| Hotline: 0983.970.780

Tâm lũ Quỳ Châu oằn mình trước trận thiên tai lớn nhất 30 năm

Thứ Năm 28/09/2023 , 15:27 (GMT+7)

Nghệ An Tầm 3h sáng lũ đột ngột tràn về với cường độ kinh người, chẳng mấy chốc đã quây kín huyện miền núi Quỳ Châu trong biển nước mênh mông, thiệt hại hết sức nặng nề.

Huyện miền núi Quỳ Châu chịu thiệt hại nặng nề qua trận mưa lũ đợt này. Ảnh: Việt Khánh. 

Huyện miền núi Quỳ Châu chịu thiệt hại nặng nề qua trận mưa lũ đợt này. Ảnh: Việt Khánh. 

Huyện nghèo thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Mưa lớn liên hồi, kết hợp sức nước kinh người từ thượng nguồn đổ về khiến toàn tỉnh Nghệ An điêu đứng, nhọc nhằn. Với những gì đang đối mặt, huyện Quỳ Châu là tâm lũ đợt này.

Tứ bề chìm trong biển nước mênh mông. Ảnh: Đình Tiệp.

Tứ bề chìm trong biển nước mênh mông. Ảnh: Đình Tiệp.

Bài liên quan

Sáng 28/9, xác nhận với PV Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định đây là trận lũ mang tính lịch sử, cường độ và mức độ càn quét lớn nhất trong vòng 30, 40 năm trở lại đây, ước thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

“2 ngày qua chúng tôi dầm mình trong nước lũ, huyện huy động tối đa lực lượng giúp người dân khẩn trương dọn dẹp, khắc phục thiên tai. Nhiều tài sản có giá trị hỏng hóc hết cả, đặc biệt là đồ điện tử, hàng chục chiếc ô tô, xe máy cũng bị nhấn chìm.

Tầm 3h30 đến 4h sáng ngày 27/9, nước lũ dâng cao đột ngột khiến tất cả không kịp trở tay, trung bình 1 tiếng đồng hồ nước dâng lên cả mét, có những nhà ngập lút nóc. Nhiều trường hợp chỉ kịp bồng bế con nhỏ chạy thoát thân, đồ dùng, vật dụng đành bỏ lại. Nhiều nơi xảy ra ngập lụt cục bộ, bốn bề chìm trong biển nước, nặng nhất là xã Châu Tiến với khoảng 600 hộ, thị trấn Tân Lạc ghi nhận khoảng 200 hộ”, ông Lê Hải Lý chia sẻ thêm.

Đây là trận thiên tai lịch sử, quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Quỳ Châu trong vòng 30 năm qua. Ảnh: Đình Tiệp.

Đây là trận thiên tai lịch sử, quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Quỳ Châu trong vòng 30 năm qua. Ảnh: Đình Tiệp.

Được biết, Quỳ Châu là huyện miền núi nằm phía tây bắc của tỉnh Nghệ An. Nhờ lồng ghép hiệu quả chương trình 134, 135 và các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ đã đầu tư, xây dựng được 79 công trình thủy lợi, kiên cố hóa được 78km kênh mương để phục vụ tưới cho khoảng 2.000ha lúa nước cùng một số diện tích trồng màu.

Tuy nhiên hầu hết các công trình thủy lợi cơ bản xây dựng đã lâu, lại chịu tác động thường trực của thời tiết, thiên tai, bão lũ nên khó đảm bảo an toàn. Trong khi đó, bình quân hàng năm huyện Quỳ Châu chịu ảnh hưởng của 6 cơn bão lớn nhỏ, chưa kể các đợt áp thấp nhiệt đới, lũ quét và sạt lở đất đọa đày triền miên.

Qua trao đổi, một lãnh đạo huyện bộc bạch, Quỳ Châu địa hình hiểm trở, nhiều núi cao bao bọc tạo nên những thung lũng nhỏ, hẹp, địa hình có nhiều lượn sóng theo hướng tây bắc xuống đông nam. Các khe suối đổ về sông Hiếu tạo thành lòng máng. Các dòng sông tiết diện hẹp, dốc làm hạn chế khả năng điều hòa và tiêu thoát nước, khi có thiên tai, mưa bão dễ dẫn đến ngập úng cục bộ.

