Tập thơ ”Sóng reo” là chặng cuối, thâu tóm những bài Nguyễn Đình Thi viết trong các năm 80 của thế kỷ trước. Tập thơ như lời trăng trối, như cuộc nhìn lại vui buồn của đời người. Trong trẻo. Thanh thản. Nguyễn Đình Thi thường ít nói, thơ càng ít lời.
Ở tập thơ này ông càng ít lời hơn so với điều ông nghĩ “Núi biếc trong mây nghĩ ngợi/ Trời đất vô cùng vẫn đây”. Mọi thứ vẫn thường ngày, nhưng ông không còn nữa. Từ bên kia ông nhìn về lưu luyến “Đốm nắng vàng kia. Và mỗi lá cỏ/ Nói với anh bao nhiêu điều”. Cỏ của trần gian, nắng của trần gian bao nhiêu chất chứa, quyến luyến và đấy mới là điều đáng kể. Mọi thu vén, giành giật nào mang theo được gì đâu.
“Chỉ những niềm yêu của anh/ Như mạch nước không ai thấy/ Mỗi ngày nuôi anh lặng lẽ/ Niềm yêu nuôi con người”. Con người sống được vì nó. Và chết được cũng vì nó.
Tập thơ “Sóng reo” mỏng mà dày chiêm nghiệm. Nguyễn Đình Thi đã vượt biển với rất nhiều cột buồm kiêu hãnh. Rồi chính vì lắm buồm mà thuyền bị lật. Ông khôn hơn chỉ dùng một cột buồm, đúng mức, đúng sức thì trời lại tắt gió. Tưởng hết hy vọng thì ông nhớ đến mái chèo. Ông đã hối hả chèo, mồ hôi vã đầm đìa và bàn tay bật máu.
“Thuyền đã chạm bờ. Hai mắt tôi ròng ròng nước mắt? Tôi chống chiếc bơi chèo gỗ cũ đen, bước loạng choạng lên bãi bùn lởm chởm đá lạnh câm”. Một tư thế chiến thắng làm ta ứa nước mắt. Nhưng là người thì phải vậy, phải đến bờ dù ròng ròng nước mắt.
Có phải thế chăng mà giờ đây ông thanh thản. Thanh thản ở sự biết mình: “Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm/ Quên cho những dối lừa khoác lác/ Tôi biết tôi đã nhiều lần ác/ Và ngu dại còn nhiều lần hơn”. Ông nói như lộn trái tâm hồn mình ra như thế. Ông là biểu tượng tự trọng của giới nhà văn Việt Nam.
Có lần ngồi ôn những kỷ niệm đau buồn thời nước mất. Ông kể ông bị bắt, một viên mật thám Pháp hỏi cung ông tỏ ra trọng trí thức và rất lịch thiệp, ông cũng giữ lễ trả lời, nhưng rồi bất ngờ hắn tát thẳng vào mặt ông và chửi. Cái tát ấy, lời chửi ấy tạo ý chí sắt đá trong ông, trong suốt đời viết văn giành độc lập cho đất nước.
Nguyễn Đình Thi làm cách mạng bằng trái tim nhà thơ. Ông chiêm nghiệm những cuộc cách mạng từng cuộn nhau trong bao đời bóng đêm và ông thấy ”Cái ác của kẻ mạnh/ Cái hèn của kẻ yếu/ Cái tham của kẻ thừa/ Cái thèm của kẻ thiếu/ Dân tộc thù dân tộc/ Con người sợ con người”. Không chịu nổi, phải đổ máu ra để xoay ngược lại Xem thành cái gì. Nó thành ”Cái hèn của kẻ mạnh/ Cái ác của kẻ yếu/ Cái thèm của kẻ thừa/ Cái tham của kẻ thiếu/ Dân tộc sợ dân tộc/ Con người thù con người”.
Nguyễn Đình Thi đòi hỏi một cuộc cách mạng mở ra buổi sáng, không có bóc lột ăn hiếp và ông tự nhủ ”Nhưng đó không phải chuyện một lúc”. Bài thơ viết năm 1982, một cách nhìn sâu sắc và nhiều dự liệu.
