| Hotline: 0983.970.780

Sơn Thủy ‘sống chung với lũ’

Thứ Tư 04/12/2024 , 08:26 (GMT+7)

Quảng Bình Những ngôi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng, tránh bão lũ ở 'rốn lũ' Sơn Thủy đã thành điểm tựa cho người dân trong mùa mưa bão...

Nhiều người còn nhớ như in trận lũ lịch sử xảy ra vào cuối năm 2020, nhiều địa phương của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị ngập nặng. Thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy), có gần 200 ngôi nhà thì tất thảy đều chìm trong biển nước, hầu hết đều bị ngập sâu trên 2m.

Do nằm độc lập giữa đồng nên việc tiếp cận để cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Ông Nguyễn Trọng Tới, Trưởng thôn Vinh Quang nhớ lại, những ngày lũ lớn, sóng dữ cứ ập vào làng từ cả bốn phía. Ca nô, thuyền máy tiếp cận vào rất khó khăn. Những khi mưa lớn và sóng dữ thì khó có phương tiện nào tiếp cận được.

Nhà văn hóa cộng đồng thôn Vinh Quang là điểm đến của người dân khi xảy ra mưa lũ. Ảnh: T. Phùng.

Nhà văn hóa cộng đồng thôn Vinh Quang là điểm đến của người dân khi xảy ra mưa lũ. Ảnh: T. Phùng.

“Lũ lớn năm đó, thôn Vinh Quang đã thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Thóc lúa, vật nuôi, giường tủ... của nhiều gia đình đều bị lũ dữ cuốn trôi”, ông Tới nói.

Sau trận lũ lịch sử đó, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ cho vùng lũ những ngôi nhà tránh lũ có quy mô lớn và chắc chắn.

Tại thôn Vinh Quang, Tập đoàn Trường Thịnh (có trụ sở tại Quảng Bình) hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng đa mục tiêu. Nhà văn hóa cộng đồng có diện tích 200m2 với thiết kế hai tầng, kết cấu bê-tông cốt thép vững chắc, có sức chứa hơn 200 người.

 “Đây không chỉ đơn thuần là nhà văn hóa thôn mà đó cũng là nơi tránh trú bão an toàn cho bà con. Nơi đây còn là sự đoàn kết và tinh thần tương trợ trong cộng đồng, điểm tựa cho người dân vùng lũ”, ông Tới bộc bạch thêm.

Cũng từ năm 2020, huyện Lệ Thủy đã kêu gọi các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ các địa phương vùng lũ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay, từ nguồn hỗ trợ và lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, huyện đã xây dựng các mô hình chống ngập, lụt, đồng thời xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng, tránh lũ để đảm bảo an toàn trước thiên tai.

“Đến nay, toàn huyện Lệ Thủy đã có 7 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng, tránh lũ. Riêng tại xã Sơn Thủy, nơi vùng ngập lụt sâu đã xây dựng 3 nhà văn hoá cộng đồng. Đây cũng chính là điểm nhấn để người dân an tâm “sống chung với lũ” và bà con cũng an tâm hơn khi mùa mưa lũ về”, ông Nguyễn Hữu Hán nói thêm.

Trong trận lũ lớn vào cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã xuyên lũ về với xã Sơn Thủy. Ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho hay, trận lũ này cũng lớn không kém trận lũ lịch sử năm 2020.

“Tuy nhiên, bà con đã được di dời lên những nhà cao tầng hoặc đã được đưa đến ở tạm tại các nhà văn hóa cộng đồng nên rất an toàn. Tài sản, vật nuôi... của bà con cũng được đưa đến nơi cao, kê nâng lên để chống lũ”, ông Thục cho biết.

Bà con sinh hoạt và hỗ trợ cho nhau tại nhà văn hóa cộng đồng trong những ngày tránh lũ lớn. Ảnh: T. Phùng.

Bà con sinh hoạt và hỗ trợ cho nhau tại nhà văn hóa cộng đồng trong những ngày tránh lũ lớn. Ảnh: T. Phùng.

Cũng theo ông Thục, nhờ được tiếp sức từ các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ nên bà con phát triển kinh tế gia đình và có tích lũy. Hiện, thôn Vinh Quang có trên 40% nhà dân được xây hai tầng kiên cố để phòng chống lũ lụt.

Ngoài ra, khoảng 70% nhà dân ở đây có thuyền, đò để phục vụ sản xuất, vừa sử dụng làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, cứu hộ khi có lũ lụt. “Nhờ chủ động phương tiện tại chỗ mà chúng tôi kịp thời di dời bà con lên những nhà cao tầng và nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ”, ông Nguyễn Văn Thục nói thêm.

Chúng tôi đi ca nô tiếp cận nhà văn hóa cộng đồng thôn Vinh Quang. Ở sân nhà văn hóa, nước lũ vẫn còn ngập sâu. Trong hội trường lớn bà con tránh lũ ở đây vẫn còn rất đông.

Trên chiếc chiếu được trải chăn ấm, ông Dương Văn Hiệu (thôn Vinh Quang), đang nằm nghỉ ngơi. Khi lũ ập đến thì ông đang bị bệnh. Bà con lối xóm và lực lượng xung kích thôn đã hỗ trợ đưa ông và mọi người trong gia đình lên nhà văn hóa cộng đồng.

Ở đây, ngoài sự chăm sóc của người thân, ông Hiệu còn được cán bộ y tế thôn theo dõi sức khỏe nên cũng đỡ lo lắng.

Bà Võ Thị Hằng (người nhà ông Hiệu), cho biết, cả nhà đã được đưa lên đây an toàn. “Dù không đi bệnh viện được, nhưng nhờ mấy cô y tế chăm sóc và ăn uống đảm bảo như ở nhà mình nên người bệnh cũng an tâm và gia đình cũng không lo lắng gì”, bà Hằng chia sẻ.

Dù đông người, nhưng cuộc sống những ngày tránh lũ tại nhà văn hóa cũng chẳng hề thiếu thốn. Bà con vẫn được đảm bảo nước uống, nơi ngủ, nơi nấu ăn để luôn có “cơm dẻo canh ngọt”.

Ông Nguyễn Trọng Tới - Trưởng thôn Vinh Quang cũng cho biết, thôn bố trí lực lượng và phương tiện hỗ trợ: "Nếu có thiếu thốn thì chúng tôi sẽ tìm cách cung cấp cho bà con, hoặc ưu tiên hàng dự trữ, hàng cứu trợ... Qua đó, không để cho bà con thiếu thốn hay vất vả trong sinh hoạt”.

Xem thêm
Dự kiến trình cấp thẩm quyền phương án giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Phiên họp của Ban Chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ đã thống nhất phương án trình cấp thẩm quyền về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu tăng trưởng 3 - 3,5%

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Thuận ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch đề ra.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.