Sáng 18/11, tại Dinh Thống Nhất, đã diễn ra Lễ công bố quyết định thành lập chi nhánh Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tại TP.HCM (ACT-HCM) với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Ban lãnh đạo Trung tâm, đại diện Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Vỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam, hàng nhái, hàng giả là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội nhiều năm nay. Vấn nạn này không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe của người dân mà còn triệt đường phát triển của doanh nghiệp, làm xấu đi môi trường đầu tư và kéo lùi phát triển kinh tế quốc gia. Đáng lo ngại là tình trạng trên diễn biến ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Trước vấn nạn trên, nhằm đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, năm 2016, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã thành lập Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam với chức năng là nghiên cứu phát triển công nghệ, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, phương tiện để chống hàng giả, hàng nhái.
“Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ về lĩnh vực này. Thông qua việc phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền thanh tra, trung tâm thực hiện công tác kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ việc thực hiện quy trình áp dụng, ứng dụng công nghệ chống hàng giả trên sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trung tâm còn có nhiệm vụ giám định, giám sát, ứng dụng khoa học - công nghệ để phân biệt hàng thật, hàng giả phục vụ cho hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa. Từ ngày thành lập đến nay, trung tâm đã góp phần không nhỏ trong công tác chống hàng giả, hàng nhái trên khắp Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Minh Vỹ cho hay.
Ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Chi nhánh ACT-HCM cho biết, với sự ra đời của ACT-HCM, trung tâm có thể tận dụng và phát huy mọi nguồn nhân lực tại các địa phương trong khu vực phía Nam để phục vụ cho công cuộc chống hàng nhái, hàng giả.
Ông Thọ cho biết, nhiệm vụ đầu tiên trong thời gian tới là kịp thời phát hành bộ tem chống hàng giả theo phương thức kiểm tra QR Code; tổ chức chương trình truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu; thực hiện đăng ký bản quyền tác giả, nhãn hiệu độc quyền, tem chống hàng giả, đăng ký mã số - mã vạch sản phẩm;...
Thực hiện quy trình áp dụng, ứng dụng công nghệ chống hàng giả trên sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; Phối hợp các cơ quan ban ngành hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hàng giả bảo vệ thương hiệu.