| Hotline: 0983.970.780

Có một trận ‘lũ quét’ giữa lòng sông

Thứ Năm 19/09/2024 , 14:47 (GMT+7)

Ngoài 50 tuổi, ông Nguyễn Đăng Tuấn mới thấy lũ quét trên tivi, nhưng bằng mắt so sánh, có lẽ nó cũng chỉ ghê gớm tựa như nước sông Thái Bình hồi bão số 3.

Ông Nguyễn Đăng Tuấn: 'Như thể có một trận lũ quét vừa qua đây'. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Đăng Tuấn: "Như thể có một trận lũ quét vừa qua đây". Ảnh: Tùng Đinh.

Thoi thóp chờ vụ cá cuối năm

Đã hơn 10 ngày, kể từ lúc cơn bão số 3 quét qua tỉnh Hải Dương, ông Tuấn vẫn đều đặn ra thăm hơn chục lồng nuôi cá chép giòn đặt gần trạm bơm, giáp ranh giữa 2 xã Thái Tân và An Sơn. Ông kể, đến 9/9 thấy cá vẫn bơi tung tăng, lòng đã khấp khởi mừng thầm. Nhưng qua hôm sau, cá bắt đầu ngửa bụng. 5 con, 10 con rồi 1/3 lồng lần lượt phơi “cờ trắng” giữa dòng nước đục ngầu bùn, đất và phù sa.

Lượng bùn lớn trong dòng chảy không chỉ khiến cá mất đi nguồn nước sạch cần thiết mà còn khiến hàng trăm cá thể trong lồng liên tục va đập vào nhau. Ông Tuấn bảo, cá chép giòn thân thể cứng, vững hơn so với cá thông thường, nhưng cũng vì thế mà mỗi cú dập dềnh cùng sóng nước chẳng khác nào một đòn chí mạng vào đồng loại. Cứ tưởng tượng bạn đang được lèn kín trong ô tô, rồi liên tục bị hành khách tứ phía xô cả người vào mặt, vào bụng mà không tài nào tránh được.

Những cá thể nặng 6-7kg dưới lòng sông Thái Bình thậm chí còn chịu đựng hơn thế. Chúng không những phải chịu đau mà còn bị bóp nghẹt nguồn oxy. Theo lời kể của chủ cơ sở, vào mấy ngày đỉnh lũ, hằng hà sa số bèo trôi thành những mảng lớn, dài đến cả trăm mét, mắc rồi tràn vào lồng cá.

Ban đầu bèo ít, ông Tuấn huy động anh em vượt mưa, đội gió ra giải cứu gần chục tỷ đồng dưới mặt nước. Nhưng tới khi mực nước sông dâng lên báo động III vào sáng 11/9, sức người không thể địch nổi thiên nhiên. Lớp lớp bèo quấn chặt vào khung lồng bè, che chặt mặt thoáng. Mấy trăm đầu cá cố ngoi lên mặt nước tìm oxy rồi lại phải thất vọng chìm dần xuống dòng nước xiết, kéo theo bao vốn liếng của gia chủ.

“Tôi chưa thấy lũ quét bao giờ nhưng có lẽ nó chỉ hung dữ đến thế là cùng”, chủ hộ nuôi cá tại huyện Nam Sách cảm thán. Có hôm đỉnh điểm, gạt bèo không thấy cá đâu, ông vội vàng kéo lưới. Nhưng thứ nổi lên lại là vảy, rất nhiều, có lẽ bị bong ra từ mình cá sau những đợt sóng vỗ không khoan nhượng từ cả đáy và tầng mặt.

Cá chết nổi khắp các lồng bè trong đợt mưa do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Ảnh: NVCC.

Cá chết nổi khắp các lồng bè trong đợt mưa do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Ảnh: NVCC.

