Sông có nước mà không dám dùng
Nằm ven bờ sông Đáy, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, Hoài Đức có truyền thống sản xuất rau của Hà Nội. Trong ký ức của người dân nơi đây, nước từ sông Đáy là mạch nguồn nuôi dưỡng những cánh đồng rau luôn xanh tốt; nơi vui đùa của lũ trẻ trong những ngày hè oi bức; bãi bồi ven sông từng là dải đất màu mỡ để người dân hình thành vựa ngô, lạc trù phú.
Thậm chí, vẻ đẹp của sông Đáy còn được miêu tả bằng những mỹ từ khi đi vào thơ ca: “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa”. Tuy nhiên, qua năm tháng, vẻ đẹp thơ mộng đó dần bị hủy hoại. Đến hiện tại, nhiều người phải lắc đầu ngao ngán vì sông Đáy đã trở thành một dòng “sông chết”.
Bà Nguyễn Thị Thuyết, người thôn Tiền Lệ chia sẻ, trước đây, người dân trong vùng lấy nước từ sông Đáy để phục vụ tưới cho sản xuất. Những hộ ven sông có thêm nghề mò cua, bắt ốc. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, đoạn sông chảy qua địa bàn xã trở nên ô nhiễm, nước đen kịt, bốc mùi khó chịu, nhất là vào những ngày nắng nóng.
Nguồn nước không đảm bảo nên mặc dù ruộng sản xuất chỉ cách mép sông không xa nhưng chẳng ai dám dẫn nước về dùng. Cực chẳng đã, các hộ phải bỏ tiền khoan giếng lấy nước sạch tưới rau. Mỗi khi có mưa lớn, cánh đồng rau của thôn gần như ngập trắng do nước không thể thoát xuống sông vì dòng chảy bị ách tắc. Khu vực hai bên bờ sông vắng bóng người qua lại, cỏ dại, cây cối mọc um tùm.
“Ruộng trồng chỉ cách sông Đáy vài bước chân nhưng người dân không thể dẫn nước về dùng, trong khi hàng ngày phải tốn kém chi phí tiền điện để bơm nước phục vụ sản xuất thì thật là nghịch cảnh”, bà Thuyết tiếc nuối.
Ông Nguyễn Văn Xuân, người cùng thôn Tiền Lệ đánh giá, nước sông Đáy đoạn qua địa bàn xã Tiền Yên bị ô nhiễm có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do nước thải không qua xử lý từ các làng nghề làm miến, bột sắn dây đóng trên địa bàn các xã Dương Liễu, Cát Quế (nước chảy từ sông Hồng vào qua các xã này mới vào Tiền Yên).
Ban đầu, số lượng chất thải ít nên mức độ ô nhiễm chưa nghiêm trọng, sau này lượng nước thải ngày một lớn khiến nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối. Nhận thấy không tận dụng được tài nguyên gì từ sông Đáy nên chẳng ai còn đoái hoài tới việc sông đầy nước hay khô cạn. Rác thải, cỏ, rau dại, bèo tây đua nhau mọc lên, ách tắc cả dòng sông.
Đi ngược dòng chảy tìm đến các làng nghề chế biến nông sản tại xã Dương Liễu, Cát Quế, mùi hôi của rác thải lâu ngày, mùi chua của bã sắn, bã đót (bã củ dong)… bốc lên nồng nặc. Hệ thống thoát nước thải của Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu được Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà xử lý. Tuy nhiên, tại các thôn ngoài đê (cạnh sông Đáy) do khó khăn về vị trí nên đến nay vẫn chưa được sử dụng dịch vụ của nhà máy. Hầu hết các hộ sản xuất đều xả thẳng nước thải xuống các mương, cống dẫn ra sông Đáy.
Ghi nhận tại tuyến kênh T5 bắt đầu từ xã Minh Khai, điểm cuối thuộc địa phận xã Yên Sở đổ ra sông Đáy. Kênh có nhiệm vụ tiêu nước cho khu dân cư và đất nông nghiệp vùng bãi các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở. Đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là thế nhưng lượng rác, nước thải không qua xử lý hàng ngày quá lớn đổ vào kênh khiến nước dần đặc quánh, đen kịt.
Tạo nguồn sinh thủy cho sông Đáy
Sông Đáy bắt nguồn từ khu vực cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) tiếp giáp với sông Hồng. Cụm công trình phân lũ sông Đáy (trong đó có cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận) được Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng, có nhiệm vụ đưa nước sông Hồng vào sông Đáy khi mực nước sông Hồng lên cao nhằm bảo vệ vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, lần cuối sông Đáy được phân lũ sông Hồng cách đây hơn 50 năm. Nhiều năm qua, nguồn nước sông Hồng gần như không chảy vào sông Đáy do mực nước liên tục bị hạ thấp.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến sông Đáy trở thành dòng “sông chết”, nhưng tác nhân lớn nhất chính là nguồn xả thải từ hoạt động sản xuất của các làng nghề và hoạt động chăn nuôi ven sông. Nguồn nước chưa qua xử lý xả thẳng vào hệ thống kênh dẫn đổ vào sông khiến chất lượng nước ngày một suy giảm. Tuy nhiên, căn nguyên là do nguồn cấp nước và dòng sinh thủy nội tại kém khiến lòng dẫn của sông ngày càng bị bồi lấp, thu hẹp dần.
Đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm làm “sống lại” dòng sông Đáy như: tháng 10/2014, Bộ NN-PTNT đã triển khai dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy đoạn qua thành phố Hà Nội (giai đoạn 1). Dự án sau khi hoàn thành, đã góp phần cải thiện, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên dòng sông này. Hiện nay, Sở NN-PTNT Hà Nội đang đề xuất Bộ NN-PTNT bố trí kinh phí đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cảo tạo lòng dẫn sông Đáy thuộc thành phố Hà Nội (giai đoạn 2), đoạn từ K8+700 (thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) đến cầu Ba Thá (huyện Mỹ Đức).
Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có giải pháp cấp nước từ sông Tích vào sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức với lưu lượng 20m3/giây. UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị nghiên cứu đề xuất, nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ nạo vét, cải tạo lòng sông thì không thể giải quyết triệt để bài toàn “hồi sinh” sông Đáy. Về lâu dài, một số chuyên gia đã khuyến nghị Bộ NN-PTNT và UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, đầu tư xây dựng công trình trạm bơm nước từ sông Hồng, qua cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận, dẫn vào sông Đáy nhằm tạo dòng chảy sinh thủy, thau rửa, làm sạch nước sông. Bên cạnh đó, trước mắt cần khẩn trương thực hiện việc kiểm soát chặt nguồn nước thải từ các hoạt động sản xuất, nhất là tại các làng nghề ven sông để kiểm soát tình trạng ô nhiễm.