Theo báo cáo từ Fiintrade, tới hết tháng 7, đã có 986 doanh nghiệp (đại diện 96% tổng giá trị vốn hóa các doanh nghiệp trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM) công bố báo cáo tài chính quý II/2024.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý II/2024 của toàn thị trường tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023 và 12,8% so với quý I/2024, cao hơn mức tăng trưởng đạt được trong quý I trước đó (+15,7% và +0,04%).
Điều này cho thấy, lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường nói chung vẫn đang trên đà hồi phục, từ mức đáy thiết lập trong quý III/2023.
Theo báo cáo, nhóm Tài chính đạt mức tăng 21,3% so với cùng kỳ về lợi nhuận. Trong đó ngân hàng (+21,9%), bảo hiểm (+12,5%) và chứng khoán (+10,9%).
Với ngân hàng, tăng trưởng toàn ngành đến từ nhóm ngân hàng tư nhân top đầu về quy mô vốn chủ (MBB, VPB, TCB) trong khi nhóm Ngân hàng TMCP nhà nước (VCB, CTG, BID) lại ghi nhận tăng trưởng thấp hơn so với mức chung toàn ngành.
Cụ thể, MBB báo lãi trước thuế đạt 7.633 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng này lãi 13.428 tỷ đồng, tăng 5%. Còn VPB báo lãi hợp nhất sau thuế quý II đạt 3.632 tỷ đồng tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của ngân hàng là 2.885 tỷ đồng giảm 4,60%.
Với Techcombank (TCB), ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quý II/2024 đạt 8.122 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023. Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II là 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục theo quý của Techcombank.
Chiều ngược lại, trong quý II/2024, nhiều mảng kinh doanh chính của Vietcombank (VCB) bị sụt giảm. Nhưng nhờ giảm 40% chi phí dự phòng, ngân hàng thu được 10.116 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, VCB lãi trước thuế gần 20.835 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, nhờ cắt giảm 34% chi phí dự phòng (còn 3.021 tỷ đồng).
Một ngân hàng TMCP Nhà nước khác là Vietinbank (CTG) có lãi trước thuế gần 6.750 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng này lãi trước thuế hơn 12.960 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Một điểm nhấn khác, trong quý II, nhóm phi tài chính có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận chung của toàn thị trường. Tăng trưởng đột biến này nhờ nền so sánh cùng kỳ ở mức rất thấp. Đơn cử, như ở ngành thép, xây dựng, viễn thông, khí đốt, phân bón, dệt may, và các ngành phụ thuộc vào cầu tiêu dùng trong nước (bao gồm bán lẻ, sữa, bia)...
Đơn cử, trong nhóm bán lẻ, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, doanh thu thuần của Vinamilk (VNM) đạt 16.655 tỷ đồng, vượt qua đỉnh 16.194 tỷ đồng của quý III/2021 để trở thành quý có doanh thu cao nhất. Trong quý III, VNM báo lãi sau thuế 2.671 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với nhóm doanh nghiệp bất động sản, các khoản thu nhập tài chính lớn tới từ việc sang nhượng dự án hay công ty con ở nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở (NVL, DXG, DIG) cũng hỗ trợ tăng trưởng chung của nhóm phi tài chính.
Đơn cử, DIG trong kỳ có doanh thu thuần đạt 821 tỷ đồng tăng tới 407 lần. Lợi nhuận sau thuế đạt 125 tỷ đồng tăng 1.281 lần nhờ chuyển nhượng căn hộ dự án CSSI, chuyển nhượng nhà xây thô dự án Đại Phước và chuyển nhượng nhà xây thô tại dự án Hậu Giang...
Chiều ngược lại, lợi nhuận một số ngành tiếp tục giảm so với cùng kỳ, bao gồm: Điện, sản xuất dầu khí, hóa chất trong khi thiết bị & dịch vụ dầu khí, nước, bất động sản khu công nghiệp... Hay nhóm chăn nuôi bất ngờ chứng kiến lợi nhuận đảo chiều từ tăng trưởng trong quý I sang suy giảm trong quý II...