Câu bình phẩm về lũ quét cũng là câu hai mệnh đề hiếm hoi mà ông Tuấn nói trong khoảng 15 phút trò chuyện. Rất nhiều câu trả lời được ông đưa ra bằng ngôn ngữ cơ thể, thường là lắc đầu hoặc một cái thở dài. Số còn lại đa phần thiếu chủ ngữ, hoặc do nói đứt quãng khiến thanh âm bị lẫn vào tiếng gió. Thành thử 6 tỷ đồng tiền cá (sau khi trừ chi phí) là chi tiết ám ảnh nhất gieo vào đầu người nghe. Người đàn ông có hai hốc mắt trũng sâu, tóc mai gần như bạc trắng nhắc “6 tỷ” đến mấy lần, như thể tự vấn rằng sẽ làm cách nào để giãn được mấy khoản nợ đang lơ lửng trên đầu.

“Gặp nhà báo Trung ương nên hôm nay ông ấy nói nhiều”, Trung - một lao động tại cơ sở của ông Tuấn nhắc khẽ khi ra chỉ con đường ít bùn nhão nhất để lên đê. Đứng kế bên, một lao động khác đang đều tay múc từng chậu cá nhỏ, trút vào xe rùa để san đều ra các lồng. 15 lồng, giờ cơ sở của ông Tuấn chỉ còn đúng 4 lồng cá gối này để cầm cự tới cuối năm, đợi cá lớn rồi đem bán trang trải bớt nợ. Đấy là nghĩ xa, còn gần hơn một chút thì tiền mua đậu tằm vỗ béo lúc cá được 9 tháng thì họ chưa biết xoay xở ra sao.

Cần nhiều hơn những hỗ trợ tái thiết

Trên tuyến đê cấp 1 của sông Thái Bình thuộc địa phận huyện Nam Sách, mấy ngày nay nhộn nhịp người mua kẻ bán. Cứ độ vài tiếng là có một chiếc xe 5 tạ hoặc 1 tấn đến thu mua cá chép, cá trắm, cá rô phi.

Ý tưởng hỗ trợ người dân ấy được UBND, Hội Nông dân huyện và Hội Doanh nghiệp trẻ địa phương manh nha từ 5 ngày trước. Túc tắc cũng tiêu thụ được mấy trăm tấn cá dù giá bán lúc này chỉ như thu hồi vốn.

Trong lúc chờ vụ cá mới, người dân gom cá gối (cá nhỏ, không bị ảnh hưởng do bão), san đều ra các lồng để cầm cự. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong lúc chờ vụ cá mới, người dân gom cá gối (cá nhỏ, không bị ảnh hưởng do bão), san đều ra các lồng để cầm cự. Ảnh: Bảo Thắng.

Chiều 18/9, trong ánh nắng xiêu vẹo sau cơn mưa bất chợt lúc đầu giờ, Lê Quốc Mạnh, xã An Sơn thả phịch người xuống con đường đầy sỏi. Anh vừa “thất bại” sau cuộc thỏa thuận với người mua. Giá loanh quanh 30.000 đồng/kg không hẳn là tồi nhưng yêu cầu là cá phải đạt ngưỡng 5kg trở lên. Nhìn hơn 20 lồng ngổn ngang xác cá to, còn 1 lồng dồn cá loại 2-3kg sót lại sau bão, lông mày anh xoăn tít. Một lúc rất lâu, anh mới từ từ đứng lên và hạ quyết tâm sớm mai đưa cá vào sâu trong các chợ trung tâm của huyện Nam Sách.

“Cá của mình tương đương các hộ xung quanh, không trội hơn nên nếu dưới 5kg thì khó lắm”, anh Mạnh thì thầm.

Thực tế, người như anh Mạnh tại xã An Sơn không phải hiếm. Bí thư xã Nguyễn Xuân Toản nhẩm tính, toàn xã có 26 hộ dân nuôi cá lồng, với khoảng 180 lồng. Nếu bình quân mỗi lồng 5-7 tấn, riêng xã An Sơn đã ngót nghét 500 tấn. Áp lực khủng khiếp ấy làm ai cũng nơm nớp, nhất là khi trong không khí đã phảng phất mùi tựa như đang đứng gần nhà máy sản xuất nước mắm. Càng xuống gần những lồng bè có thiệt hại về cá, thứ mùi ấy lại càng nồng hơn. Ai không quen có thể buồn nôn, chóng mặt tức thì.

Nhưng chóng mặt thế nào, anh Mạnh cũng phải xoay xở tiền lãi vay ngân hàng mua sắm thiết bị từ đầu vụ. Nếu trót lọt, anh cùng 3 người bạn hùn vốn sẽ có trong tay 4 tỷ đồng vào cuối năm. Câu chuyện trả nợ cũng trong tầm tay sau 1, 2 vụ nữa. Bão số 3 đến bờ sông Thái Bình khiến giấc mơ thoát cảnh nợ nần của người đàn ông trạc 30 tuổi phải lùi lại, có khi tới chục năm.

Do cá tràn khỏi lồng, bè rất nhiều, người dân tại khu vực xã Thái Tân tập trung thuyền, lưới để bắt. Ảnh: Tùng Đinh.

Do cá tràn khỏi lồng, bè rất nhiều, người dân tại khu vực xã Thái Tân tập trung thuyền, lưới để bắt. Ảnh: Tùng Đinh.

Sinh hoạt hàng ngày giờ sẽ trông vào mấy sào ruộng màu. Phù sa từ thượng nguồn chắc sẽ giúp thu nhập từ trồng trọt của gia đình anh năm nay khấm khá hơn chút đỉnh. Lạc quan là thế nhưng Mạnh vẫn “đau đầu” với bài toán dài hạn. Liệu anh sẽ thế nào nếu không được chấp thuận vay vốn để tái đầu tư sản xuất? Các cơ sở cung cấp giống, thức ăn có đồng ý mạo hiểm cho anh nợ lần nữa không? Những chính sách hỗ trợ của cả Trung ương lẫn địa phương lúc nào sẽ tìm tới triền đê bên bờ sông Thái Bình?

Muôn vàn câu hỏi vì sao khiến anh Mạnh phải tạm quên bằng cách thỉnh thoảng ra kiểm tra lồng bè. Những chỗ bị bục, méo do ảnh hưởng của bão thì gia cố lại hệ thống dây neo, phao. Chiếc máy sục khí phủ đầy bụi cũng được mang ra lau, chùi chờ ngày cá thả trở lại. Còn khi nào cá xuất hiện ở mấy trăm lồng dọc sông Thái Bình vẫn là câu được chia ở thì tương lai.

Ông Mạc Đăng Mạnh, Trưởng phòng Thủy sản (Sở NN-PTNT Hải Dương) cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 200 vùng nuôi thủy sản tập trung với quy mô từ 5 ha trở lên. Tuy nhiên, hạ tầng các vùng sản xuất còn khó khăn, đặc biệt là giao thông, điện, thủy lợi.

Trong đợt bão số 3 vừa qua, khoảng 560ha nuôi trồng thủy sản của tỉnh bị tràn bờ, trên dưới 400 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng. Một số xã bị thiệt hại nặng về thủy sản có thể kể đến như Thái Tân, An Sơn (huyện Nam Sách), Bình Lãng (huyện Tứ Kỳ)…

Giai đoạn 2021-2025, Sở NN-PTNT Hải Dương triển khai hơn 20 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi thủy sản, trong đó tập trung cải tạo nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội đồng, nạo vét lòng kênh dẫn nước, xây dựng cống điều tiết nước, xây mương tiêu thoát nước, tường kè chắn đất.

Xem thêm
Bộ NN-PTNT làm việc với JICA Việt Nam về các dự án hợp tác nông nghiệp

Sáng 19/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc cùng JICA Việt Nam. Lãnh đạo hai bên có những trao đổi quan trọng về các dự án hợp tác nông nghiệp.

Ứng phó bão số 4: Dân không chấp hành lệnh sơ tán sẽ cưỡng chế

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán dân trước sự cố khẩn cấp.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hải Phòng truyền chất dinh dưỡng cứu cây xanh trong đô thị sau bão số 3

Sau khi dựng lại các cây xanh bị gãy đổ và chằng chống đảm bảo, nhiều cây cổ thụ tại các tuyến phố được truyền chất dinh dưỡng trực tiếp để nhanh hồi phục.