Sự kiện do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức.
Đập, hồ chứa nước dứt khoát phải có chủ
Với hơn 7.300 đập và hồ chứa trên cả nước, hệ thống thủy lợi của Việt Nam đã vươn tới tận các ruộng, đồng của người dân, giúp ngành nông nghiệp thực sự cất cánh trong giai đoạn vừa qua.
Chia sẻ tại Diễn đàn, TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nhận định, phần lớn các đập lớn thủy lợi và thủy điện được xây dựng từ 20 năm trở lại đây, thời điểm mà trình độ, nguồn lực khoa học công nghệ đã phát triển, vốn đầu tư đảm bảo, tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới nên chất lượng tốt.
Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng cực đoan rủi ro thiên tai, cùng với thể chế trong quản lý tài nguyên nước còn bất cấp, hiệu quả vận hành chưa cao, công tác đảm bảo an toàn hồ đập đang đối diện với những thách thức mới.
Ông Thắng cho rằng, để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình có chủ, đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập.
Lý do được ông đưa ra, là bởi mới chỉ có khoảng 2/3 số đập, hồ loại nhỏ đang được giao cho chính quyền xã hoặc tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, vận hành. Khoảng 2.500 đập, hồ nhỏ còn lại chưa có chủ thực sự, chưa có giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý đập - hồ chứa.
“Có lần đi thực địa, tôi thấy có cây mọc giữa lòng hồ. Rõ ràng là việc quản lý có vấn đề, khiến việc khai thác tài nguyên nước kém hiệu quả”, nguyên Thứ trưởng đặt vấn đề.
Bên cạnh việc cần sớm tìm ra "chủ" cho các công trình thủy lợi nhỏ, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam khuyến nghị, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu đo đạc để phát hiện rủi ro từ sớm. Các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.
Lấy ví dụ về cơn bão số 3 vừa qua, gây thiệt hại nặng cho các tỉnh phía Bắc, ông Thắng chỉ rõ, an toàn hồ đập cần gắn với an toàn hạ du, cụ thể là xây dựng hệ thống cảnh báo, hệ thống bản đồ ngập lụt và dựa vào cộng đồng.
Để làm được việc này, ông đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Thủy lợi, chính quyền địa phương và các công ty khai thác công trình thủy lợi tiếp tục phục hồi, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ, nhất là tại các hồ chứa thủy lợi trọng điểm như Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Dầu Tiếng...
Song song đó, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh việc nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là khả năng xuất hiện mưa bão cường độ cao, hay sự dịch chuyển thời gian mưa về cuối mùa, hoặc sang mùa khô để xây dựng kịch bản ứng phó nhanh chóng, kịp thời. Ngoài sự vào cuộc của các bộ, ngành, ông kêu gọi thêm sự chung tay của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực xã hội.
“Đảm bảo an toàn đập phải gắn với khái niệm quản lý lũ theo lưu vực sông, quản lý vận hành liên hồ chứa, quản lý vận hành thời gian thực”, TS Hoàng Văn Thắng chia sẻ và nói thêm về nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo các cấp, cũng như năng lực của các đơn vị hỗ trợ cơ quan chỉ đạo và câu chuyện quy hoạch phòng, chống lũ theo lưu vực sông, hình thành các tổ chức hỗ trợ ra quyết định.
Cuối cùng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nêu vấn đề về hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước, tổ chức sự nghiệp về an toàn hồ đập, có cơ chế tập hợp chuyên gia và nâng cao hiệu quả của các hội chuyên ngành.
Hiện Việt Nam nghiên cứu xây dựng một số trung tâm an toàn hồ đập, và đang xúc tiến cơ chế tập hợp chuyên gia, đặc biệt là các cơ quan tư vấn lớn đã cổ phần hóa, chuyển hoạt động sang lĩnh vực khác.
Nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ cho đơn vị vận hành hồ chứa nhỏ
Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, công tác quản lý nhà nước về an toàn hồ đập nói riêng và hệ thống thủy lợi nói chung thời gian qua đã được nâng cao một bước. Ở cấp Trung ương, Cục Thủy lợi cam kết gấp rút hoàn thiện các dự thảo liên quan đến chính sách, cơ chế vận hành liên hồ chứa. Đồng thời, bổ sung các quy định hỗ trợ cho các hồ chứa nhỏ, giúp thủy lợi có thêm cơ sở, động lực quản lý, vận hành một cách hiệu quả.
Trong tình hình mới, các hồ chứa thủy lợi cũng như hồ chứa thủy điện đều hướng đến đa mục tiêu. Do đó, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho rằng đây là dư địa để xã hội hóa nguồn lực, từ đó khoa học, công nghệ có thể đóng góp, giúp ổn định cuộc sống người dân.
“Vừa qua, ngành thủy lợi và cả nước đã trải qua cơn bão số 3. Nhờ sự chủ động thông báo thông tin cho chính quyền và người dân kịp thời, việc điều tiết lũ qua các công trình thủy điện, thủy lợi được đảm bảo, không để xảy ra thiệt hại về người”, ông Lương Văn Anh nhấn mạnh.
Thông tin tại Diễn đần, ông Lương Văn Anh cho biết, về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành (QTVH) được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập QTVH (gồm 213 hồ tràn có cửa van điều tiết và 1.600 hồ mà tràn xả lũ là tràn tự do). Việc vận hành theo QTVH hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (dự báo mưa), do thiếu các thiết bị đo mưa trên lưu vực hồ chứa.
Theo ông Lương Văn Anh, trên cơ sở đã nhận diện những khó khăn thách thức, trong thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Cục Thủy lợi sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT, Chính phủ xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện thể chế, chính sách về quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi; hiện đại hóa hệ thống quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa thủy lợi; rà soát, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du, lòng hồ chứa thủy lợi; rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả, đa mục tiêu hồ chứa thủy lợi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ đề ra thì “Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới” được xác định là nhiệm vụ đầu tiên.
Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến quý báu của các nhà quản lý, chuyên gia và nhà khoa học; không chỉ nêu thực trạng mà còn có những giải pháp hữu hiệu trong ngắn hạn cũng như lâu dài cho vấn đề an toàn đập, hồ chứa trong tình hình mới.
Nhân sự tham gia của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí tại Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam kêu gọi cùng nhau thực tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó.