| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 23/10/2024 , 09:56 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:56 - 23/10/2024

Tài nguyên cát đáng báo động qua kết quả đấu giá

Tài nguyên cát ngày càng khan hiếm, khiến những phiên đấu giá các mỏ cát tổ chức gần đây kéo dài xuyên đêm với mức chốt giá gấp hàng trăm lần giá khởi điểm.

Tài nguyên cát tự nhiên sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới, đó là dự báo của Bộ Xây dựng. Với tốc độ nở rộ các công trình xây dựng, tài nguyên cát không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, đã phát sinh nhiều hệ lụy khai thác cát trái phép ở nhiều địa phương.

Để góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên cát, các phiên đấu giá quyền khai thác mỏ cát đã được tổ chức. Mới đây, phiên đấu giá mỏ cát ở xã Điện Thọ thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kéo dài từ 8h sáng 18/19 đến 4h sáng 19/10. Nghĩa là 200 vòng đấu giá được thực hiện xuyên đêm suốt 20 tiếng đồng hồ. Kết quả, mức giá chốt của doanh nghiệp trúng thầu là 370 tỷ đồng, tăng hơn 300 lần so với giá khởi điểm 1,2 tỷ đồng.

Một mỏ cát chỉ có diện tích 6,04ha và trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt là 159.000m3 mà được chốt giá 370 tỷ đồng, thực sự làm nhiều người hoang mang. Doanh nghiệp kinh doanh ra sao để có lợi nhuận, vẫn rất bí ẩn với những suy đoán thông thường. Tuy nhiên, điều mà ai cũng nhận ra là tài nguyên cát đang bất ổn. Bởi lẽ, câu chuyện đấu giá mỏ cát ở Quảng Nam không phải chưa có tiền lệ tương tự. Cuối năm 2023, ba mỏ cát ở Hà Nội cũng đã có phiêu đấu giá từ 9h sáng 5/11 đến 6h sáng 6/11 với mức chốt giá gây sửng sốt vì gấp trăm lần giá khởi điểm.

Hiện nay, theo Luật Khoáng sản, cát sông vẫn được phân loại là vật liệu xây dựng thông thường, cho nên những mỏ cát liên tục được thăm dò và khai thác triệt để. Khi giấy phép khai thác cát được cấp hạn chế dần, thì nhiều hoạt động khai thác cát trái phép lại phức tạp thêm. Và hậu quả không tránh khỏi, việc hút cát trái phép khiến đáy sông bị hạ thấp, nước chảy xiết tạo ra “hàm ếch” rộng, gây sạt lở hai bờ đe dọa sự an toàn dân sinh. Đồng thời, lượng cát bị hút khỏi lòng sông làm hạ thấp mực nước ngầm đã dẫn đến triều cường bất thường và xâm nhập mặn.

Tài nguyên cát được đấu giá cao ngất ngưởng, không chỉ nâng chi phí các công trình xây dựng, mà cũng không phải giải pháp tương lai bền vững. Nhằm ngăn ngừa các rủi ro từ khai thác cát tự nhiên, phải thúc đẩy vật liệu thay thế cát sông. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài nguyên Môi trường đang tiến hành nghiên cứu dùng cát biển thay thế cát sông cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Còn các công trình dân sự thì sao? Giới kiến trúc và giới xây dựng đều thừa khả năng để tìm đáp án cho bài toán thay thế cát sông. Một vài vật liệu có thể thay thế cát sông như tro bay thu từ quá trình đốt cháy nhiên liệu than đá, xỉ lò cao từ quá trình sản xuất gang, kính nghiền và bụi đá từ quá trình sản xuất xi măng. Đồng thời, cát tự nhiên cũng có thể thay thế bằng cát nhân tạo từ các loại đá, hoặc cát tái chế từ xà bần.

Khi và chỉ khi ưu tiên sử dụng các vật liệu thay thế cát sông, thì tài nguyên cát mới có thể bớt căng thẳng đấu giá và giảm tác động tổn hại môi trường sinh thái.