| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương thiệt hại thủy sản khoảng 600 tỷ đồng

Thứ Tư 18/09/2024 , 13:53 (GMT+7)

Đoàn công tác của Cục Thủy sản phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương trực tiếp thị sát tình hình của người dân tại các điểm nuôi cá lồng thuộc địa bàn TP Chí Linh.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân (giữa) và Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương Phạm Thị Đào (phải) kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Cổ Thành, TP Chí Linh. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân (giữa) và Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương Phạm Thị Đào (phải) kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Cổ Thành, TP Chí Linh. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 18/9, đoàn công tác của Cục Thủy sản kiểm tra tình hình sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng do bão số 3.

Báo cáo đoàn công tác, bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, cho biết, tính đến hết ngày 17/9, Hải Dương có khoảng 560ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, khoảng 430 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng. Ước tính thiệt hại về kinh tế đối với riêng lĩnh vực thủy sản khoảng 600 tỷ đồng.

Một số xã bị thiệt hại nặng về thủy sản có thể kể đến như: Thái Tân, An Sơn (huyện Nam Sách), Bình Lãng (huyện Tứ Kỳ)… Nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, sông Kinh Thầy thiệt hại hàng tỷ đồng. Cá biệt có hộ thiệt hại lên đến cả chục tỷ đồng.

Theo bà Đào, vấn đề khó khăn của Hải Dương thời điểm hiện tại khi tái sản xuất sau mưa lũ là con giống. Do mưa lớn, nước tràn cả vào khu nội đồng, nên người dân tại các khu vực nuôi cá lồng ngoài đê chưa tìm được nguồn giống chất lượng, đảm bảo.

Ngoài ra, do chi phí đầu tư vào hạ tầng lồng, bè khá lớn, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, nên người dân vẫn đang chờ chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Trước mắt là giãn nợ, khoanh nợ, tiến tới là đền bù một phần thiệt hại căn cứ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước mắt, Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xuống các địa phương trực tiếp kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Từ ngày 13/9, Sở đã chủ động phối hợp Sở Công thương, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh liên kết, tiêu thụ khoảng 1.000 tấn cá lồng cho bà con.

Cán bộ ngành thủy sản tiến hành lấy mẫu nước trên sông Kinh Thầy để phân tích. Ảnh: Tùng Đinh.

Cán bộ ngành thủy sản tiến hành lấy mẫu nước trên sông Kinh Thầy để phân tích. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, đánh giá, thiệt hại của người dân do bão số 3 gây ra vô cùng lớn.

Trong lúc chờ các chương trình hỗ trợ, ông Luân đề nghị người dân tiếp tục thực hiện thu gom rác thải, chất thải, xác thủy sản chết, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường khu vực ao, hồ, lồng bè nuôi thủy sản.

Kiểm tra lồng bè, các công trình phụ trợ, bờ ao, hồ bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa trước khi sử dụng lại; thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ bệnh cho thủy sản nuôi; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái sản xuất.

Cùng với đó, gia cố, sửa chữa lồng bè chìm, vỡ, neo giữ các lồng bè trôi; gia cố các bờ ao hồ, các đăng lưới để nhanh chóng ổn định sản xuất cho mùa vụ mới.

“Cục Thủy sản đã trực tiếp lấy mẫu nước tại nhiều điểm thuộc khu vực sông Kinh Thầy, trên địa bàn TP Chí Linh, phát hiện môi trường nuôi chưa thực sự ổn định. Đặc biệt, mức độ oxy trong nước tương đối thấp”, ông nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành thủy sản chỉ ra, rằng mật độ nuôi cá lồng của người dân còn khá lớn. Một số hộ thậm chí nuôi tới 10 tấn cá trong lồng. Điều này vô hình trung khiến giá trị kinh tế của bà con bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh toàn ngành thủy sản đang khẩn trương tái thiết sau mưa lũ.

Cơ quan chức năng thực hiện phát tờ rơi đến tận tay các hộ nuôi cá lồng bè. Ảnh: Tùng Đinh.

Cơ quan chức năng thực hiện phát tờ rơi đến tận tay các hộ nuôi cá lồng bè. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện là giữa tháng Tám âm lịch. Thời gian đến Tết nguyên đán không còn nhiều. Do đó, Cục trưởng Cục Thủy sản đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương rà soát nhu cầu về lượng cá giống, báo cáo Bộ NN-PTNT để Trung ương có những chương trình hỗ trợ kịp thời.

Trong sáng 18/9, Cục Thủy sản cũng phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương phát tờ rơi hướng dẫn các quy trình kỹ thuật về xử lý lồng bè sau mưa lũ. Đại diện cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con dán tờ rơi tại nơi dễ nhìn, giúp nhiều người lao động trên lồng, bè có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, trước khi bước vào vụ nuôi trồng mới.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.