Khơi thông dòng chảy trước vụ sản xuất
Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh (Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) đang quản lý, vận hành 38 hồ chứa, 4 đập dâng, 1 cống ngăn mặn giữ ngọt, 438km kênh mương nội đồng và hơn 1.000 cống tưới tiêu trên địa bàn các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, TX Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh.
Thực hiện phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh (từ ngày 15/11/2024 đến ngày 10/2/2025) trên toàn tỉnh, 16 cụm, trạm thuộc công ty đều bố trí tối đa nhân lực để tổ chức làm thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện cấp nước tưới cho hơn 44.000ha lúa trong năm 2025.
Ghi nhận tại trạm Đá Hàn, huyện Hương Khê, thời điểm này, 100% nhân lực của trạm đồng loạt ra quân làm thủy lợi trên 40km kênh mương nội đồng đang quản lý. Các phần việc được triển khai là: cắt cỏ bờ kênh, vớt rác thải, xác động vật, đất đá tồn đọng trong lòng kênh để tránh gây ùn tắc dòng chảy; nạo vét lòng kênh và gia cố, bảo dưỡng các khu vực bị xuống cấp...
Theo ông Trần Nguyên Hồng, Trạm trưởng trạm Đá Hàn, hệ thống kênh của trạm khá dài nhưng chủ yếu là kênh đất, nhỏ, hẹp, thường xuyên bị bồi lắng lớn, nhiều khu vực đã bị xuống cấp như kênh B, đập Mưng (xã Điền Mỹ), kênh N7H2 (xã Phúc Đồng)… Hơn nữa, các địa điểm cách xa nhau, anh em thường phải ở lại cơ sở cả ngày, việc làm thủy lợi nội đồng vì thế cũng vất vả và cần nhiều thời gian hơn so với các khu vực khác.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ đảm bảo nước tưới cho các đợt làm đất, bắc mạ, gieo cấy gần 22.000ha lúa vụ xuân năm 2025. Còn vụ hè thu, đơn vị rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và ý thức của người dân trong việc dùng nước tiết kiệm, nhằm chia sẻ áp lực điều tiết với lực lượng thủy nông, hạn chế thiếu nước cục bộ trong mùa nắng hạn”, lãnh đạo Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh nói.
Người dân vùng đầu kênh không tưới quá sâu
Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, năm 2024, mưa muộn cộng với lượng mưa thấp so với cùng kỳ nhiều năm là “hồi chuông” cảnh báo về sự gay gắt của biến đổi khí hậu. Áp lực phòng chống thiên tai trong năm không lớn nhưng sẽ là mối lo cho một năm 2025 nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Giải pháp đồng bộ cần thực hiện đối với chính quyền địa phương để né nguy cơ thiếu nước trong năm tới là căn cứ sát tình hình điều kiện sinh thái và chế độ canh tác của bà con nông dân để bố trí lịch gieo cấy phù hợp với khung lịch thời vụ của tỉnh. Những vùng đất tốt, thâm canh cao thì bố trí gieo cấy vào cuối lịch thời vụ; những vùng đất xấu, thâm canh thấp thì bố trí vào đầu lịch thời vụ nhằm kéo dãn thời gian tưới.
Về phía doanh nghiệp, căn cứ đề án sản xuất của UBND tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và các địa phương trong khu tưới, nguồn nước các hồ chứa và tình hình thời tiết, Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chủ động xây dựng kế hoạch tưới sát thực tế với sự tham gia góp ý của UBND các huyện, thành phố, thị xã và các địa phương trong khu tưới.
Trước các đợt mở nước đơn vị chủ động kiểm tra đồng ruộng, lấy ý kiến của địa phương và có thông báo trước cho nhân dân từ 2 đến 3 ngày; đồng thời dự kiến thời gian mở, đóng nước và lưu lượng đầu kênh để nhân dân chủ động điều tiết nước hợp lý.
Đặc biệt, trong quá trình tưới ưu tiên vùng khô hạn, vùng cao, vùng xa trước, luôn truyên truyền vận động nhân dân vùng đầu kênh không tưới quá sâu, chỉ tưới đủ nước cho lúa phát triển. Tưới theo đợt, trong các đợt tưới có luân phiên, nhưng không quá 3 địa phương luân phiên trên một tuyến, khi có mưa trên diện rộng lượng mưa lớn lơn 20mm thì công ty sẽ đóng cống. Thời gian nghỉ giữa 2 đợt tưới từ 7 đến 10 ngày đối với vụ xuân và từ 4 đến 6 ngày đối với vụ hè thu để công ty tổ chức kiểm tra và sửa chữa công trình.
“Chúng tôi quán triệt, yêu cầu các đơn vị cụm, trạm phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, cá nhân quản lý các hạng mục công trình thuộc đơn vị mình quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm quy định về công trình thủy lợi, có biện pháp nhắc nhở, lập biên bản, thông báo cho chính quyền địa phương nơi có tổ chức, cá nhân vi phạm.
Riêng các vi phạm cũ do lịch sử để lại, công ty tiếp tục thống kê, lập danh sách đề nghị chính quyền các cấp xử lý theo quy định”, lãnh đạo Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh thông tin thêm về giải pháp ngăn chặn hành vi cản trở dòng chảy của người dân tại hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị quản lý.
Vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu gieo cấy hơn 59.000ha lúa, sản lượng phấn đấu đạt trên 35 vạn tấn. Đến nay, bà con cơ bản hoàn thành làm đất đợt 1. Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống, sẽ tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10/1 - 5/2/2025.