Đời ông, không phải lúc nào cũng thuận gió no buồm, ông phải tự luyện để biết “Nhìn nơi xa/ Và thấy mỗi vật từ sát gần”. Ông chiêm nghiệm ”Cái không mất thường ở trong nước mắt”. Ông biết cách vượt qua cái bóng lửa trong gương để tìm tới đốm lửa nhỏ bập bùng mang sức ấm thật của đời.
Tham gia cách mạng từ 17 tuổi. Hai mươi mốt tuổi trong thường vụ Quốc hội. Chế độ trẻ và đời ông đang trẻ. Ông đã nạp vào kinh nghiệm sống của mình những thăng trầm, những biến thiên thời cuộc. Lắm thứ hữu khuynh tả khuynh, giáo điều xét lại… Quả là ”Lắm nỗi gieo neo/ Và lạnh”. Ông bám vào cái đẹp mà đi. Cái đẹp của con người thì không cùng nên ông đã đến ”tất cả mênh mông rực rỡ”.
Mượn lời nhà danh hoạ Dương Bích Liên, ông tự hỏi ”Tôi là ai nhỉ / Một chút trắng hồng dào dạt vàng”. Cuối đời ai nhận ra mình dào dạt màu sắc của bình minh, ấy là người hạnh phúc. Phải chăng vì thế mà giờ đây con người tự chèo, tay rách máu, sau bao lần vượt biển đang năm kia thanh thản.
Một chủ đề khá nặng trong tập “Sóng reo” là nỗi niềm hoài niệm. Tóc đã điểm sương chân đã mỏi, ông về thăm lại “Núi xưa của chiến khu” và ông gặp hồn mình không già như thân xác “Cô gánh cỏ tranh nhìn thoáng lạ/ Áo bạc mồ hôi má đỏ hây”.
Cô gái của ngày xưa và cái nhìn nơi ông cũng vẫn như thuở ngày xưa. Ông trở lại nhiều đoạn đường xưa, bến cũ, ông gặp lại nét cũ hồn xưa, những chất liệu đã vào thơ ông hồi trẻ đang còn làm ông bồi hồi trở lại.
Nguyễn Đình Thi là nghệ sỹ biết cảm thụ cái cốt lõi của đời người nên không bao giờ ông chán nản. ”Tóc bạc trong mưa bay anh cười/ Tôi không nói được mình đã trải đời/ Không nói được mình đã hiểu người/ Không dám nói mình đã biết yêu/ Không dám nói mình đã biết sống”.
Ông chỉ biết “Mỗi bước mùa xuân đến kia dịu dàng trên cỏ non/ Cả tổ ong hồn tôi cuống quýt rộn ràng”. Có phải chỉ phút trước đó thôi khi trái tim ông còn tri giác được một đàn ong vừa dào dạt bay qua, nụ cười còn lưu mơ hồ trên môi ông thanh thản.
Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng các năm 1948, 1949, nhiều bạn văn kêu thơ Nguyễn Đình Thi khó hiểu, phong cách xa lạ. Ông đã lắng nghe và ông đã sửa. Không phải sửa vào câu chữ văn phong, ông sửa từ trong cảm xúc. Khi ông nhuyễn với đời thì đời nhuyễn trong ông.
Ông hiểu con người thì con người hiểu ông, như ông hiểu chính mình. Trên khóe miệng như nghiêm lại như cười đang như ẩn giấu nhiều chuyện ông biết mà chưa nói, chuyện trong văn cũng như chuyện trong đời.
Bài cuối của tập thơ “Sóng reo” viết về một đêm mưa. Đời người ai chả có những đêm mưa, nghe tí tách dội lại cả đời mình.
Nguyễn Đình Thi cũng thảng thốt như mọi người “Ngoảnh trông lại đã bạc đầu”. Nhưng ông phát hiện thêm: “Đời người qua đi nhưng tiếng khóc tiếng cười ở lại/ nó hòa thành tiếng sóng reo vĩnh cửu của đời”. Tập thơ này phải chăng cũng là một đợt sóng?