| Hotline: 0983.970.780

Chính trị

Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp & PTNT

Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp & PTNT

Ngày Truyền thống là dịp mỗi người chúng ta nhìn lại ngành mình, đơn vị mình và chính bản thân mình. Nhìn lại để tích thêm năng lượng mới, cảm xúc mới, động lực mới...

LTS:

Nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2021), đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thư chúc mừng. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu:

Trên hành trình 76 năm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vượt qua nhiều thách thức, thiết lập những mốc son, vững chãi vai trò “trụ đỡ” khi đất nước ở vào tình thế gian khó.

Bao thế hệ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành chung tay viết nên kỳ tích của nền nông nghiệp, từ xuất phát điểm thấp đến tiếp cận xu hướng hiện đại, đổi mới không ngừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng hoa lan tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng hoa lan tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Và mỗi chúng ta càng cảm thấy tự hào, đóng góp một phần công sức, trí tuệ của mình, vì sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống của Ngành, đại diện Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới các đồng chí, đồng nghiệp lời cám ơn chân thành, lời chào thân tình, lời chúc mừng tốt đẹp.

Ngày Truyền thống là dịp mỗi người chúng ta nhìn lại ngành mình, đơn vị mình và chính bản thân mình. Nhìn lại để tích thêm năng lượng mới, cảm xúc mới, động lực mới, tiếp tục cống hiến cho nông nghiệp nước nhà và cho hàng chục triệu bà con nông dân.

Bên cạnh kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, chúng ta cùng nhau xây dựng thái độ sống và làm việc tốt hơn. Thái độ tích cực giúp chúng ta gần gũi, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau, vượt qua khoảng cách, khác biệt để cùng hướng về mục tiêu chung, vững niềm tin chuyển đổi nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp “đa giá trị”.

Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người chúng ta quyết không chấp nhận đứng yên, dừng lại, rồi bị xô ngã. Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người chúng ta chủ động mượn sức gió để đi xa, bay cao. Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người, mỗi tổ chức đơn vị cần mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mới, sáng kiến mới, thí điểm triển khai những mô hình mới. Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người chúng ta trân quý khoảng thời gian cùng nhau gắn bó, cùng nhau làm việc, cùng nhau đi tới thành công.

Người nông dân là chủ thể, là trung tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người nông dân là chủ thể, là trung tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chặng đường “tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh và người nông dân thông minh, làm chủ khoa học kỹ thuật” sắp tới, chúng ta tiếp tục nhận được sự ủng hộ, động viên của các thế hệ đi trước và sự hỗ trợ, đồng hành của hàng triệu bà con nông dân, các doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng,…

Chúng ta không đi một mình mà đi cùng nhau. Đó là điểm tựa của mỗi chúng ta khi đối mặt với những thách thức phía trước: “biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng”, cùng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, của dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi.

Chung tay thực hiện sứ mệnh đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững và thịnh vượng, chúng ta vừa tự hào tiếp nối truyền thống 76 năm lịch sử vẻ vang của Ngành, vừa làm tốt nhất công việc của ngày hôm nay, chuẩn bị chu toàn cho ngày mai. Lời nhắn gửi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, lời văn bình dị “Bố mẹ tôi là nông dân, và tôi sinh ra ở nông thôn” nhắc nhở về trách nhiệm và bổn phận trong mỗi chúng ta.

Thân chúc các đồng chí, đồng nghiệp cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Thân ái!

Lê Minh Hoan
Xem thêm

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm