| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên: Cà phê hạ giá, nông dân điêu đứng

Thứ Sáu 17/05/2019 , 06:45 (GMT+7)

Tuột mất khỏi mốc 30, những ngày qua cà phê ở Tây Nguyên có nơi chỉ còn giá 29 - 29,5. Cả nông dân lẫn doanh nghiệp làm cà phê đang điêu đứng vì giá cà phê tụt dốc.

Nông dân thua lỗ

Tại Đăk Lăk, người làm cà phê đang đối mặt với bài toán nan giải về giá cả. Năm nay, mùa mưa đến muộn. Mãi đến cuối tháng tư mới có những trận mưa đầu tiên, mà đến lúc này, những trận mưa đó cũng không còn nhiều giá trị vì để bắt đầu mùa vụ mới, người trồng cà phê đã tiến hành tưới nước ngay từ sau Tết Nguyên đán, và họ đã phải tưới từ bốn đến năm đợt mới hoàn thành vụ hoa.

Chi phí cho việc tưới nước ước tính đã tăng hơn mùa vụ 2018 là 20% bởi cùng trong khoảng thời gian đó, giá xăng dầu trong 3 kỳ điều chỉnh liên tiếp gần nhất đều tăng giá và sang tháng tư này, giá điện cũng tăng cao bất thường, mà giá cà phê nhân thì không ngừng sụt giảm.

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang đối mặt nhiều khó khăn khi giá giảm, chi phí cho vật tư sản xuất lại tăng.

Nông dân Trần Lê Quang (đội 4, Nông trường EaSim, xã DliêYa, huyện Krông Năng), cho biết: “Gia đình tôi trồng 1,8ha cà phê. Năm vừa qua thu được gần 6 tấn cà phê nhân. Chi phí tổng thể cho phân bón, nước tưới và thu hoạch ước tính đã hơn trăm triệu, chưa kể lao động của gia đình. Với giá cà phê hiện nay (đã xuống dưới mốc 30 triệu/tấn - PV), phải khó khăn lắm mới đủ chi cho cuộc sống gia đình (được biết, chỉ với việc gửi hai con ra trọ học ngoài trung tâm huyện, mỗi tháng anh phải chi ngót nghét 4 triệu - PV). Với chi phí này, năm nay chắc không còn bao nhiêu”.

Với những công nhân làm cà phê theo diện nhận khoán của nông trường, tình hình càng không mấy khả quan. Anh Lê Ngọc Thái (cũng cùng đội 4) nhận khoán của nông trường 1ha, ngoài các chi phí tương tự, anh còn phải đóng sản cho nông trường 2,6 tấn tươi/ha, tương đương gần 500kg cà phê nhân. Khi được hỏi về thu nhập, anh trả lời mà chẳng cần suy nghĩ: “May lắm thì được ba chục triệu, chưa đóng bảo hiểm!”...

Thị trường cà phê Gia Lai cũng ảm đạm không kém khi mà có nhiều hôm, giá cà phê nhân chỉ còn từ 28,5 - 29, 5 triệu đồng/tấn, ngày 13/5 "rón rén" nhích lên được 31,3 triệu đồng/tấn. Anh Trần Văn Cường (P. Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) có 3ha cà phê thu hoạch từ nhiều năm. Đây là nguồn thu chính cho 3 đứa con nhà anh ăn học. Khi được hỏi về giá cả và sản lượng cà phê năm nay, anh chỉ buồn bã lắc đầu: "Không đáng kể!". "Là sao?". "Không đủ giá thành. Hỏi nhiều!", anh gắt.

Ở thủ phủ cà phê của Gia Lai (xã Ia Sao, huyện Ia Grai), anh Nguyễn Văn Nghiêm có 2ha cà phê. Trong những năm cà phê mất mùa do thời tiết, sâu bệnh thì vườn cà phê của anh vẫn tươi tốt, cho thu hoạch cao. Niên vụ cà phê 2018, toàn ngành cà phê bị mất mùa từ 30 - 40%, cá biệt có nơi sản lượng giảm đến 50% hoặc hơn thế nữa. Tuy nhiên, vườn nhà anh Nghiêm vẫn cho thu 6 tấn nhân/ha (trong khi bình quân chỉ 4 - 4,5 tấn/ha).

Nhiều diện tích vườn cà phê bị bỏ hoang, cháy nắng.

