| Hotline: 0983.970.780

Sơn Thành - diện mạo mới

Thứ Năm 01/11/2018 , 08:32 (GMT+7)

Chúng tôi trở lại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vào một chiều thu. Hai bên đường đều được trồng hoa đẹp như tranh. Từ nhà trẻ, trường mầm non đến nhà văn hóa xóm đều ngói hóa khang trang...

Đồng chí cán bộ xã dẫn chúng tôi đi từ xóm gần đến xóm xa của xã. Điều ngỡ ngàng là sau mấy chục năm, đường làng nhỏ bé, lồi lõm “ổ trâu, ổ gà” đã được rải nhựa, bê tông rộng rãi, sạch sẽ.

ntm-ky4-3101954811
Sơn Thành đang đổi thay từng ngày

Hai bên đường đều được trồng hoa đẹp như tranh. Từ nhà trẻ, trường mầm non đến nhà văn hóa xóm đều ngói hóa khang trang. Trường học, trạm xá là những ngôi nhà cao tầng trong khuôn viên cây xanh rợp bóng sớm chiều. Bàn ghế, thiết bị cho việc dạy và học được xã, nhà trường đầu tư thích đáng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đội ngũ thầy cô giáo, bác sỹ, y tá đều được chuẩn hóa để phục vụ học sinh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Toàn xã có 1.744 hộ thì có đến 42% số hộ xây dựng được nhà ở biệt thự, cao tầng, 48% hộ còn lại đều có nhà ngói khang trang. Ngoài các hộ mua sắm xe ca, xe tải để kinh doanh thì có đến 112 hộ mua cả xe con phục vụ đi lại của gia đình.

Ông Nguyễn Trí Hóa, Bí thư Đảng ủy xã trên con đường mới sạch đẹp.      Ảnh: Đ.H

Từ một làng quê nghèo toàn nhà tranh, vách đất đã trở nên sầm uất xanh, sạch, đẹp. Vườn tạp ở các hộ gia đình đều được cải tạo thành vườn cây ăn trái, vườn rau, hoa, cây cảnh. Trên 500 ha đồi núi trọc trước đây đã được trồng keo lai và thông giờ xanh tươi ngút ngàn như bức tranh sơn thủy hữu tình. 400 ha đất nông nghiệp xưa kia khô hạn, bạc màu chỉ trồng khoai lang, lúa cạn, lạc, vừng nay đã có nước tưới tiêu chủ động cho gần 300 ha để thâm canh lúa 2 vụ. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,9%.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Trí Hóa, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: "Những năm 90, Sơn Thành còn là xã nghèo nhất huyện, đời sống nhân dân khó khăn, số hộ thiếu ăn hàng năm rất cao. Dân trí thấp, số cháu học cấp 3 rất ít. Đưa xã đi lên bằng cách nào để cải thiện đời sống của nhân dân là nỗi trăn trở của Đảng ủy, lãnh đạo xã.

Trạm y tế xã Sơn Thành được xây dựng khang trang

Chúng tôi xác định không thể làm giàu bằng nông nghiệp khi đất cằn cỗi lại thiếu nước, khó đi lên bằng ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp bởi lao động không được đào tạo nghề, lại thiếu vốn, thiếu kiến thức kinh doanh.

Như có nguồn gió mới từ chủ trương xuất khẩu lao động của Đảng, Nhà nước, lại được Huyện ủy, UBND huyện Yên Thành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng ủy xã đã thảo luận kỹ và ra Nghị quyết hưởng ứng chủ trương đưa lao động ra nước ngoài.

Từ chủ trương của cấp ủy, HĐND xã cũng ra nghị quyết và có cơ chế khuyến khích các hộ gia đình đăng ký xuất khẩu lao động. Các tổ chức chính trị - xã hội của xã như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh đã vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vân động đoàn viên, hội viên hưởng ứng chủ trương xuất khẩu lao động.

Trong thời gian đầu số lao động xuất khẩu được xã miễn lao động công ích và một số khoản đóng góp lao động sống khác. Một số hộ gia đình đặc biệt khó khăn không thể vay được vốn thì Chủ tịch UBND xã đứng ra ký bảo lãnh nên hầu hết các hộ đều có lao động xuất khẩu. Chính quyền xã đã trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các gia đình làm nhanh thủ tục xuất khẩu như hộ chiếu…".

Đến nay đã có 1.800 lao động đi làm ăn ở nước ngoài, chiếm 50% lao động của xã. Một số hộ, nhờ người đi trước làm ăn tốt, có thu nhập ổn định đã tạo điều kiện cho hàng chục người nhà cùng đi. Hằng năm, lao động ở nước ngoài đã gửi tiền về xây dựng quê hương qua ngân hàng trên 300 tỷ đồng.


Khi dân đã giàu thì việc phát huy sự đóng góp của dân cùng với hỗ trợ của nhà nước để xây dựng đường điện, giao thông, trường học, trạm xá… khá thuận lợi. Lao động xuất khẩu không chỉ gửi ngoại tệ về cho gia đình mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao dân trí, đưa kiến thức, cách làm ăn hay về quê hương.Nhờ nguồn kinh phí này nên các hộ gia đình đã đầu tư sản xuất ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thâm canh nông nghiệp, phát triển chăn nuôi. Một số chủ hộ đã đầu tư được 4 xưởng may hàng xuất khẩu, xây dựng 3 nhà máy nước tinh khiết, góp cổ phần đầu tư nhà máy gạch công suất 20 triệu viên/năm.

Từ một xã khó khăn, sau gần 30 năm, Sơn Thành đã vươn lên trở thành một trong những xã giàu nhất huyện. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, an ninh trật tự tốt, xóm làng xanh sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

Bài học thành công của xã Sơn Thành bắt nguồn từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong cả hệ thống chính trị. Hầu hết cán bộ từ xã đến xóm đều gương mẫu, nói đi đôi với làm, sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân, trong đó có anh Nguyễn Trí Hóa, Bí thư Đảng ủy xã.

Từ chiến trường trở về địa phương, là một thương binh với phong cách bộ đội cụ Hồ, anh làm Bí thư Đoàn xã, cán bộ xóm rồi được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã suốt 23 năm và được Đảng bộ bầu 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy.

Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo xã có quyết sách đúng đắn là chọn xuất khẩu lao động để thoát nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Khi nhân dân đã có của ăn, của để, xã biết huy động mọi nguồn vốn xây hồ đập, trạm bơm nhỏ giải quyết nước thâm canh nông nghiệp.

Đồng thời xã đã chỉ đạo phủ xanh rất nhanh đồi núi trọc, vừa giữ nước, chống xói mòn, vừa tạo nên cảnh quan môi trường. Đặc biệt, xã đã thực hiện rất tốt “quy chế dân chủ ở cơ sở” nên tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng bộ và phát huy được sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân.

Xã Sơn Thành, một làng quê thanh bình đang gần trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh mà chúng tôi nhớ mãi câu nói chân thành, mộc mạc của đồng chí Bí thư Đảng ủy: “Ở đâu cán bộ tin dân, dân tin cán bộ thì việc gì khó mấy cũng vượt qua”.

Thiết nghĩ, nếu đất nước có nhiều làng quê biết cách đi lên để dân giàu, xã mạnh như Sơn Thành thì hạnh phúc biết bao.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.