| Hotline: 0983.970.780

Thắt chặt hậu kiểm, cung cấp đủ thực phẩm an toàn cho Hà Nội

Thứ Tư 17/01/2024 , 19:54 (GMT+7)

Việc được cấp chứng nhận không có nghĩa mọi sản phẩm đều đảm bảo chất lượng. Do đó, cần thắt chặt công tác hậu kiểm để đảm bảo nguồn cung an toàn cho Hà Nội.

Ngày 17/1, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức kiểm tra nguồn cung đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, nguồn cung phục vụ nhu cầu hàng ngày và dịp Tết Nguyên đán 2024 cho người dân Thủ đô hoàn toàn được đảm bảo. Ảnh: Trung Quân. 

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, nguồn cung phục vụ nhu cầu hàng ngày và dịp Tết Nguyên đán 2024 cho người dân Thủ đô hoàn toàn được đảm bảo. Ảnh: Trung Quân. 

Nguồn cung thực phẩm an toàn cho Hà Nội không thiếu

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi Cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội thông tin, trung bình mỗi tháng, nhu cầu sử dụng gạo của người dân thành phố hơn 96.000 tấn; thịt lợn 19.500 tấn; thịt trâu, bò hơn 5.300 tấn; thịt gia cầm 6.500 tấn; trứng 130 triệu quả; thủy sản hơn 19.000 tấn; thực phẩm chế biến hơn 5.000 tấn; rau, củ hơn 107.000 tấn; trái cây 56.000 tấn.

Khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS) của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với thịt, trứng gia cầm. Các nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 20 - 70%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.

Hiện tại, Sở NN-PTNT Hà Nội và 43 tỉnh thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 100% các chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc tương đương. Trong đó, 40% số chuỗi có ít nhất 1 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO 22000…

Các chuỗi đã cung ứng cho Hà Nội mỗi tháng hơn 92.000 tấn rau, củ, quả; hơn 13.000 tấn thịt; hơn 31 triệu quả trứng; hơn 11.000 tấn thủy sản; hơn 232.000 tấn gạo, lương thực, nông sản khác. Do đó, nguồn cung phục vụ nhu cầu hàng ngày và dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới hoàn toàn được đảm bảo.

Đoàn công tác kiểm tra hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì). Ảnh: Trung Quân.

Đoàn công tác kiểm tra hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì). Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, UBND, Sở NN-PTNT Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch về việc tăng cường quản lý công tác đảm bảo ATTP; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, lấy mẫu, cảnh báo nguy cơ, hậu kiểm chất lượng sơ chế, chế biến, kinh doanh NLTS; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

Tăng cường hậu kiểm các cơ sở được cấp chứng nhận an toàn

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các hoạt sản xuất, sơ chế, chế biến, buôn bán sản phẩm NLTS an toàn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì); Công ty TNHH Green chicken (giết mổ gà), khu công nghiệp Hà Bình Phương, Thường Tín; cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc chuỗi Sói Biển - Trung thực (phố Trần Bình, Bắc Từ Liêm).

Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đánh giá, tất cả các đơn vị đều tích cực xây dựng phương án nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết từ 10 - 30% và đảm bảo đúng các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP.

Kiểm tra hoạt động giết mổ gà tại Công ty TNHH Green chicken, khu công nghiệp Hà Bình Phương, Thường Tín. Ảnh: Trung Quân.

Kiểm tra hoạt động giết mổ gà tại Công ty TNHH Green chicken, khu công nghiệp Hà Bình Phương, Thường Tín. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch cho sản phẩm, các đơn vị cần cụ thể hóa hơn nữa những ràng buộc, yêu cầu giữa các bên tham gia chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, sơ chế, chế biến sản phẩm để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc được chi tiết nhất. Bên cạnh đó, nâng số lượng cán bộ được đào tạo về chuyên môn để giám sát hoạt động sản xuất, quản lý kho lạnh; cải tiến hệ thống cơ sở vật chất, nhất là hệ thống khử trùng, cách ly. Đối với cơ sở kinh doanh cần có phương án chi tiết, cụ thể hơn nữa việc xử lý những sản phẩm sắp và hết hạn sử dụng…

Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường lưu ý, việc đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán đã được Hà Nội chủ động lên phương án từ sớm nên không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, việc thực thi chương trình quản lý chất lượng tiên tiến tại một số cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến… vẫn còn hạn chế, đối phó.

Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là địa phương cần thường xuyên giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở để các cơ sở thay đổi nhận thức, hiểu rõ chương trình quản lý chất lượng ra đời không phải để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước mà hơn ai hết là đảm bảo uy tín, chất lượng, minh bạch, ATTP cho chính cơ sở. Từ đó, hành động thực thực chất, tránh đối phó, gian dối.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang thực hiện công tác tiền kiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản suất, kinh doanh. Những cơ sở được cấp các chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO… không bị các cơ quan quản lý kiểm tra đánh giá, định kỳ giám sát theo tần suất.

Theo ông Ngô Hồng Phong, các cơ quan quản lý Hà Nội cần thắt chặt hơn nữa công tác hậu kiểm đối với những cơ sở đã được cấp chứng nhận an toàn. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Ngô Hồng Phong, các cơ quan quản lý Hà Nội cần thắt chặt hơn nữa công tác hậu kiểm đối với những cơ sở đã được cấp chứng nhận an toàn. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, việc được cấp chứng nhận không có nghĩa mọi sản phẩm đều đảm bảo chất lượng. Do đó, các cơ quan quản lý Hà Nội cần thắt chặt hơn nữa công tác hậu kiểm đối với những cơ sở đã được cấp chứng nhận. Bởi lẽ, nếu công tác này không được làm nghiêm thì chính những chứng nhận đó sẽ là bình phong cho các đơn vị gian dối né tránh hoạt động kiểm tra, giám sát.

Ông Ngô Hồng Phong nhấn mạnh, trong quá trình hậu kiểm, nếu phát hiện những cơ sở được cấp chứng nhận và cơ quan cấp giấy chứng nhận có dấu hiệu vi phạm, không thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy định cần khẩn trương báo cáo với Bộ NN-PTNT thông qua Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để kịp thời xử lý.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67

Kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dâng hương tưởng niệm Người tại Nhà 67.

250 người mắc kẹt trên đèo Khánh Lê do sạt lở

Khánh Hòa Đèo Khánh Lê trên tuyến Quốc lộ 27C đoạn qua xã Sơn Thái (Khánh Vĩnh) bị sạt lở làm giao thông chia cắt, 37 xe với khoảng 250 người mắc kẹt ở khu vực này.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.