| Hotline: 0983.970.780

Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

Thứ Bảy 21/12/2024 , 07:11 (GMT+7)

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Ông Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Chương trình Sức khỏe của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Đ.

Ông Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Chương trình Sức khỏe của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Đ.

Ngày 20/12, sáng kiến CGIAR về “Một sức khỏe” đã tổ chức tổng kết hợp phần bệnh lây truyền từ động vật sang người tại tỉnh Lào Cai. Sự kiện có sự tham gia của 40 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và các đối tác triển khai dự án từ hai tỉnh Lào Cai và Đồng Nai, nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu và chuẩn bị cho các chương trình tiếp theo.

Trong năm 2023 và 2024, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại hai tỉnh Lào Cai và Đồng Nai. Nghiên cứu tập trung vào chuỗi giá trị động vật hoang dã, bao gồm các loài như dơi, dúi, cầy và lợn bản địa, nhằm đánh giá nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. 

Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy có sự hiện diện của một số mầm bệnh truyền lây từ động vật sang người. Trong 207 mẫu huyết thanh học trên người chăn nuôi động vật hoang dã, 18 mẫu (8,7%) dương tính với Hantavirus-IgG, 4 mẫu (1,9%) dương tính với Hantavirus-IgM, và 55 mẫu (26,6%) dương tính với Viêm gan E-IgG. 

Kết quả PCR phát hiện 6 mẫu (1,8%) dương tính với virus corona (3 mẫu (1,1%) ở động vật và 3 mẫu (2,9%) ở người) và 6 mẫu (2,6%) động vật dương tính với virus viêm gan E. 

Ngoài ra, các hộ nuôi động vật hoang dã tại cả hai tỉnh thường không nhận thức rõ về nguy cơ từ các bệnh truyền nhiễm, trong khi đó các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học như quản lý chất thải, vệ sinh chuồng trại, và cách ly động vật bệnh chưa được áp dụng đầy đủ hoặc hiệu quả.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn ghi nhận các điểm nóng giao thương động vật hoang dã, bao gồm các chợ đầu mối và các khu vực biên giới tại Lào Cai, có nguy cơ cao trở thành nơi bùng phát dịch bệnh. 

Tại Đồng Nai, nguy cơ này xuất hiện rõ rệt tại các trang trại nuôi động vật hoang dã phục vụ mục đích thương mại. Các yếu tố như sự tương tác giữa người và động vật, nuôi lẫn các loài gia súc, vật nuôi cùng động vật hoang dã, việc vận chuyển không kiểm soát, và thiếu giám sát về an toàn dịch bệnh làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh từ động vật sang người, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư, với nhiều hoạt động thương mại. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh.

Tại Lào Cai có nhiều hộ chăn nuôi dúi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: H.Đ.

Tại Lào Cai có nhiều hộ chăn nuôi dúi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: H.Đ.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Chương trình Sức khỏe của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), “Một sức khỏe” là cách tiếp cận mới, phối hợp giữa các ngành như nông nghiệp, thú y, y tế và môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Lào Cai là một trong những nơi thực hiện nghiên cứu áp dụng cách tiếp cận “Một sức khỏe" này để phòng được bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là nghiên cứu cộng đồng chăn nuôi động vật hoang dã tại gia đình. 

Một trong những phát hiện đó là 35% người trực tiếp tham gia chăn nuôi động vật hoang dã tại Lào Cai và Đồng Nai không biết được nguy cơ truyền bệnh giữa động vật hoang dã sang người. Đây là khoảng trống cần phải truyền thông nhiều hơn tới cộng đồng người chăn nuôi. 

Lý giải Lào Cai là nơi dễ bùng phát dịch bệnh, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, đây là tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc và nguy cơ vận chuyển động vật hoang dã qua con đường tiểu ngạch, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.

Việc tiêu thụ động vật hoang dã ở 2 nước là tương đối phổ biến. Vì vậy, với sự tăng cường hiểu biết của người chăn nuôi động vật hoang dã giúp phòng ngừa bệnh từ động vật sang người tốt hơn. 

Quang cảnh hội nghị Sáng kiến CGIAR về 'Một sức khỏe' tại Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Quang cảnh hội nghị Sáng kiến CGIAR về “Một sức khỏe” tại Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Khi phòng bệnh được cho chính những người chăn nuôi thì cũng sẽ ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng. Và những bệnh lây truyền từ động vật sang người đặc biệt từ động vật hoang dã là yếu tố nguy cơ rất được quan tâm. Covid-19 và những loại bệnh đang nổi và tái nổi càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thế giới và Việt Nam. Chính vì thế “Một sức khỏe” là cách tiếp cận toàn diện và quan trọng. 

“Kết quả nghiên cứu là nền tảng quan trọng giúp chúng tôi xây dựng các chương trình can thiệp hiệu quả nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh giữa người và động vật,” ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh. 

Liên quan tới việc phòng ngừa lây lan dịch bệnh, ông Bùi Nghĩa Vượng, Trưởng bộ môn virus, Viện Thú y chia sẻ thêm, hợp tác liên ngành là chìa khóa để phòng ngừa dịch bệnh. Việc triển khai sáng kiến “Một sức khỏe” không chỉ giúp nâng cao năng lực giám sát mà còn tăng cường nhận thức và hợp tác từ cộng đồng địa phương trong công tác giám sát dịch bệnh.

Sáng kiến CGIAR về “Một sức khỏe” được thực hiện với sự phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Viện Thú y (NIVR), Chi cục Chăn nuôi Thú y, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Lào Cai và Đồng Nai.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.