Xây dựng kế hoạch dài hơi, nâng tầm trên nhiều phương diện
Dưới góc nhìn của cơ quan chuyên môn, ông đánh giá thế nào về công tác chăn nuôi, thú y trên địa bàn Nghệ An trong năm 2022?
Năm 2022 mặc dù đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết khắc nghiệt, chuyển biến khó lường, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn tiến phức tạp. Trong bối cảnh gian nan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đã bám sát chủ trương, kế hoạch của ngành NN-PTNT, của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tìm các giải khắc phục nên vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi Nghệ An năm 2022 ước đạt 4,75%, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp thuần năm 2022 ước đạt 48,05%. Năm qua tổng đàn vật nuôi có xu hướng tăng nhẹ, nhìn chung đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra: Đàn trâu bò 781.528 con, đàn lợn 978.301 con, đàn gia cầm 32.601 con, đàn dê 257.861 con.
Tổng sản lượng các loại sản phẩm ngành chăn nuôi năm qua tiếp tục tăng (thịt hơi xuất chuồng: 285.147 tấn; trứng 660.042 nghìn quả; sữa tươi 283.000 tấn). Toàn tỉnh có đến 941 trang trại chăn nuôi (438 trang trại lợn, 21 trang trại bò, 482 trang trại gia cầm).
Đặc biệt, ngành chăn nuôi thú y Nghệ An đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp "đại bàng" lớn về đầu tư và hình thành nhiều mô hình chăn nuôi công nghệ cao và chăn nuôi theo chuỗi liên kết (6 chuỗi lợn, 6 chuỗi gia cầm và 3 chuỗi bò), điển hình phải kể đến chuỗi giá trị sữa của Công ty CP Thực phẩm sữa TH và Vinamilk, chăn nuôi lợn của Tập đoàn Massan, Công ty CP. Việt Nam, Công ty Tiến Thành, vhăn nuôi gà của CP và Japfa Comfeed.
Năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn khi phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với UBND cấp huyện cùng các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng cầm tay chỉ việc. Nhờ đó quy mô ổ dịch, số gia súc, gia cầm bị bệnh, buộc tiêu hủy năm 2022 giảm thấy rõ so với cùng kỳ năm 2021.
Chi tiết hơn, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ xảy ra 185 ổ thuộc 20 huyện, thành, thị, số lợn chết, tiêu hủy 7.658 con, giảm 3 ổ dịch, giảm 7.992 số lợn tiêu hủy; bệnh viêm da nổi cục xảy ra 9 ổ dịch tại 3 huyện, số gia súc tiêu hủy chỉ vỏn vẹn 12 con, giảm đến 344 ổ dịch, giảm 2.404 số trâu bò tiêu hủy.
Nghệ An nằm trong tốp đầu cả nước trong lĩnh vực chăn nuôi nhưng hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao, công tác tiêm phòng cho vật nuôi tại một số địa phương còn hạn chế, vậy Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, đồng thời trực tiếp chỉ đạo thực hiện ra sao để khắc phục, xử lý và tháo gỡ các nút thắt?
Để khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ.
Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4222/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó xác định những mục tiêu trọng tâm sau:
Tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi bằng cách chuyển từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp ứng dụng công nghệ, công nghệ cao, GAHP, hữu cơ.
Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến, chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó phải đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường trong và ngoài nước, hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc.
Trên phương diện công tác thú y, Chi cục đã tham mưu kiện toàn hệ thống thú y theo Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 23/7/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030”; tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm; tăng cường phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ thấp; địa phương miền núi; tham mưu UBND tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT chỉ đạo, nhắc nhở, phê bình các huyện có tỷ lệ tiêm phòng thấp, tiêm phòng chậm.
Từng bước tháo gỡ nút thắt, nâng tầm môi trường đầu tư đón doanh nghiệp lớn
Mất đi hệ thống “chân rết” là lực lượng thú y cơ sở đã ảnh hưởng như thế nào đến nhiệm vụ chuyên môn chung của ngành chăn nuôi và thú y thưa ông? Chi cục đã xây dựng kế hoạch, phương án như thế nào để lấp chỗ trống? Việc khôi phục lại chức danh thú y xã, khôi phục hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện cấp thiết ra sao?
