So với các đội bóng lớn khác tại Anh, Man Utd nằm trong số bảo thủ nhất trong quan điểm về vai trò của HLV. Thời Alex Ferguson, HLV tại Old Trafford giữ vai trò của một nhà quản lý, hơn là một chiến lược gia, chỉ huy chiến thuật. Ông thầy người Scotland là thiên tài về tổ chức đội bóng, chuẩn bị và triển khai kế hoạch, cũng như thích ứng với mọi tình huống, và khai thác tối đa năng lực cầu thủ.
Tuy nhiên, chưa bao giờ Ferguson được đánh giá cao về chiến thuật. Hẳn những người yêu bóng đá vẫn không quên hình ảnh đôi tay run cầm cập của ông ở chung kết Champions League mùa 2010-2011 gặp Barca. Khi ấy, "Quỷ đỏ" lép vế hoàn toàn và chơi như kẻ mộng du trước sức mạnh áp đảo của đối thủ.
Những đỉnh cao nhất của Ferguson cùng Man Utd cũng nhuốm màu may mắn, điển hình là màn lội ngược dòng trong vòng 3 phút trước Bayern Munich năm 1999 hay vô địch châu Âu nhờ cú sút luân lưu hỏng ăn của John Terry năm 2008. Dẫu vậy, thành công quá lớn của nhà cầm quân sinh năm 1946 tại Ngoại hạng Anh, với 13 danh hiệu trong vòng 27 năm khiến người ta dễ dàng quên đi tồn tại ấy.
Ferguson may mắn nhưng điều ấy không xuất hiện nơi Ole Gunnar Solskjaer. Ngày nhà cầm quân người Na Uy thắng như chẻ tre ở nửa cuối mùa 2018 - 2019 và được ký hợp đồng dài hạn, CĐV Man Utd cho rằng họ đã tìm được người kế vị xứng đáng cho Alex Ferguson. Nhưng rốt cuộc, đó vẫn chỉ là kỳ vọng, bởi học trò của Ferguson không có "chân mệnh thiên tử" như người thầy.
Ông toàn thua ở các trận chung kết, bất chấp việc được đánh giá cao hơn. Để rồi, khi cơ hội trở lại đỉnh cao tưởng như nằm trong tầm tay mùa này với sự xuất hiện của những nhà vô địch như Cristiano Ronaldo, Raphael Varane, Solskjaer đánh mất tất cả và trả giá bằng chiếc ghế HLV.
Thất bại của Solskjaer, thực tế, đã được dự báo từ trước. Ông giữ quan điểm làm việc theo mô hình cũ, nghĩa là HLV chỉ giữ vai trò hoạch định chiến lược, truyền cảm hứng cho học trò, thay vì tạo ra những phát kiến chiến thuật và kiên trì tìm nhân tố phù hợp. Cách tuyển quân của cựu HLV Molde cũng y chang Ferguson. "Quỷ đỏ" vài năm qua mua người bằng niềm tin, rằng đó là cầu thủ phù hợp, thay vì đánh giá họ bằng những báo cáo, thống kê như cách Liverpool, Man City đã làm.
Harry Maguire, Aaron Wan-Bissaka, Daniel James, hay Jadon Sancho đã tới Old Trafford theo cách như vậy. Giống Ferguson, Solskjaer muốn làm hồi sinh "ADN Man Utd" bằng những cầu thủ đến từ Vương quốc Anh và Bắc Âu. Là một học trò của Ferguson, Solskjaer được bảo đảm chỗ đứng nếu đi theo con đường cũ. Nhưng dòng chảy của bóng đá hiện đại đã cuốn phăng tất cả, bởi chiến thuật mới là yếu tố tối quan trọng lúc này.
Những HLV giỏi nhất hiện nay như Pep Guardiola, Jurgen Klopp, Thomas Tuchel, Diego Simeone, hay Antonio Conte đều là bậc thầy chiến thuật. Mỗi khi đấu với Man Utd của Solskjaer, họ đều dễ dàng bóp nghẹt ý tưởng chơi bóng, khiến "Quỷ đỏ" chơi thiếu tổ chức như một đội hạng hai.