"Do vườn nhà tôi không thiếu nước tưới. Hơn nữa, tôi trồng đúng mật độ quy định, chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn...", anh Nghiêm tươi cười. Tuy nhiên khi hỏi về giá cà phê hiện tại thì nụ cười tắt ngay trên môi: "Với giá hiện tại (31,9 triệu đồng/tấn ngày 15/5 - PV), nếu gia đình nào bỏ sức ra làm, không thuê công nhân thì may lắm là... huề vốn. Mà làm cà phê cỡ vài ba ha trở lên, có ai mà không thuê nhân công, tối thiểu là công đoạn thu hoạch", anh Nghiêm cho biết.
 

Doanh nghiệp khó khăn

Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (trụ sở tại xã Ia H'rung, huyện Ia Grai) là một trong những đơn vị nhiều năm liền "ăn nên làm ra" trên vườn cà phê. Hiện Cty có 800ha cà phê kinh doanh trên tổng diện tích 1.001ha. Cty này được đánh giá là một trong những đơn vị thuộc TCty Cà phê Việt Nam dẫn đầu trong việc tái canh vườn cà phê. Vườn cà phê của Cty luôn tươi tốt và cho năng suất ổn định. Tuy nhiên hòa chung trong "giai điệu" mất mùa của niên vụ 2018, sản lượng của Cty sụt giảm 30 - 40%. "Vẫn còn đỡ đấy, bởi nhiều đơn vị sụt sản lượng đến 50%", Giám đốc Nguyễn Văn Phú nói.

Cà phê ký gửi ứ đọng tại một điểm đại lý.
Hiện trên địa bàn Tây Nguyên đang tồn đọng một lượng lớn cà phê trong dân và ở các đại lý. Phần lớn người làm cà phê chọn hình thức “ký gửi” tại đại lý sau khi thu hoạch, đợi khi được giá mới chốt bán. Nhưng giá cà phê lại liên tục giảm nên cả nông dân lẫn các đại lý vẫn “ghim hàng chờ giá”. Theo đó, thị trường cà phê ảm đạm hơn bao giờ hết...

Năm ngoái mất mùa, năm nay mất giá - điệp khúc muôn thuở của ngành cà phê Việt Nam. Ngày 13/5, theo Giám đốc Phú thì "giá hôm nay 31.300 đồng/kg nhân, trong khi giá thành đã 32 - 33 ngàn. Lỗ!".

Giá giảm sâu, nông dân và doanh nghiệp thua lỗ, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, phải nợ lại doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cõng thêm cái "gánh" vốn dĩ đã quá nặng, nhất là áp lực từ phía ngân hàng.

Cũng theo Giám đốc Phú, hiện vấn đề nợ xấu là rất nhiều do nông sản mất giá. Ngân hàng theo đó cũng thắt chặt vốn vay bằng cách sinh thêm nhiều loại phí. Khó chồng khó cho doanh nghiệp trồng cà phê.

Tuy nhiên trong khó khăn, doanh nghiệp và nông dân - công nhân vẫn luôn sát cánh bên nhau. Hầu hết các doanh nghiệp đều sẻ chia, đồng hành trong gian khó với người lao động. Tuy khó khăn, nhưng Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ trong các ngày lễ trọng. Cty Cà phê 706 thì tổ chức giải bóng chuyền công nhân lao động. Công đoàn TCty thì có chính sách hỗ trợ trong tháng an toàn lao động: Mỗi doanh nghiệp trực thuộc được 5 suất quà dành cho những gia đình có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tai nạn lao động, đau ốm bệnh tật...

"Những động thái trên đã kịp thời động viên người lao động trong lúc khó khăn, giúp họ có thêm niềm tin, thêm gắn bó hơn với doanh nghiệp", Giám đốc Nguyễn Văn Phú chia sẻ.

Gần đây, những biến động về giá cả luôn theo chiều hướng bất lợi cho người làm cà phê khi chi phí đầu vào luôn tăng, còn ở chiều ngược lại, giá bán cà phê lại liên tục “phá đáy”. Hệ lụy kéo theo thật khó lường khi mà 5 năm trở lại đây, diện tích chuyên canh cây cà phê tại Tây Nguyên không ngừng sụt giảm. Nhiều vườn cà phê bị phá bỏ để trồng hồ tiêu, và khi giá hồ tiêu giảm mạnh thì người nông dân lại phá bỏ vườn cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng, trồng bơ... Nhiều diện tích cà phê thoái hóa do không được tái đầu tư đúng mức.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.