| Hotline: 0983.970.780

Sôi động nông nghiệp Hải Phòng

Cơ hội đổi đời nông dân

Thứ Sáu 06/11/2020 , 06:00 (GMT+7)

‘Nếu làm bài bản, tử tế, có sự hỗ trợ của nhà nước, nông nghiệp công nghệ cao có thể giúp người nông dân đổi đời với nhiều tỷ trên 1 ha canh tác’.

Vườn lan 4.0 trị giá trăm tỷ đồng

Trong những năm qua, TP Hải Phòng đã có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và đạt được kết quả khả quan. Từ những khoảnh đất trống, khu ruộng bỏ hoang hóa…, nhiều nơi nay đã thành những dãy nhà khung sắt rộng lớn, bên trong sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, cho giá trị kinh tế cao.

Là một trong số ít các doanh nghiệp tiên phong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hải Phòng, Công ty Châu Giang chính thức bắt tay dự án trồng dưa lưới chất lượng cao từ năm 2015, sau đó là dự án hoa đồng tiền và nhà trồng lan hồ điệp.

Vườn lan được nuôi cấy mô, trồng và chăm sóc bằng công nghệ 4.0. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn lan được nuôi cấy mô, trồng và chăm sóc bằng công nghệ 4.0. Ảnh: Đinh Mười.

Vốn là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực giày da xuất khẩu, có kinh nghiệm, nguồn vốn, thêm vào đó là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TP Hải Phòng như: hỗ trợ kỹ thuật, tích tụ ruộng đất, cơ chế, ngân sách…, trong khoảng thời gian ngắn, ông Đào Quang Trịnh – Giám đốc doanh nghiệp - đã nhanh chóng xây dựng được mạng lưới phân phối rộng khắp trong thành phố và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình... Các sản phẩm thu hoạch đều được bao tiêu với đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Từ quy mô hơn 1ha trồng lan năm ban đầu, đến nay ông Trịnh đã xây dựng được hệ thống nhà lưới với tổng diện tích 5ha (trồng hoa và lan hồ điệp) được đầu tư công nghệ hiện đại như ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động của Israel và điều khiển tưới trung tâm, công nghệ cơ khí, cơ giới hóa, tự động hóa. Còn toàn bộ giống được nhập khẩu, dù chi phí đầu tư cao nhưng lãi cao.

Chăm sóc lan hồ điệp tại khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ảnh: Đinh Mười.

Chăm sóc lan hồ điệp tại khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ảnh: Đinh Mười.

Theo quy hoạch  khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2017 - 2020, Hải Phòng sẽ có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 590ha và 17 vùng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện tiếp 16 vùng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 1.905 ha. Giai đoạn 2026 – 2030, đầu tư thực hiện 9 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích hơn 1.300 ha.

“Hoa lan thì yêu cầu về ánh sáng và bóng râm là điều kiện tiên quyết, do đó công nghệ hiện đại 4.0, tự động là điều cần thiết phải đầu tư để tránh các yếu tố ngoại cảnh như gió, bụi, hướng ánh nắng mặt trời… Với công nghệ đang áp dụng (nhà lưới Israel) sẽ đảm bảo chức năng chống nắng, lọc tia bức xạ tránh hiện tượng cháy lá, hoặc cháy cánh hoa, giữ màu sắc tự nhiên cho hoa”, ông Trịnh cho hay.

Cũng theo ông Trịnh, để có vườn lan như hiện nay, quá trình triển khai dự án không hề đơn giản, ông đã từng phải đi vận động người dân để thu từng mảnh đất nhỏ lẻ. Do là mô hình mới, mà mới thì sẽ có nhiều khó khăn mà doanh nghiệp phải vượt qua

“Trước kia tôi cũng không hiểu về cây hoa lắm, tôi chỉ nghe người khác nói là cây này nhập từ Đài Loan, Thái Lan hoặc bên châu Âu về. Khi tôi bắt đầu đi vào thực hiện, khó khăn nhất là phải áp dụng thành công công nghệ thì mới thực hiện được. Tất cả giống và công nghệ đều nhập khẩu từ nước ngoài, chúng tôi đầu tư được 1 nhà xưởng rộng 1ha thì phải mất chi phí từ 32-35 tỷ đồng. Tuy nhiên được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, cùng với sự nỗ lực, chúng tôi đã vượt qua khó khăn, hiện tại trong vườn chúng tôi có gần 1 triệu cây trị giá hơn 100 tỷ đồng”, ông Trịnh chia sẻ.

Cơ hội đổi đời của người nông dân

Từng thành công với lĩnh vực giày da xuất khẩu, tại Hải Phòng có thể gọi là đại gia, nhưng ông Trịnh là con người yêu đất, yêu nông nghiệp. Giấc mơ về những làng quê giàu có, sạch sẽ với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại luôn thôi thúc ông trước thực trạng người dân ở Hải Phòng bỏ ruộng ngày càng nhiều, những cánh đông mọc đầy cỏ dại đâu đâu cũng thấy.

