| Hotline: 0983.970.780

Tập đoàn TH bàn giao bò HF thuần chủng cho nông dân Lâm Đồng

Thứ Tư 21/12/2022 , 19:51 (GMT+7)

Ngày 21/12, đàn bò sữa cao sản thuần chủng HF từ trang trại bò sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Nghệ An được bàn giao cho nông dân Lâm Đồng.

Hội nghị ký kết văn bản thỏa thuận khung về liên kết hợp tác phát triển bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) với sự tham gia của Dalatmilk và Tập đoàn TH.

Hội nghị ký kết văn bản thỏa thuận khung về liên kết hợp tác phát triển bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) với sự tham gia của Dalatmilk và Tập đoàn TH.

Việc trao bò sữa cao sản thuần chủng HF được diễn ra tại Hội nghị ký kết văn bản thỏa thuận khung về liên kết hợp tác phát triển bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, chính quyền huyện Cát Tiên, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk), Tập đoàn TH và bà con nông dân địa phương.

Lễ ký kết diễn ra đúng một tháng sau thời điểm Hội nghị triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW Bộ Chính trị về phương hướng phát triển vùng Tây Nguyên được tổ chức tại Đà Lạt, nơi Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH, đã hiến kế phát triển Tây Nguyên trên 4 lĩnh vực, trong đó có phát triển đại chăn nuôi đưa người nông dân cùng đi theo chuỗi giá trị, sản xuất khép kín.

Hợp tác giữa UBND huyện Cát Tiên và Tập đoàn TH xuất phát từ mong muốn của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về tạo nguồn lực phát triển mới, tìm sinh kế mới cho người dân tại khu vực các huyện phía nam của tỉnh. Khu vực phía Nam của huyện là đồng bằng ô trũng, do phù sa sông Đồng Nai bồi đắp, thích hợp để phát triển vùng trồng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi đại gia súc, đã được người dân tận dụng để phát triển chăn nuôi nông hộ với tổng đàn bò thịt gần 9.500 con.

Tuy nhiên, do chưa có định hướng phát triển cụ thể, cũng như dưới tác động của những lý do khách quan như thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chi phí chăn nuôi tăng cao, năng suất đàn bò giảm, đã khiến người dân gặp khó khăn.

Trước trăn trở của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn TH, thông qua Công ty Cổ Phần sữa Đà Lạt, đã đề xuất phát triển đàn bò sữa trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của Cát Tiên về vùng nguyên liệu và điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của nông hộ, chuyển đổi đàn bò thịt, phát triển lĩnh vực chăn nuôi bò sữa tạo thành vùng nguyên liệu sữa với sản lượng lớn, chất lượng cao, đảm bảo tính ổn định, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

TH đã sớm chủ động phối hợp với Huyện ủy - HĐND – UBND huyện Cát Tiên triển khai công tác khảo sát, đào tạo cán bộ, từng bước xây dựng và hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa…

Từ những đóng góp của Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt, UBND huyện Cát Tiên đã xây dựng, ban hành Đề án phát triển chăn nuôi Bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đến năm 2025: Tổng đàn Bò sữa đạt trên 2.700 con. Trong đó, đàn bò khai thác sữa khoảng 1.500 con, sản lượng sữa bình quân trong chu kỳ khai thác sữa đạt khoảng 30 tấn/ngày. Đến năm 2030, tổng đàn khoảng 8.000-10.000 con; sản lượng sữa bình quân trong chu kỳ khai thác sữa khoảng 80 tấn sữa/ngày.

“Huyện sẽ chuyển đổi phương thức xuất, từ chăn nuôi bò thịt quảng canh nhỏ lẻ trước đây, sang chăn nuôi bò sữa trang trại gia trại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, tăng lợi nhuận cho người nông dân, thực hiện chương trình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững trên địa bàn”, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên khẳng định.

Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo huyện Cát Tiên, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng bổ sung: “Trong cơ cấu ngành nông nghiệp Lâm Đồng, chăn nuôi chiếm 16%. Riêng Cát Tiên thì cơ cấu là chăn nuôi chiếm tỷ trọng 26%, trồng trọt hơn 70%, còn lại là dịch vụ. Cơ cấu chăn nuôi của Cát Tiên cao hơn của tỉnh.

Với tiềm năng, kinh nghiệm của người dân trong chăn nuôi, hiện nay Cát Tiên đi đầu trong chăn nuôi các giống bò thịt như bò vàng, bò BBB, tổng đàn bò khoảng 9.500 con. Chiếm 10% tổng đàn bò của cả tỉnh. Xác định đưa con bò sữa về Cát Tiên là bước đột phá để thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu giống cây trồng vật nuôi”.

Đàn bò sữa cao sản thuần chủng HF được bàn giao cho nông dân huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) ngày 21/12.

Đàn bò sữa cao sản thuần chủng HF được bàn giao cho nông dân huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) ngày 21/12.