Nhằm “lấp chỗ trống” do thiếu hụt hệ thống thú y cơ sở, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hàng năm, trong đó có hướng dẫn chi tiết cho UBND các huyện, xã thực hiện nghiêm túc và khẩn trương các nhiệm vụ mang tính cấp thiết.
Để làm tốt hơn công tác chuyên môn, đề nghị UBND cấp huyện, xã bổ sung nguồn ngân sách kịp thời nhằm chi trả đầy đủ phụ cấp cho nhân viên thú y xã. Phải có phương án cử nhân viên thú y xã tham gia các lớp tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thú y, chăn nuôi.
Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan cần sửa đổi, bổ sung các tiêu chí tuyển chọn nhân viên thú y xã để các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình tuyển, đơn cử như nghiên cứu bỏ tiêu chí tuyển dụng lần đầu không quá 40 tuổi, hay tuyển dụng thú y xã có hộ khẩu trên địa bàn cấp huyện sở tại.
"Với điều kiện, tình hình tại Nghệ An việc khôi phục lại chức danh thú y xã là đòi hỏi mang tính cấp thiết. Thực tế chỉ rõ, đội ngũ thú y cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng, họ là mũi nhọn, là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ phận này cùng lúc đảm nhiệm nhiệm vụ tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm; giám sát, phát hiện, chẩn đoán kịp thời dịch bệnh; báo cáo nhanh tình hình dịch, tham mưu UBND cấp xã triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống và dập dịch hiệu quả trong diện hẹp; kiểm soát giết mổ tại địa phương, góp phần đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm", ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
Sau khi HĐND tỉnh chốt phương án “khôi phục lại chức danh thú y xã”, đến nay đã có 377 phường/xã đã bố trí xong (82%), còn 74 phường/ xã (16%) chưa bố trí, có 9 phường (2%) tại TP Vinh bố trí chức danh khác kiêm nhiệm do hoạt động lĩnh vực nông nghiệp không nhiều.
Trong khi đó, nội dung khôi phục hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện theo lộ trình 2022-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 23/7/2021, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương). Nhìn chung, đây là chủ trương lớn mang tính dài hơi, có tính sống còn đối với ngành chăn nuôi, thú y, do đó cần đánh giá chi tiết, kỹ lưỡng trong từng đường đi nước bước.
Như đã nói, hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm phần đa tại Nghệ An, vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào? Theo ông Nghệ An phải làm gì để tiếp tục thu hút doanh nghiệp lớn mạnh vào tham gia đầu tư?
Phải thấy rằng ngành chăn nuôi của tỉnh chưa khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Khách quan có, chủ quan cũng có, Nghệ An phải tính toán để sớm tháo gỡ các nút thắt, qua đó cải thiện năng suất lẫn chất lượng đàn vật nuôi bằng cách triển khai sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành nhiều chuỗi liên kết ổn định trên cơ sở quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Những Doanh nghiệp uy tín, lớn mạnh như Tập đoàn TH, Vinamilk, Massan… đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là đầu kéo kích thích phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lý thuyết là thế nhưng thực tiễn lại là phạm trù khác, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, để thu hút thành công nhất thiết cần có những chính sách thúc đẩy kèm theo. Trước tiên phải bố trí quỹ đất, quy hoạch vùng phùng hợp để đảm bảo phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ môi trường. Cần ưu tiên giao đất, cho thuê đất đối với các cơ sở giống, chăn nuôi trang trại và giết mổ tập trung.
UBND tỉnh cần có chính sách cho thuê đất dài hơi hơn thay vì chỉ gói gọn tối đa 5 năm như hiện tại, như vậy doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi mới có đủ thời gian đầu tư xây dựng và quay vòng đồng vốn, chung quy khi tâm lý, cái đầu thông suốt nhà đầu tư mới có thể tập trung hoạch định dài hơi.
Song song với đó, địa phương phải tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ (Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị Quyết số 13/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An), đan xen với chính sách chung của Trung ương để củng cố, hoàn thiện môi trường đầu tư ngày một hấp dẫn hơn.
Tương tự là khía cạnh tài chính, tín dụng, Nghệ An phải tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa các thủ tục vay tín dụng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển chăn nuôi, tất cả vì một môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả, các bên cùng có lợi.
Xin cảm ơn ông!