Những yếu tố bất lợi kể trên kết hợp lượng mưa quá lớn, lũ dồn dập trên thượng nguồn chảy về, các nhà máy thủy điện trên tuyến Quốc lộ 48 đồng thời xả lũ cấp tập (ghi nhận 3 nhà máy thủy điện là Châu Thắng (xả 2.500m3/s); Nậm Pông, Nhạn Hạc) chẳng khác nào như những “túi nước” khổng lồ từ trên cao thi nhau dội xuống, cứ thế dân cư ở khu vực hạ du lãnh đủ.

Thiệt hại hết sức nặng nề. Ảnh: Quang An.

Thiệt hại hết sức nặng nề. Ảnh: Quang An.

Những con số thống kê đã nói lên tất cả, sơ bộ đợt này toàn huyện Quỳ Châu có trên 5.000 người phải di dời khẩn cấp; 1.210 nhà/30 khối bản bị ngập, nhiều nhà ngập sâu từ 1 - 5m; lúc cao điểm có 3 xã, 6 bản đang bị cô lập hoàn toàn, lực lượng chức năng không thể tiếp cận; nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 48A, quốc lộ 48D, tỉnh lộ 544 bị chia cắt, sạt lở nặng nề…

Về sản xuất nông nghiệp, trước mắt khoảng 700ha lúa hè thu và các cây trồng khác bị ngập nặng; hàng chục ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, mất trắng; thiệt hại hơn 300 con gia súc, hơn 1.000 con gia cầm. Đặc biệt, toàn huyện ghi nhận 40 cột điện hạ thế, 5 cột trung thế, 3 trạm biến áp bị ngập, gãy đổ… kéo theo tình trạng mất điện toàn vùng từ 2h40 ngày 27/9, đến nay công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn, đồng nghĩa đời sống của người dân càng bị xáo trộn thêm.

Cần một bờ kè kiên cố để an dân

Qua nắm bắt diễn biến thực tế, thiên tai dồn dập trong những năm qua làm gia tăng mức độ sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Hiếu, nhất là khu vực qua địa bàn của xã Châu Tiến và xã Châu Thắng. Nhân dân vùng này đã trải qua nhiều phen khiếp đảm, ngán ngẩm với tình cảnh “chạy lụt” liên hồi, họ đã nhiều lần kiến nghị phương án tối ưu để an tâm sinh sống, thay vì ngày đêm nơm nớp lo sợ, bất an.

Thiên tai, bão lũ là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Quỳ Châu. Ảnh: Việt Khánh.

Thiên tai, bão lũ là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Quỳ Châu. Ảnh: Việt Khánh.

Chính quyền cấp huyện, xã thấu hiểu hơn ai hết nỗi lòng của người dân, từ nhu cầu cấp thiết đã đề đạt chủ trương xây dựng đoạn kè kiên cố với chiều dài khoảng 2,7km, điểm đầu tại khu dân cư xã Châu Tiến và điểm cuối tại cầu Châu Thắng, nơi có hơn 100 hộ dân sinh sống dọc bờ sông. Dự toán tổng kinh phí công trình này lên đến 100 tỷ đồng.

Nếu kế hoạch trên sớm thông qua sẽ tháo gỡ được nút thắt dai dẳng trong công tác phòng chống lũ, chống sạt lở, mất đất, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Nhu cầu đặt ra thực sự cấp thiết nhưng chưa được cấp ngành chức năng chấp thuận, chủ trương này vẫn nằm vẹn nguyên trên giấy.

Trước mắt, chính quyền địa phương và người dân vùng sạt lở phải tự thân vận động, cùng nhau tu bổ, gia cố bờ sông trước các mùa mưa lũ bằng các phương án thủ công (trồng tre, mét, đổ đá…), có điều cách này chỉ mang tính chữa cháy trước mắt, lâu dài hiệu quả không cao.

Hiện hữu hơn cả là nỗi lo lũ 'ngoạm' đất của 22 hộ dân tại bản Minh Tiến, xã Châu Tiến. Ảnh: Việt Khánh.

Hiện hữu hơn cả là nỗi lo lũ "ngoạm" đất của 22 hộ dân tại bản Minh Tiến, xã Châu Tiến. Ảnh: Việt Khánh.