Ông Trịnh bộc bạch: “Tôi nghĩ Hải Phòng hiện nay người dân bỏ ruộng quá nhiều, nhưng người dân có phải bỏ ruộng là ai cũng tìm được công việc tốt hơn đâu. Chính vì vậy, người dân nên quay lại làm nông nghiệp bài bản. Làm công nghiệp hay làm nông nghiệp đều tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Như các anh đến đây thăm và đã nhìn thấy, chúng tôi làm nông nghiệp rất rất sạch sẽ, khoa học và cho nguồn thu rất cao. Tôi cho rằng, đây là cơ hội cho người nông dân Hải Phòng chúng tôi, là cơ hội đổi đời chứ không chỉ là đủ ăn đủ mặc đâu. Người dân Hải Phòng hãy xem xét lại quyết định bỏ ruộng đất như hiện nay hay là phát triển nông nghiệp với mô hình công nghệ cao”.

Sau 2 năm chăm sóc, những cây lan này sẽ được bán trong dịp tết 2021 với giá dao động từ 100.000-120.000đ. Ảnh: Đinh Mười.

Sau 2 năm chăm sóc, những cây lan này sẽ được bán trong dịp tết 2021 với giá dao động từ 100.000-120.000đ. Ảnh: Đinh Mười.

Từ những bước đầu thành công, ông Trịnh cho rằng, lan hồ điệp hiện nay như cầu thị trường còn rất lớn, Việt Nam mới cung cấp được cho thị trường từ 20-30%, còn lại toàn bộ vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan về. Chính vì vậy, việc phát triển loại cây này, nếu chú trọng đến việc trồng hoa 4.0, được hỗ trợ của Chính phủ, của các sở, ngành thì rất là tốt, mang lại rất nhiều lợi ích cho người nông dân.

“Nếu làm nông nghiệp bình thường, 1ha mỗi năm thu về 300-500 triệu đồng đã là cao, thì trồng hoa lan hồ điệp như chúng tôi đây mỗi năm thu về nhiều tỷ đồng”, ông Trịnh khẳng định.

“Tuy nhiên, người dân cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, chính sách về đất đai, về vốn của các địa phương. Còn nếu làm nông nghiệp manh mún như cũ sẽ rất khó khăn. Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có sự nghiêm túc từ các cấp, làm sao quy hoạch khu nào để hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu nào làm nông nghiệp... chứ không thể phát triển ồ ạt được. Nếu phát triển không có quy hoạch, sắp xếp thì có thể có lúc nào đó chúng ta sẽ dư thừa, sẽ khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm, lúc đó có thể chúng ta sẽ phải có chiến dịch giải cứu hoa, giải cứu lan… Do đó, tiếng nói của chúng tôi có thể chưa phải là đại diện cho người dân nhưng sẽ là những ý kiến xác đáng, có giá trị thiết thực cho người nông dân phản ánh đến các cơ quan chức năng”, ông Trịnh bộc bạch.

Vườn lan trị giá hơn 100 tỷ đồng của Công ty Châu Giang. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn lan trị giá hơn 100 tỷ đồng của Công ty Châu Giang. Ảnh: Đinh Mười.

Cây giống nuôi cấy mô từ lúc đưa ra khỏi ống nghiệm trồng cho đến khi ra hoa chia thành 4 giai đoạn: Cây non, cây bánh tẻ, cây lớn và thúc hoa. Với mô hình trồng hoa lan hồ điệp của Đài Loan, cây lan nuôi cấy mô từ lúc trồng ra cấy từ ống nghiệm cho đến lúc cây ra hoa cần 17,5 – 20 tháng.

Được biết, trong quá trình phát triển mô hình trồng lan công nghệ cao, Công ty Châu Giang cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã được thành phố Hải Phòng tạo điều kiện rất tốt về chính sách, về vật chất. Ví dụ như Sở NN-PTNT đã kết hợp hỗ trợ thiết bị làm mát, nhà xưởng, còn Sở KH-CN tạo điều kiện về kỹ thuật.

Mới đây, doanh nghiệp này đã được Bộ KH-CN cấp dự án hơn 4 tỷ để nuôi cấy mô và phát triển cây thương phẩm. Đây là những điều kiện không thể thiếu cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với NNVN, ông Trần Minh Tiến, Phó phòng Nông nghiệp huyện Thủy Nguyên cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 13, 14 của HĐND TP Hải Phòng, Công ty Châu Giang bắt tay vào thực hiện mô hình trồng hoa lan công nghệ cao. Quy mô rộng, áp dụng công nghệ tự động từ hệ thống nhà kính, hệ thống cảm biến, hệ thống làm mát cho hoa và bổ sung đổ ẩm, ánh sáng. Mô hình 100% là lan hồ điệp với nhiều màu sắc khác nhau… Có thể đánh giá mô hình trồng hoa lan công nghệ cao có hiệu quả kinh tế cao, có cơ sở để các cơ sở mô hình khác ở thành phố Hải Phòng áp dụng và nhân rộng”.

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.