| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 25/10/2022 , 11:08 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 11:08 - 25/10/2022

Thị trường trái phiếu và đồng tiền liền khúc ruột

Thị trường trái phiếu nếu không được giám sát kỹ lưỡng sẽ phát sinh nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tài sản và cuộc sống của người dân.

Sau khi khởi tố và bắt giam nữ đại gia Trương Mỹ Lan, hệ thống ngân hàng SCB đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và hoạt động ổn định, đúng như khẳng dịnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: “Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB thì đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp”.

Tuy nhiên, một hệ lụy không nhỏ từ vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến lao lý của bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh thời gian gần đây, chính là việc phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định pháp luật.

Trái phiếu là một dạng chứng khoán vay nợ của doanh nghiệp với khách hàng. Người nắm giữ trái phiếu không có quyền tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp như người nắm giữ cổ phiếu, nên luôn được ưu tiên giải quyết quyền lợi khi doanh nghiệp có sự cố ngoài tiên liệu.

Thị trường trái phiếu nếu không được giám sát kỹ lưỡng sẽ phát sinh nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tài sản và cuộc sống của người dân. Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành tháng 9/2022 cũng sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập, đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Người dân mua trái phiếu hầu như không có khả năng tường tận về tiềm lực tài chính lẫn quy mô của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, mà chủ yếu tin cậy vào sự tư vấn và bảo lãnh của ngân hàng.

Phổ biến nhất là tình trạng nhân viên ngân hàng mồi chài người dân chuyển tiền tiết kiệm sang mua trái phiếu để có lãi suất cao hơn. Khi xảy ra biến động thị trường trái phiếu, người dân tự trách mình đã không biết kiềm chế lòng tham, nhưng không lẽ ngân hàng và doanh nghiệp phát hành trái phiếu lại hoàn toàn không có trách nhiệm gì?

Đồng tiền liền khúc ruột, không ai muốn sở hữu trái phiếu để bị trắng tay. Kẻ nào sai phạm phải gánh chịu sự chế tài của pháp luật. Còn thị trường trái phiếu cần một giải pháp giảm thiểu thiệt hại tối đa cho người mua trái phiếu, tránh gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Thị trường trái phiếu mà nhà đầu tư loay hoay trong tâm lý “một mất mười ngờ” sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước. Ở các quốc gia dồi dào tài chính, khi có diễn biến xáo trộn, Chính phủ lập tức thu mua trái phiếu doanh nghiệp để khống chế tình hình chung. Việt Nam chưa đủ điều kiện để thực hiện điều ấy, vẫn có thể triển khai động thái cân bằng quyền lợi cho các bên.

Cách tháo chuông nằm ở người treo chuông. Thị trường trái phiếu quyết định bằng quan hệ giữa người mua trái phiếu, ngân hàng và doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thì ba đối tượng này cần đạt thỏa thuận chung với nhau, thông qua vai trò “trọng tài” của Nhà nước. Người sở hữu trái phiếu khi không còn yên tâm nắm giữ trái phiếu, thì có thể bán lại cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức chiết khấu nhất định, và ngân hàng có nghĩa vụ xử lý các giao dịch.