“Ngập lụt đợt này quá nặng, mọi thứ chuyển biến quá nhanh, qua khảo sát đêm 26/9 tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, nào ngờ chỉ vài tiếng sau mọi thứ đã hoàn toàn đảo lộn. Lúc này nước trên sông Nậm Hạt dâng nhanh kinh người, chỉ một số ít hộ dân dựng nhà trên cao tránh được cảnh ngập lụt, còn lại trầy trật ứng phó xuyên đêm. Riêng bản Minh Tiến có khoảng 130 hộ bị ngập nặng, bao gồm 22 hộ có nhà sát mép bờ sông. Trong đêm tối, trưởng bản Phan Văn Bảo phải lục đục, dò dẫm đi từng ngõ gõ cửa từng nhà thông báo di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, số thì tá túc nhà thân quen, số khác kéo nhau về nhà văn hóa, chung quy tiện đâu bố trí ở đấy.

Đến hôm nay nước cơ bản đã rút, một số hộ đã về dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả nhưng còn gian nan lắm. Quân số của xã, lực lượng dân quân có hạn bắt buộc phải vận động nhân dân tương trợ lẫn nhau, may thay trong lúc cấp bách nhất tình làng nghĩa xóm được thể hiện kịp thời”, ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến nhấn mạnh.

Người dân bản Minh Tiến nhọc nhằn, khổ sở ứng phó với mưa bão. Ảnh: Việt Khánh.

Người dân bản Minh Tiến nhọc nhằn, khổ sở ứng phó với mưa bão. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ông Hoài, thiên tai kéo theo muôn vàn mối lo, hiện hữu hơn cả là thực trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng dọc bờ sông Hiếu, điều này khiến tâm lý của người dân tại các bản Minh Tiến và Hoa Tiến hoang mang tột độ, nếu không sớm có phương án xử lý triệt để sẽ tiềm ẩn nguy cơ tiềm tàng.

Tạng người gầy gò, đen nhẻm, trên mặt hiện rõ nét khắc khổ, nhìn qua đủ biết ông Trần Mạnh Hà, công dân xóm Minh Tiến mới trải qua phen “chạy lụt” lịch sử. Khoác vội chiếc áo ni lông mỏng tanh, người run cầm cập do dầm mình quá lâu trong dòng nước đục, ông Hà lại đội mưa đi thu dọn những đồ đạc còn sót lại.

Ông Trần Mạnh Hà sống hơn nửa đời người tại bản Minh Tiến thực sự bất an trước tình cảnh sạt lở lúc này. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Trần Mạnh Hà sống hơn nửa đời người tại bản Minh Tiến thực sự bất an trước tình cảnh sạt lở lúc này. Ảnh: Việt Khánh.

“Gia đình tôi ở đây hơn nửa thế kỷ rồi. Trước đây dòng sông chưa hung hãn như bây giờ, độ dăm bảy năm trở lại đây thời tiết chuyển biến thất thường, cộng thêm thủy điện Châu Thắng đi vào vận hành dẫn đến dòng chảy biến đổi không ngừng, rất khó đoán. Sức nước quá lớn, va đập liên hồi qua ngày này tháng khác khiến tầng địa chất lung lay, dần dà ăn sâu vào hàng mét đất, có những điểm kề sát nhà dân, rất nguy hiểm.

Lường trước sự tình, tôi đã chủ động trồng nhiều bụi mét để giữ đất, cản nước nhưng không ăn thua, rồi cũng bị cuốn đi cả. Vợ tôi (bà Quang Thị Phòng - PV) năm nay 67 tuổi, bị bệnh Parkinson đã 24 năm rồi, trí nhớ vẫn minh mẫn nhưng không cử động được, mấy năm trước mỗi lần di dời phải dùng cáng hì hục đưa lên tận đỉnh dốc, vất vả vô cùng.

Trước đây thủy điện có đặt vấn đề hỗ trợ cho các hộ một phần kinh phí để đổ đất, đổ đá gia cố tạm thời, cá nhân tôi không đồng tình. Với hiện trạng lúc này, làm kè kiên cố là phương án tối ưu nhất”, ông Trần Mạnh Hà khẳng định.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.