Bước đi chắc chắn

Theo lãnh đạo Sở NN- PTNT tỉnh Lâm Đồng, đây là bước đi mà lãnh đạo huyện Cát Tiên cũng như ngành nông nghiệp tỉnh không hề vội vã. Địa phương đã có khảo sát đánh giá, các chuyên gia của TH cũng đã đánh giá và xác định Cát Tiên có đủ tiềm năng, lợi thế về điều kiên thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu để có thể đạt mục tiêu năm 2025 có 2.700 con bò sữa và đến 2030 là 8.000-10.000 con. Ngành bò sữa với các lợi thế đó sẽ mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Ngay ở thời điểm diễn ra lễ ký kết giữa Tập đoàn TH và UBND huyện Cát Tiên, những con bò sữa cao sản thuần chủng HF đang mang thai 3 tháng của TH từ trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, đã được bàn giao về các khu vực chuồng trại của nông hộ tại huyện Cát Tiên. Đây là những con bò giống cho năng suất cao đầu tiên trong đợt 500 con được TH tuyển lựa để hỗ trợ cho nông dân huyện Cát Tiên.

Theo thỏa thuận, TH, thông qua Dalamilk, đảm bảo nguồn giống bò sữa có chất lượng cao để cung ứng cho người nông dân chăn nuôi bò sữa. TH hỗ trợ trả góp 50% kinh phí mua giống bò sữa cho nông dân (khi thu mua sữa, doanh nghiệp khấu trừ dần vào giá sữa trong thời gian 2-3 năm).

Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt sẽ xây dựng các trạm thu mua, bảo quản, vận chuyển và chế biến sữa đảm bảo phù hợp với quy mô đàn bò sữa; đảm bảo thu mua 100% sản lượng sữa tươi nguyên liệu do người nông dân Cát Tiên sản xuất trong vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa của huyện theo hợp đồng tiêu thụ sữa tươi.

Bên cạnh đó, Dalatmilk sẽ phối hợp với UBND huyện Cát Tiên hình thành Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa huyện Cát Tiên để làm đầu mối ký hợp đồng kinh tế liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm sữa nhằm đảm bảo tuần hoàn, khép kín từ đầu vào đến đầu ra theo chuỗi giá trị.

Các lớp tập huấn cũng được tổ chức thường xuyên để bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi - thú y đối với bò sữa cho các hộ nông dân; cung cấp nguồn tinh đông viên bò giống sữa chất lượng cao (ưu tiên tinh chọn lọc giới tính); tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo và cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.

Để đảm bảo phát triển đàn bò bền vững và phát triển sinh kế lâu dài cho người dân, Dalatmilk nhận trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn hoặc cung cấp cho các hộ chăn nuôi bò sữa các loại thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp, thức ăn vi lượng đảm bảo chất lượng sữa theo đúng tiêu chí kỹ thuật, cũng như cung cấp nguồn hạt giống và kỹ thuật canh tác các loại cây, cỏ làm thức ăn cho bò sữa để các hộ chăn nuôi bò sữa có thể xây dựng đồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh và chủ động dự trữ thức ăn ủ chua cho đàn bò của mình.

Ông Vijay Kumar Pandey, đại diện Tập đoàn TH chia sẻ tại sự kiện.

Ông Vijay Kumar Pandey, đại diện Tập đoàn TH chia sẻ tại sự kiện.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên chia sẻ: “Hôm nay, lứa bò sữa đầu tiên được bàn giao cho người nông dân, huyện sẽ đồng hành sát sao, thực hiện tốt mô hình này, xây dựng nên những trang trại mẫu, khuyến cáo nhân rộng.

Trước đây bà con sản xuất quảng canh nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thị trường, sản phẩm có số lượng không đủ lớn, không đạt chất lượng. Bây giờ huyện có quy hoạch vùng sản xuất, vùng trồng trọt, vùng chăn nuôi, đối với bò sữa thì có quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cỏ, ngô sinh khối, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ nên nâng cao được giá trị, nâng cao được chất lượng, quy hoạch được vùng trồng để đảm bảo sản lượng phục vụ cho chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Ký kết với Tập đoàn TH và Dalatmilk đem lại sự an tâm từ khâu sản xuất cho đến hợp đồng tiêu thụ đảm bảo giá sản phẩm giữa công ty và người dân”.

Về phía Tập đoàn TH, ông Vijay Kumar, đại diện HĐQT Tập đoàn chia sẻ: “Lễ ký kết mở ra cơ hội hợp tác giữa Huyện Cát Tiên và Tập đoàn TH, nhưng quan trọng hơn là qua đó, chúng tôi được góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện và phát triển sinh kế cho người dân địa phương.

TH là doanh nghiệp đã tạo ra cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2022 này TH tiếp tục giữ vững thị phần sữa tươi số 1 tại Việt Nam. TH hiện đã có đàn bò tiệm cận 70 nghìn con, xác lập kỷ lục thế giới cụm trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao, có quy trình khép kín lớn nhất.

Tuy nhiên, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi hiểu rằng không thể để bất kỳ người nông dân nào ở lại phía sau, và sự kiện ký kết hôm nay là một bước hiện thực hóa chủ trương đó của Tập đoàn”.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.