| Hotline: 0983.970.780

Suối Hang - Bản chuối tây tiền tỷ

Thứ Năm 03/12/2009 , 10:27 (GMT+7)

Không ai biết cây chuối tây đã sống cùng với người Dao ở bản Suối Hang có từ bao giờ nhưng dân bản thì nhất mực cho rằng, không có nó thì chết đói cả bản rồi.

Không ai biết cây chuối tây (chuối gòn) đã sống cùng với người Dao ở bản Suối Hang, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có từ bao giờ nhưng dân bản thì nhất mực cho rằng, không có nó thì chết đói cả bản rồi. Bây giờ, bản Suối Hang được gọi là bản chuối tây tiền tỷ.

Anh Dương Văn Bình, Cán bộ phòng NN huyện Phú Lương giới thiệu, Suối Hang là bản có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Dân bản sống dọc theo các triền núi đá, nơi giáp ranh giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn. Chính vì vậy, với 74 hộ gia đình nhưng diện tích đất trồng lúa của bản chỉ có 8 ha. Trung bình mỗi gia đình có khoảng 3 sào ruộng trồng lúa một vụ. Bí thư Đảng uỷ xã Yên Ninh, ông Triệu Nguyên Vinh nói, cứu cánh cho đời sống của người dân trong điều kiện đặc trưng thổ nhưỡng khó khăn như vậy chính là cây chuối tây. Hiện diện tích chuối tây ở bản có 35 ha. Cây chuối rất ưa những thảm đất mục được dồn tụ trên triền núi đá. Chuối tây ở Suối Hang có vị ngọt đượm, thơm sâu, thịt chắc nên rất được lòng khách hàng.

Con đường ghập ghềnh, khúc khuỷu dẫn vào bản Suối Hang nằm giữa 2 triền núi. Núi đá được tô những khoảng rộng màu xanh của rừng chuối tây. Tôi gặp anh Triệu Nguyên Trung gánh trên mình 4 buồng chuối với những quả béo mập. Anh Trung cho biết, giá mỗi buồng chuối khoảng 80 ngàn đồng và được tư thương đến mua ngay tại nhà. Gia đình anh Trung có gần 6 sào chuối tây, trung bình mỗi tháng thu được 1 - 1,5 triệu đồng. Nhẩm tính, mỗi ha chuối tây trong một năm cho thu nhập tới 80 - 90 triệu đồng. Giải thích cho sự ngạc nhiên của tôi, anh Trung nói, trong xóm có nhiều hộ trồng từ 1 đến 3 ha và đã trở nên giàu có. Hộ ông La Văn Tiến trồng 3,4 ha chuối tây.

Diện tích lớn nhưng không hề lo đầu ra, ông Tiến cho biết, thông thường, vào buổi sáng hàng ngày, những lái chuối đánh cả xe tải đến đầu bản để thu gom chuối. Trung bình khoảng 2 tấn chuối được xuất bán ra khỏi bản mỗi ngày. Với giá hiện tại là 10 ngàn đồng/kg thì mỗi một ngày, giá trị sản lượng từ chuối tây của bản Suối Hang là 20 triệu đồng. Nhân số tiền đó lên theo thời gian một năm, rõ ràng rằng người ta gọi Suối Hang là bản chuối tây tiền tỷ quả không sai.

Dự án trồng và thâm canh chuối tây tại Yên Ninh sẽ kết thúc vào cuối năm 2010. Ông Trần Nho Hưởng (Trưởng phòng NN & PTNT huyện Phú Lương, chủ nhiệm dự án) cho biết, năng suất chuối tây của ta còn quá thấp.

Mục tiêu của dự án là nhanh chóng chuyển giao khoa học công nghệ đến người dân để nâng cao năng suất, chất lượng. Trên có sở đó sẽ nhân rộng mô hình, phát triển vùng sản xuất chuối tây chuyên canh với diện tích và quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá.

Trên trục Quốc lộ 3 thuộc địa bàn xã Yên Ninh, từ lâu đã hình thành hẳn một khu vực có đông đảo các hộ dân bán chuối tây của người Dao ở bản Suối Hang. Mức tiêu thụ tại đây cũng không nhỏ. Dù vậy, người dân Suối Hang vẫn giữ phương pháp canh tác quảng canh đối với chuối tây. Do không được chăm sóc nên năng suất chuối còn rất thấp, chất lượng sẽ giảm dần.

Từ đầu năm 2009, phòng NN & PTNT huyện Phú Lương đã tổ chức thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trồng và thâm canh cây chuối tây” tại Suối Hang. Gia đình ông Triệu Hữu Thêm đã đăng ký tham gia mô hình thâm canh với diện tích 1 ha bằng giống nuôi cấy mô. Ông Thêm cho biết, hiện một ha chuối tây của gia đình ông khi áp dụng kỹ thuật thâm canh cho sản lượng khoảng 2.300 buồng.

Chỉ cần nhân với giá 50 ngàn đồng mỗi buồng thì tổng thu sẽ đạt 115 triệu đồng. Khi trồng chuối quảng canh như trước thì ông Thêm chỉ thu được khoảng 1.300 đến 1.500 buồng mỗi năm. Cũng như gia đình ông Thêm, bản Suối Hang đã có 49 hộ dân tham gia mô hình cải tạo chuối tây. Theo đó, người Dao trong bản sẽ được hướng dẫn kỹ thuật xác định mật độ, thời vụ; vệ sinh vườn bãi, tàn dư cây trồng; kỹ thuật chọn giống, tách chồi; kỹ thuật đào hố, bón phân, bao buồng, phòng trừ sâu bệnh và kỹ thuật bảo quản, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Hầu hết các hộ dân dều hồ hởi đón nhận và áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc chuối. Ông Đặng Tài Kim nói, có khoa học kỹ thuật vào chuối cho năng suất cao hơn hẳn, chưa kể là hình thức cũng vượt trội: buồng nào cũng đẹp mà đều chằn chặn, quả thì nung núc như lợn con no sữa. Chúng tôi phải thay đổi cách trồng chuối thôi, ông Kim khẳng định.

 

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.