2 bếp ăn miễn phí ở 2 điểm trường
Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao. Địa hình phức tạp, đời sống kinh tế còn khó khăn nên học sinh đến trường gặp nhiều vất vả. Để nâng bước các em đến trường, nhiều huyện đã tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi. Trong đó, kinh phí nấu ăn bữa trưa, nuôi dưỡng các em từ nguồn xã hội hoá, hoặc do chính giáo viên góp tiền, tổ chức tăng gia sản xuất... Mô hình này đã giúp rất nhiều em không thuộc diện bán trú được chăm sóc tại trường như những em thuộc đối tượng bán trú.
Điểm trường Kon Pia (Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) có 87 em học sinh không thuộc diện bán trú. Do nhà xa điểm trường, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên nhiều em phải nghỉ học, ở nhà đi làm phụ giúp gia đình. Để ngăn dòng học sinh nghỉ học, năm học này, Trường Tiểu học xã Đăk Hà chính thức mở bếp ăn để nấu ăn trưa miễn phí cho 87 em học sinh nói trên. Bếp ăn xây dựng bằng tôn, rộng khoảng 20m2, là nơi 5 giáo viên tổ chức nấu ăn trưa miễn phí cho 87 học sinh là con em đồng bào Xơ Đăng. Tại đây, có những phụ huynh hôm nào rảnh thì sắp xếp công việc, đến giúp các cô cùng nấu ăn cho các cháu.
Sau khi nấu ăn tại bếp, thức ăn sẽ đưa lên điểm trường để các em ăn, sau đó nghỉ lại tại trường thay vì phải đi bộ về nhà như trước. Có mặt tại đây lúc 10 giờ, chúng tôi chứng kiến phụ huynh và giáo viên tất bật chuẩn bị đồ ăn trưa. Bếp than đỏ lửa, nồi thịt kho được nấu thơm lừng. Bữa ăn được dọn sẵn với đầy đủ thịt, cá, canh, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Đúng 11 giờ, các em đồng loạt ngồi vào bàn ăn.
Cô giáo Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà cho biết, đây là năm đầu tiên trường mở bếp ăn để nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh điểm trường Kon Pia. Ngoài điểm trường Kon Pia, năm nay, trường sẽ tiếp tục duy trì bếp ăn trưa miễn phí tại điểm trường Ty Tu (xã Đăk Hà) và đưa học sinh nghèo, mồ côi về trường nuôi dưỡng như đã triển khai từ những năm học trước. “Năm học này, trường sẽ nấu ăn trưa miễn phí và đưa về trường nuôi dưỡng khoảng hơn 170 em học sinh. Ngoài nguồn hỗ trợ của quỹ trò nghèo vùng cao, thì các thầy cô sẽ tăng cường chăn nuôi, trồng rau để có thêm kinh phí triển khai, duy trì những công việc này”, cô Hồ Thị Thùy Vân cho biết.
Hàng nghìn học sinh được nuôi dưỡng
Mô hình bán trú dân nuôi cũng được triển khai mạnh mẽ tại 2 huyện Kon Rẫy và Ia H’drai (tỉnh Kon Tum) với hàng nghìn em được hưởng lợi.
Tại huyện biên giới Ia H’drai, có không ít các em học sinh mà nhà ở cách trường hàng chục cây số, lại không thuộc diện bán trú nên việc đến trường rất khó. Trước tình cảnh đó, các trường giúp đỡ bằng việc giữ học sinh nghèo, nhà xa trường ở lại nuôi dưỡng từ thứ 2 đến thứ 6. Thời gian ở lại trường, các em được trường nấu ăn, chăm sóc, dạy kèm.
Tại huyện biên giới này, có 2 trường tiên phong triển khai mô hình bán trú dân nuôi từ 5 năm nay, đó là Trường TH- THCS Nguyễn Tất Thành (xã Ia Tơi) và Trường TH- THCS Hùng Vương (xã Ia Đal) với hơn 100 em được nuôi dưỡng.
Tại Trường TH- THCS Nguyễn Tất Thành, khu lưu trú phục vụ các em ở lại trường ăn học gồm có 7 phòng, được đầu tư khang trang, đặc biệt khu vực nhà bếp được đầu tư thoáng đãng và rộng rãi. Tại đây, các em sắp xếp đồ đạc ngay ngắn và cùng nhau học tập. Mỗi ngày đôi lần, các thấy cô giáo đến khu lưu trú hỏi thăm, hướng dẫn học tập.
Em Thi Thị Kim Đào (Lớp 7A, Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành) cho biết, nhà em cách trường hàng chục cây số, đến trường bằng phương tiện... đón xe khách, chi phí đi lại hết sức tốn kém. Từ hai năm qua, em được trường giữ lại nuôi dạy từ thứ hai đến sáu. “Thời gian ở lại trường, các em được trường chăm sóc chu đáo, được ăn uống đầy đủ. Thầy cô cũng thường xuyên hướng dẫn em học thêm, hướng dẫn mọi mặt trong sinh hoạt, vui chơi. Em biết ơn thầy cô đã tạo điều kiện cho em được đến trường”, Kim Đào xúc động nói.
Theo thầy Quách Văn Vương, Hiệu trưởng trường TH- THCS Nguyễn Tất Thành thì năm nay, theo nguyện vọng của phụ huynh, trường giữ lại nuôi dạy 67 em không thuộc đối tượng được hưởng chế độ bán trú. Đây là những em có nhà cách trường từ 35 đến 45km, phụ huynh không thể đưa đón con em mình đi và về trong ngày. Trong thời gian các em ở lại trường, nhà trường phân công giáo viên trực tiếp quản lý, dạy kèm. Ngoài ra, các em sẽ được trường tổ chức nấu ăn thêm buổi tối.
“Chi phí nuôi dưỡng các em ở lại trường một phần từ chế độ hỗ trợ bán trú, một phần do trường tự tổ chức tăng gia sản xuất như nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau để cải thiện bữa ăn. Phụ huynh cũng rất nhiệt tình và thể hiện trách nhiệm thông qua việc đồng hành với nhà trường, cụ thể như thường xuyên hỗ trợ các loại thực phẩm có sẵn như rau, củ, quả, măng rừng, có khi là con gà hoặc cá tươi đánh được từ sông suối... Giữ các em ở lại trường học tập sẽ khiến thầy cô thêm chút vất vả. Tuy nhiên ai cũng thấy vui, thấy hạnh phúc vì đã đóng góp chút công sức cho các em đến trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các em được học tập”, thầy Vương chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng GD - ĐT huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) cho biết, năm học này, các trường trên địa bàn cũng đang tổ chức nấu ăn trưa miễn phí cho khoảng hơn 1.000 em học sinh không thuộc diện bán trú. Chi phí nấu ăn trưa cho các em ngoài Dự án nuôi em tài trợ, còn có sự đóng góp công sức của các thầy cô giáo, và của cả các bậc phụ huynh trong việc tự tay nấu ăn, sắp xếp chỗ nghỉ trưa, hoặc tăng gia sản xuất để cải thiện thêm chất lượng bữa ăn. Nhờ đó, hơn 1.000 học sinh được tiếp sức đến trường, không còn vất vả như trước.
UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024- 2025. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh và phát huy mô hình bán trú dân nuôi tại các trường học vùng sâu… nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.