa phương này đang có 143 xã thuộc 7 huyện, diện tích đất sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế nông thôn chiếm khoảng 34% tổng diện tích đất sử dụng trên địa bàn thành phố. Kinh tế nông nghiệp Hải Phòng còn nhiều hạn chế, chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lao động, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thiếu vững chắc. Cơ cấu cây trồng chậm chuyển đổi.

“Vùng đất Hải Phòng rất hợp với rau, củ và nhiều loại cây khác, điều này có nghĩa là trên 1 diện tích canh tác, người dân sẽ thu hoạch hết, không bỏ cái gì cả. Chắc chắn thu nhập sẽ tăng lên. Việc đầu tư nhà máy có nhiều dây chuyền sẽ có giá trị như vậy” - ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ.

Nhiều cánh đồng ở Hải Phòng những năm qua chỉ độc canh lúa. Để tìm lối đi, người dân tự mày mò tìm hướng trong chuyển đổi cây trồng, nhiều giống cây trồng được thử nghiệm nhưng không phải mô hình nào cũng cho hiệu quả. Nguồn thu ngành nông nghiệp mỗi năm chỉ đạt trên dưới 14.000 tỷ đồng, con số này chưa phản ánh hết tiềm năng.

Đặc biệt, một bộ phận lớn lao động nông thôn có xu hướng tập trung làm việc tại các khu công nghiệp, khiến lao động nông nghiệp thiếu hụt, tình trạng nông dân bỏ ruộng diễn ra ở hầu hết các huyện ngoại thành, nhất là những huyện có các khu công nghiệp lớn như: An Dương, An Lão, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo…

Hầu hết nguồn lao động trẻ, khỏe đều đi làm công nhân và những người già yếu trở thành lao động chính trong các gia đình còn duy trì sản xuất nông nghiệp, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai.

Do vậy, việc nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood và sự đầu tư của các doanh nghiệp khác vào nông nghiệp công nghệ cao tại Hải Phòng, được lãnh đạo thành phố đánh giá là sẽ tạo cơ hội lớn cho khu vực nông thôn.

Ông Phạm Văn Thép, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết: “Nhà máy Haphofood nếu xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nông nghiệp Hải Phòng, giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đồng thời sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán về nông nghiệp, nông thôn, từ tăng giá trị đất đai canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị nông sản đến việc hướng người dân sản xuất quy củ. Thậm chí còn giải quyết được vấn đề ruộng bỏ hoang”.

Ổn định đầu ra nông sản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ khởi công nhà máy chế biến rau, củ, quả công nghệ cao Haphofood tại Hải Phòng. Ảnh: Trung Kiên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ khởi công nhà máy chế biến rau, củ, quả công nghệ cao Haphofood tại Hải Phòng. Ảnh: Trung Kiên.

Theo UBND TP Hải Phòng, dự án đầu tư nhà máy chế biến nông sản Haphofood nếu hoàn thành và đi vào hoạt động đúng kế hoạch, thành phố sẽ có một một trung tâm chế biến và sản xuất các sản phẩm từ rau, củ quả lớn nhất miền Bắc với công suất (giai đoạn 1) khoảng trên 100.000 tấn/năm.

“Thu thuế và giải quyết việc làm chỉ là 1 chuyện, mục tiêu chính là chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ trồng lúa, chuối năng suất thấp chúng ta chuyển sang trồng ổi, xoài… để cung cấp cho nhà máy” – ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Nhu cầu lớn về nguyên liệu, giúp Hải Phòng và các tỉnh lân cận có cơ hội từ thâm canh trồng lúa sang chuyên canh cây ăn quả với đầu ra thường xuyên và ổn định.

Đồng thời sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh rau, củ quả tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão cung ứng cho nhà máy.

Với người nông dân, những "bài ca" được mùa mất giá hoặc bị tư thương ép giá được kỳ vọng sẽ không còn khi các khâu giống, trồng trọt, chăm sóc và thu mua sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ và bao tiêu toàn bộ. Qua đó giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, chuyển dịch đáng kể cơ cấu kinh tế.

