Giá thịt heo hơi trong nước đang trong con sóng tăng khá ổn định, từ đầu năm đến nay. Diễn biến này kéo theo kết quả kinh doanh tích cực và giá cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi tăng tương ứng.
Cập nhật của Báo Nông nghiệp Việt Nam, giá heo hơi trong nước ngày 19/5 neo quanh ngưỡng 63.000 - 67.000 đồng/kg. Chốt lại một tuần tăng giá của thị trường heo hơi ba miền từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá heo hơi bình quân đã tăng khoảng 25%. Mức giá cao nhất 67.000 đồng/kg hiện tương đương với vùng giá đỉnh vào đầu tháng 7/2023. Năm ngoái, heo hơi duy trì mức giá này trong một thời gian ngắn rồi lại quay đầu giảm kéo dài tới cuối năm.
Trong giai đoạn trước Tết, do xảy ra dịch bệnh, có tình trạng nhiều hộ chăn nuôi bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, khiến giá xuống, khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến sau Tết, nguồn cung heo đạt chuẩn (đủ tháng) đã suy giảm, mặc dù tổng đàn heo trên cả nước vẫn không đổi. Việc cung giảm xuống đã đẩy giá thịt heo có xu hướng tăng lên.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), có 3 nguyên nhân chính dẫn đến giá thịt heo tăng mạnh. Đầu tiên là do nguồn cung heo ở phía Bắc không còn nhiều. Thứ hai là mặt bằng giá heo ở 3 vùng gần như bằng nhau, nên lưu chuyển heo từ miền Trung/Nam ra Bắc khá yếu.
Cuối cùng là heo Thái Lan chưa được đưa về Việt Nam dù mức chênh lệch giá đang khá cao. Tại thị trường miền Trung và Nam, giá heo cũng có xu hướng tăng tích cực do nguồn cung nội vùng thấp.
Kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu thịt heo "lên hương"
Diễn biến tích cực này đang phản ánh vào kết quả kinh doanh của nhiều công ty chăn nuôi niêm yết. Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) ghi nhận lãi trở lại gần 73 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, nhảy vọt so với con số lỗ 321 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, ông lớn nuôi heo này kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ gấp 29 lần mức thực hiện trong năm 2023, tương đương đạt gần 730 tỷ đồng, dựa trên giả định giá heo chỉ ở mức 52.000 đồng/kg.
Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So dự báo giá heo sẽ còn cao hơn bởi nguồn cung giảm mạnh hơn nhu cầu và phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cung. Công ty dự kiến lợi nhuận quý II có thể lên 250 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) có doanh thu thuần trong quý 1/2024 đạt 1.292 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 118 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, đây cũng là là đỉnh lợi nhuận của BAF trong 6 quý trở lại đây.
Với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã HAG), kết quả kinh doanh của đại gia "heo ăn chuối" có phần kém tích cực hơn. Quý I/2024, HAGL có doanh thu 1.242 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán heo giảm 48,3% còn 291,6 tỷ đồng.
Kém nhạy bén hơi hai đối thủ, bản thân bầu Đức cũng từng bày tỏ tiếc nuối khi không tăng đàn sớm trong năm 2023. Nguyên nhân, do công ty này thận trọng và cũng dành nguồn lực cho các mảng kinh doanh khác.
Việc giá thịt heo tăng liên tục khiến kỳ vọng của nhà đầu tư vào lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi heo cũng tăng theo. Trong phiên cuối cùng của tuần (ngày 17/5), các cổ phiếu BAF, HAG, DBC đều lần lượt tăng kịch biên độ.
Đà tăng nóng của các cổ phiếu chăn nuôi thực tế đã được kích hoạt từ giữa tháng 4 tới nay. Chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, thị giá DBC, HAG, BAF đều đã tăng trên dưới 20%.
Cổ phiếu DBC thậm chí đã lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm, tiến sát tới vùng đỉnh lịch sử đạt được đầu tháng 3/2022. Tương tự, BAF cũng đang ở vùng đỉnh của 21 tháng. Trong khi đó, thị giá côt phiếu HAG cũng đang ở mức cao nhất từ đầu tháng 2/2024.
Doanh nghiệp chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn
Trong cơn sóng tăng của giá heo hơi, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn, với kỳ vọng vào giá heo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay.
Từ cuối tháng 4, Dabaco đã nhập thêm một lô heo giống, đáp máy bay về Việt Nam. Đàn heo giống tiếp tục mở rộng quy mô đã đưa năng suất nuôi heo của doanh nghiệp lên mức cao nhất trong 28 năm hoạt động.
Ông Nguyễn Như So gần đây cũng đã tiết lộ: "Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, chậm nhất là năm 2026 có đủ đất để mở rộng đàn nái lên khoảng 90.000 con và đàn heo thịt khoảng 1,5 triệu con".
Trong khi đó, Công ty Nông nghiệp BAF cho biết sẽ sớm đưa vào hoạt động thêm 7 dự án trang trại. Cụm trại Hải Đăng (quy mô 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt), trại Tân Châu (30.000 heo thịt) và Tâm Hưng (5.000 heo nái) đã đi vào vận hành trong tháng 3/2024.
Đồng thời, BAF dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Như vậy, tổng đàn của BAF dự kiến cuối năm 2024 sẽ gấp đôi cùng kỳ, lên 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt.
Với HAGL, dù chậm bước hơn, song với lợi thế về diện tích chuồng trại, tự chủ nguồn thức ăn từ chuối, đại gia này cũng có tham vọng không nhỏ cho năm 2024. Với nguồn lực từ LPBank - HAGL dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ cuối năm nay và nếu đến năm 2025 giá heo tốt, HAGL tự tin sẽ thu về "trái ngọt".
"Chúng tôi đang bắt đầu nhân đàn nhờ có nguồn tài trợ của LPBank, trong đó có vay 300 tỷ đồng để tăng đàn heo", ông Đoàn Nguyên Đức nói về kế hoạch tái đàn.