Hải Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, đã quyết định đầu tư vào 4 dự án lớn nhằm cải thiện hạ tầng và bảo vệ người dân trước thiên tai. Các dự án như xử lý sạt lở bờ sông, xây dựng hạ tầng tái định cư và tôn tạo các di tích văn hóa nhận được sự mong đợi lớn từ cộng đồng. Nhưng khi những kết luận thanh tra được công bố, hiện thực lại khác xa so với kỳ vọng.
Kết luận thanh tra số 618/KL-TTr do Thanh tra tỉnh Hải Dương ban hành đã phơi bày hàng loạt vấn đề trong quản lý và thực hiện dự án. Những sai sót bắt đầu từ khâu lập kế hoạch, thẩm định chi phí, cho đến việc giám sát thi công và quyết toán. Đây không chỉ là vấn đề tài chính mà còn liên quan đến chất lượng công trình và sự an toàn của người dân.
Còn nhiều hạn chế, thiếu sót
Thanh tra tỉnh Hải Dương tiến hành kiểm tra, xác minh việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với 04 dự án, công trình. Tổng giá trị các gói thầu xây lắp được thanh tra là 149.969.880.000 đồng.
Trong đó, Dự án Xử lý khẩn cấp các công trình phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tổng mức đầu tư của dự án: 54.200.000.000 đồng; nguồn vốn đầu tư: Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu; hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án; thời gian thực hiện dự án: Năm 2020 - 2021.
Dự án Tu bổ, tôn tạo hạ tầng phía trước đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tổng mức đầu tư của dự án là 21.185.494.000 đồng (Quyết định số 2910/UBND ngày 25/9/2020); tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 34.345.699.000 đồng (Quyết định số 2362/QĐ-UBND ngày 27/10/2023); nguồn vốn đầu tư: Ngân sách tỉnh; hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án; Thời gian thực hiện dự án: 2020-2023.
Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư vùng sạt lở xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh (giai đoạn 1). Tổng mức đầu tư: 29.398.546.000 đồng; nguồn vốn đầu tư: Ngân sách trung ương: 15.090.000.000 đồng; phần kinh phí còn lại: từ nguồn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của tỉnh; hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án; thời gian thực hiện dự án: năm 2020 - 2021.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường gom Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền, huyện Cẩm Giàng. Tổng mức đầu tư của dự án: 59.825.592.000 đồng; tổng mức đầu tư sau điều chỉnh: 94.380.479.000 đồng (Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 17/9/2021); nguồn vốn đầu tư: Ngân sách tỉnh; hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án; thời gian thực hiện dự án: hoàn thành trong năm 2022.
Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều hạn chế trong việc lập dự toán chi phí cho một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, các chi phí như khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh báo cáo này chưa được thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Điều này dẫn đến việc chuẩn bị các báo cáo không đảm bảo tính chính xác, ảnh hưởng đến quá trình quản lý và kiểm soát chi phí dự án.
Trong giai đoạn thi công, nhiều vấn đề về kỹ thuật đã được phát hiện tại dự án xây dựng đường gom Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền, khi công tác khảo sát địa chất chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn tới việc hố khoan không đạt độ sâu theo tiêu chuẩn quốc gia. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình, đặt ra câu hỏi về tính an toàn khi đưa vào sử dụng.
Không chỉ vậy, các bản vẽ thiết kế ở nhiều dự án cũng gặp nhiều sai sót. Tại dự án tôn tạo đền Kiếp Bạc, bản vẽ về hệ thống điện chiếu sáng không thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, gây khó khăn trong thi công và buộc phải điều chỉnh nhiều lần. Kết quả là thời gian hoàn thành kéo dài, và chi phí phát sinh thêm không ít.
Bất cập trong quá trình đấu thầu và ký kết hợp đồng
Bên cạnh các vấn đề kỹ thuật, quá trình đấu thầu và ký kết hợp đồng qua thanh tra cũng có vấn đề bất cập. Cụ thể, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu chưa ghi cụ thể mức tạm ứng và số lần tạm ứng hợp đồng xây dựng là chưa đảm bảo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; hồ sơ mời thầu không quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa được chỉ dẫn về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (vật liệu, vật tư, thiết bị cột đèn, bóng đèn, tủ điện chiếu sáng, vật liệu đá ốp, lát; tôn lượn sóng; khe co giãn, ống cống; ...) dẫn tới khó khăn cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu, chào thầu.
Công tác kiểm tra, rà soát lại tiên lượng, dự toán thiết kế khi lập hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp; trước khi thương thảo, hoàn thiện hợp đồng của Chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu còn hạn chế, chưa phát hiện được dự toán tính sai tăng khối lượng, áp dụng định mức, đơn giá chưa phù hợp làm tăng giá gói thầu, tăng giá trị hợp đồng và tăng giá trị quyết toán công trình
Nghiệm thu, quyết toán chưa chặt chẽ
Cũng theo Thanh tra tỉnh Hải Dương, công tác quản lý thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình không mạch lạc. Trong đó, nội dung ghi nhật ký thi công còn sơ sài, chưa thể hiện đầy đủ diễn biến điều kiện thi công, nhân lực, thiết bị được nhà thầu huy động thực hiện thi công 9 và tình hình nghiệm thu công việc xây dựng hàng ngày (9/9 gói thầu thi công xây lắp được kiểm tra).
Các công đoạn thiết kế cấp phối bê tông và kiểm tra chất lượng mặt đường bê tông cũng chưa đảm bảo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải, dẫn đến chất lượng công trình không được kiểm soát tốt.
Việc thiếu bản vẽ hoàn công chi tiết của hệ thống điện chiếu sáng trong dự án tôn tạo hạ tầng phía trước đền Kiếp Bạc, dẫn tới việc chưa nghiệm thu hoàn thành công trình theo đúng quy định. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình quyết toán hợp đồng mà còn tạo ra rủi ro trong quá trình sử dụng công trình sau này.
Công tác quản lý, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng xây lắp hoàn thành của Chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ dẫn tới nghiệm thu sai tăng giá trị công trình với tổng số tiền 1.216.881.000 đồng (khối lượng dự toán thiết kế tính sai tăng, áp dụng, vận dụng định mức, đơn giá chưa phù hợp: 887.847.000 đồng; khối lượng nhà thầu thi công chưa đảm bảo khối lượng thiết kế, chênh lệch giá trị công tác sản xuất hỗn hợp bê tông nhựa chặt theo thực tế thi công: 329.034.000 đồng).
Giai đoạn kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng, tại thời điểm thanh tra, mặc dù các công trình đã được bàn giao và sử dụng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng vẫn chưa lập báo cáo quyết toán cho 3/4 dự án được kiểm tra, vi phạm quy định tại Điều 47 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP về quản lý và thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Đồng thời, công tác nghiệm thu và thanh toán chi phí xây dựng cũng chưa chính xác, gây ra tình trạng tăng chi phí sau thanh tra với tổng số tiền 1.115.483.000 đồng.
Các hạn chế và thiếu sót được nêu trong kết luận thanh tra đều bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương.