| Hotline: 0983.970.780

Mưa lớn gây ngập nặng, Nghệ An nhọc nhằn ứng phó thiên tai

Thứ Tư 27/09/2023 , 13:17 (GMT+7)

Mưa lớn triền miên kèm lốc xoáy gây nên tình trạng ngập lụt, sạt lở nặng nề trên địa bàn Nghệ An, công tác ứng phó thiên tai thực sự nhọc nhằn.

Mưa bão gây ngập lụt nặng nề trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Mưa bão gây ngập lụt nặng nề trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Tại huyện Tương Dương xuất hiện nhiều điểm ngập lụt nặng, trong đó tiêu điểm là xã Tam Hợp. Ngay trong sáng 27/9, huyện đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra tại các điểm cấp bách (Tam Thái, Tam Đình, Tam Quang, Yên Thắng, Yên Hòa, Xá Lượng, Lượng Minh, Lưu Kiền) để kịp thời nắm bắt, động viên, hướng dẫn người dân phương án ứng phó. Đồng thời trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chuyên môn đánh giá tổng thể hiện trạng, với những điểm không an toàn kiên quyết di dời dân khẩn cấp.  

Lãnh đạo huyện Tương Dương kịp thời có mặt tại các điểm 'nóng' để chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai. Ảnh: Khôi An. 

Lãnh đạo huyện Tương Dương kịp thời có mặt tại các điểm "nóng" để chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai. Ảnh: Khôi An. 

Khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn. Ảnh: Khôi An.

Khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn. Ảnh: Khôi An.

Tại huyện Quỳ Châu, diễn biến thiên tai hết sức khó lường, lượng mưa tăng cao đột biến trong đêm 26/9 bỗng chốc biến nhiều nơi chìm trong biển nước đục ngầu. Theo báo cáo nhanh của nhà chức trách đã có hàng chục nhà dân bị ngập (thị trấn Tân Lạc có 4 khối; xã Châu Tiến có 4 bản; xã Châu Hạnh có 5 bản; xã Châu Bình có 5 bản…); nhiều tuyến giao thông trên Quốc lộ 48 bị ngập lụt, chia cắt, hỏng hóc.

Đơn cử như thị trấn Tân Lạc ngập 3 điểm tại khu vực khối 3, khối 4 và khối Tân Hương; sạt lở điểm dốc Kè Lè, điểm kè Châu Thắng giáp Châu Tiến; ngập điểm dốc 77 (đường tránh đập phụ 1 bản Mồng), bản Kẻ Khoang - Đồi Triệu, Châu Bình.

Thiệt hại về nông nghiệp dự kiến không nhỏ với quy mô hơn 100 ha, bao gồm diện tích hoa màu, đồng lúa ở các xã Châu Tiến; Châu Hạnh; Châu Thắng, Châu Hội…

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại huyện Quỳ Châu bị chia cắt cục bộ. Ảnh: Việt Khánh.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại huyện Quỳ Châu bị chia cắt cục bộ. Ảnh: Việt Khánh.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Quỳ Châu đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, nắm bắt chính xác, kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo. Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập, hướng dẫn, phân luồng giao thông ở các tuyến đường trọng yếu. Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi có mưa lũ…

Đi lại trong thời điểm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Ảnh: Việt Khánh.

Đi lại trong thời điểm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Ảnh: Việt Khánh.

“Đến hẹn lại lo”, cứ đến mùa mưa bão là cấp chính quyền và nhân dân huyện nghèo Kỳ Sơn lại lo sốt vó. Ký ức hãi hùng của năm 2022 vẫn còn đó, bởi thế tâm lý của số đông rất thận trọng, ái ngại.

Trao đổi cùng phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông tin: “Tầm 8 – 9h sáng nay nước tại các khe suối dâng khá cao, gây chia cắt điểm Xiêng Thù – Bảo Thắng, Hữu Lập – Bảo Nam. Hay như điểm cầu tràn Hòa Sơn, nối xã Tà Cạ với thị trấn Mường Xén có thời điểm nước dâng quá đầu gối, trước mắt chúng tôi đã huy động lực lượng, di tản dân một số hộ dân ở khu vực này cùng tài sản đến nơi an toàn. Hiện đã tạnh mưa, nước đã rút nhiều nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là”.

Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có hàng loạt điểm nguy cơ sạt lở cao, nằm trong 'danh sách đỏ' cần theo dõi đặc biệt. Ảnh: Việt Khánh.

Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có hàng loạt điểm nguy cơ sạt lở cao, nằm trong "danh sách đỏ" cần theo dõi đặc biệt. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Rê xác nhận trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 9 điểm nằm trong “danh sách đỏ” thuộc diện cảnh báo thường xuyên. Những điểm này dối diện nguy cơ cao sạt lở, do đó luôn phải sẵn sàng phương án di tản dân đến nơi an toàn phòng trường hợp cấp bách. Danh sách gồm các xã Bảo Nam, Mường Típ, Mường Ải, Tà Cạ, Mỹ Lý, Keng Đu, Huồi Tụ, khối 4 thị trấn Mường Xén…

Để chủ động ứng phó thiên tai, phòng trường hợp xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai. Bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi cấp bách.

Bên cạnh đó, phải sẵn sàng các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Chủ động chỉ đạo phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và khu vực hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu…

Các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ làm gia tăng nguy cơ ngập úng trên diện rộng. Ảnh: Việt Khánh.

Các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ làm gia tăng nguy cơ ngập úng trên diện rộng. Ảnh: Việt Khánh.

Mưa triền miền, nước từ thượng nguồn đổ về ngày một lớn, lúc này đây các hồ chứa của các nhà máy thủy điện cơ bản đã “no nước”, để tránh nguy cơ đòi hỏi phải điều tiết bằng cách xả lũ.

Không hẹn mà gặp, hàng loạt như máy thủy điện trên 2 tuyến Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48 (thủy điện Chi Khê, Khe Bố, Nậm Mô, Châu Thắng …)  đều đồng loạt phát đi thông báo xả lũ, nguy cơ ngập lụt trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.