Đặc biệt, dự án này góp phần quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Do đó, sau lễ khởi công (năm 2019), TP Hải Phòng đã xây dựng đề án “Phát triển sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời xây dựng kế hoạch để phục vụ cung ứng vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Cùng với việc duy trì phát triển vùng rau chuyên canh và vùng trồng cây ăn quả hiện có là 2.250 ha, thành phố sẽ chuyển đổi 7.750 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả với kinh phí hỗ trợ người dân hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, diện tích cây ăn quả chuyển đổi là 1.200ha, gồm: Chanh leo, vải, mít, nhãn, ổi, thanh long. Diện tích chuyển đổi trồng rau 1.800ha, bao gồm: đậu tương rau, đậu bắp, súp lơ, cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, dưa hấu, dưa lưới…

Thành phố Hải Phòng cũng đã giao cho các địa phương tuyên truyền vận động cho người dân tham gia vùng sản xuất tập trung, đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo kế hoạch, hợp đồng liên kết.

Về sản xuất, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên cơ sở lấy ý kiến của các gia đình, cá nhân liên quan và phù hợp với kế hoạch của từng địa phương cụ thể.

Nông dân trở thành công nhân nông nghiệp

Những dự án nông nghiệp công nghệ cao không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phương thức sản xuất mà còn góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.

Doanh nghiệp với công nghệ hiện đại, với uy tín và tầm ảnh hưởng, hoạt động chuyên nghiệp, sẽ dắt tay người nông dân vào thị trường lớn.

Người dân huyện Kiến Thụy trồng chanh leo thử nghiệm để cung ứng cho nhà máy Haphofood. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân huyện Kiến Thụy trồng chanh leo thử nghiệm để cung ứng cho nhà máy Haphofood. Ảnh: Đinh Mười.

Theo chủ đầu tư dự án, nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood được đầu tư các dây chuyền hiện đại với công nghệ hàng đầu thế giới, sơ chế và chế biến trái cây, rau đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước.

Nhà máy có 6 dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu hoàn toàn từ Châu Âu, toàn bộ quy trình sản xuất khép kín với những quy định nghiêm ngặt và tự động hóa chiếm 80%. Phần còn lại của quy trình là bán tự động và thủ công ở các khâu như: lựa chọn trái cây, cắt gọt vỏ, tạo hình. Dự kiến nhà máy đưa vào hoạt động trong quý 1/2021 với công suất đạt trên 100.000 tấn nguyên liệu/năm.

Nhà máy sẽ thu mua nguyên liệu chất lượng cao của nông dân trong khu vực để sản xuất các sản phẩm: nước ép trái cây cô đặc, trái cây đông lạnh, củ quả đông lạnh, xử lý rau tươi (rau ăn lá), trái cây sấy (giòn, dẻo, lạnh), nước trái cây đóng lon, nước trái cây đóng chai.

Trong đó, từ khâu trồng trọt, xây dựng vùng nguyên liệu sẽ được ứng dụng công nghệ cao, người nông dân có thể biết được độ ẩm của đất, xác định lượng nước cần để tưới, lượng phân đủ để bón cho cây trồng… cũng như các cảnh báo về sâu bệnh.

Nông dân khi liên kết sản xuất, cung cấp nông sản cho nhà máy sẽ được đào tạo thành người công nhân trong nông nghiệp, có kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc cam kết của mình với nhà sản xuất, khách hàng… và lao động theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Nếu mà đầu tư thì chúng ta phải biến ở đây thành vùng kinh tế nông nghiệp. Phải làm được cả vấn đề phân bón cung ứng được cho các tỉnh phía Bắc, thậm chí là xuất khẩu cho các nước khác. Tương tự như thế là giống và mọi cái khác, sẽ tạo ra hệ sinh thái, một chuỗi giá trị.

Phải liên kết được vùng cả phía Bắc đưa nguyên liệu về Hải Phòng chế biến. Sản phẩm xuất khẩu đi Trung quốc khoảng 50-60% còn lại là xuất qua đường biển cho các nước trên thế giới khác" - ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lavifood.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm