| Hotline: 0983.970.780

Thí điểm vay vốn không thế chấp cho doanh nghiệp triển khai 1 triệu ha lúa

Thứ Năm 07/11/2024 , 14:53 (GMT+7)

ĐBSCL Các ngân hàng sẽ triển khai chương trình thí điểm cho vay vốn ưu đãi, giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn vốn trung dài hạn, phát triển chuỗi liên kết lúa gạo.

Ngày 6/11, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng một số lãnh đạo ngân hàng thương mại có chuyến khảo sát, tìm hiểu nhu cầu vay vốn, nhằm hỗ trợ, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo và các hợp tác xã ở 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khảo sát nhu cầu vay vốn triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Công ty Trung An. Ảnh: Kim Anh.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khảo sát nhu cầu vay vốn triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Công ty Trung An. Ảnh: Kim Anh.

Tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty bày tỏ mong muốn được tiếp cận các khoản vay trung dài hạn để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến.

Cụ thể, bên cạnh cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư xây dựng thêm nhà máy, kho chứa, silo trữ lúa, máy sấy… phục vụ liên kết, tiêu thụ lúa gạo thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Theo kế hoạch triển khai đề án, Công ty Trung An đang xây dựng chuỗi liên kết khoảng 15.000ha ở TP Cần Thơ và 50.000ha ở vùng Tứ Giác Long Xuyên (thuộc tỉnh Kiên Giang).

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đề nghị Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) là đơn vị đầu mối, phối hợp cùng một số ngân hàng thương mại nhà nước khác, triển khai thí điểm chương trình cho vay trung dài hạn thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Trong đó, Công ty Trung An được lựa chọn là doanh nghiệp thí điểm, sau đó nhân rộng ra nhiều doanh nghiệp khác ở vùng ĐBSCL.

Tại huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Chơn Chính là một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo có tiềm lực, đang tham gia chuỗi liên kết, bao tiêu lúa gạo cho nông dân, quy mô khoảng 2.000ha.

Đặc biệt, doanh nghiệp đã thực hiện liên kết, thu mua toàn bộ sản lượng lúa của HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, đang triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Lãnh đạo Công ty Chơn Chính mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, với điều kiện thuận lợi là không cần tài sản thế chấp. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo Công ty Chơn Chính mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, với điều kiện thuận lợi là không cần tài sản thế chấp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Giám đốc Công ty Chơn Chính chia sẻ, 10 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 150.000 tấn gạo, mang về doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.

Do phần lớn sản lượng gạo của doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu, dòng tiền về chậm, trong khi đó, nguồn vốn hiện có lại đang gặp khó vào thời điểm thu hoạch rộ. Nguồn tài chính vì thế phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Hiện Công ty Chơn Chính có năng lực sản xuất từ 450.000 - 500.000 tấn lúa/năm (tương đương khoảng 250.000 tấn gạo). Doanh nghiệp đang xây dựng kho chứa công suất 50.000 tấn và đầu tư thêm hệ thống sấy khoảng 1.000 tấn/giờ, nhu cầu về nguồn vốn trung dài hạn khoảng 100 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty Chơn Chính mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, với điều kiện thuận lợi là không cần tài sản thế chấp.

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.

Cùng ngày, đoàn làm việc với HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đây là HTX đang tham gia mô hình thí điểm quy trình canh tác thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT).

Hiện HTX có 95 thành viên, canh tác 447ha, phần lớn thành viên đều có nhu cầu vay vốn để mua vật tư nông nghiệp, thiết bị cơ giới hóa hướng tới sản xuất bền vững theo đề án.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi bày tỏ mong muốn, các ngân hàng tham gia hỗ trợ tín dụng cho đề án cần xem xét giảm lãi suất hoặc đưa ra mức lãi suất phù hợp (có thể dưới 1%) để hỗ trợ bà con.

Bởi theo ông Hùng, đặc thù nông dân trồng lúa, sản xuất theo mùa vụ, nhu cầu nguồn vốn không cao. Trong khi đó, hiện nay đa phần bà con đều “nợ” tiền vật tư của đại lý, với mức lãi suất khoảng 2% trong 4 tháng/vụ.

Qua các kiến nghị, ông Đào Minh Tú đề nghị doanh nghiệp xây dựng ngay kế hoạch triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đảm bảo tính khả thi cao. Với sự hỗ trợ, quản lý của nhà nước, các ngân hàng sẽ mạnh dạn triển khai chương trình tín dụng.

Nhiều ngân hàng đồng hỗ trợ tín dụng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ đảm bảo tính minh bạch, công khai và giải quyết tích cực nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều ngân hàng đồng hỗ trợ tín dụng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ đảm bảo tính minh bạch, công khai và giải quyết tích cực nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

“Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, nhu cầu vốn trung và dài hạn đang rất cần cho hiện tại và quá trình triển khai sắp tới. Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp lúa gạo phải xem đây là cơ hội, phải cùng hợp tác sâu hơn. Trong đó, ngành ngân hàng phải thể hiện quyết tâm, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất để đề án đi vào cuộc sống”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Việc nhiều ngân hàng đồng tham gia hỗ trợ tín dụng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch, công khai và giải quyết tích cực nhu cầu nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Ông Tú nhấn mạnh, không chỉ doanh nghiệp mà bà con nông dân cũng có nhu cầu mở rộng diện tích trồng lúa và cần những khoản vay nhất định. Các ngân hàng sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai trong thời gian sắp tới, để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tích cực xây dựng cơ chế, chính sách cho các ngân hàng thương mại để thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Đặc biệt, Agribank là đơn vị được giao triển khai thí điểm chương trình ưu đãi tín dụng này. Hiện đơn vị đã ban hành tất cả các văn bản hướng dẫn, tập huấn cho các ngân hàng trên địa bàn 12 tỉnh, thành ĐBSCL triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank trao đổi với báo chí xoay quanh chương trình thí điểm ưu đãi nguồn vốn phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Agribank là đơn vị đầu mối. Ảnh: Kim Anh.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank trao đổi với báo chí xoay quanh chương trình thí điểm ưu đãi nguồn vốn phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Agribank là đơn vị đầu mối. Ảnh: Kim Anh.

“Chúng tôi không đặt ra một con số cụ thể gói vay ưu đãi. Tuy nhiên, tôi khẳng định nhu cầu vốn cho đề án cần bao nhiêu, ngân hàng sẽ tham gia đáp ứng một cách tích cực. Đây là một trong những chương trình có ý nghĩa chính trị xã hội, kinh tế rất lớn đối với ĐBSCL. Trách nhiệm của ngành ngân hàng phải tập trung vốn, cơ chế chính sách để ưu tiên tổ chức thực hiện tích cực, đảm bảo mục tiêu đặt ra”, ông Tú bày tỏ.

Việc triển khai thí điểm chương trình ưu đãi dành cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các chủ thể tham gia chuỗi liên kết sẽ được giảm thiểu đáng kể điều kiện vay vốn, đặc biệt là vấn đề tài sản thế chấp. Đồng thời, được thụ hưởng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi thấp, nguồn vốn nhiều và thời gian dài hơn.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.