| Hotline: 0983.970.780

Thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại gửi Chủ tịch/Tổng thư ký Các Tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới và thư gửi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện các nước

Thứ Hai 09/06/2014 , 11:08 (GMT+7)

Ngày 6/6/2014, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Việt Nam đã có Thư chính thức gửi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện các nước, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới và các tổ chức liên nghị viện khác thông báo về tình hình Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông, bày tỏ sự cảm ơn và đề nghị nghị viện, các tổ chức quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này.

Thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
 gửi Chủ tịch/Tổng thư ký 
Các Tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới

Hà Nội, ngày 6 tháng 6 năm 2014

Kính gửi: Ngài Chủ tịch/Tổng thư ký
Các Tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới

Thưa Ngài Chủ tịch/Tổng thư ký,

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin gửi tới Ngài lời chào trân trọng và xin gửi tới Ngài thông cáo khẩn thiết của Quốc hội Việt Nam:

Từ ngày 01.5.2014 đến nay, Trung Quốc với lực lượng hộ tống mạnh mẽ của hàng trăm tàu chấp pháp, tàu chiến và máy bay quân sự đã đưa và đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông; làm tổn hại sâu sắc tới tình hữu nghị, đoàn kết láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng!

Quốc hội và nhân dân Việt Nam rất phẫn nộ, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia thiêng liêng của mình. Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ thiện chí, sử dụng các biện pháp đấu tranh hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam, tiếp tục  gia tăng hành động xâm phạm ngày càng nguy hiểm hơn; sử dụng sức mạnh đe dọa, thậm chí cố ý đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đâm, va, làm hư hại nhiều tàu và gây thương vong cho lực lượng chấp pháp và ngư dân của Việt Nam.

Thưa Ngài,

Nhân dân Việt Nam hiểu rõ và trân trọng giá trị cao quý của hòa bình, độc lập, tự do và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng tôi chủ trương kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trong những ngày vừa qua, các vị lãnh đạo quốc gia, nghị sĩ, nghị viện nhiều nước và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã bày tỏ quan ngại về hành động nguy hiểm của Trung Quốc và lên tiếng ủng hộ, chia sẻ, đoàn kết với Việt Nam. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của mình.

Vì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới, vì những mục tiêu cao cả mà các tổ chức Nghị viện trên toàn thế giới đều hướng tới, chúng tôi trân trọng đề nghị các Tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ lập trường chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam, có biện pháp cần thiết, lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, rút ngay giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 và các lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Một lần nữa, xin gửi đến Ngài lời chào trân trọng nhất.

TRẦN VĂN HẰNG

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam

___________________

Thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại 
gửi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện các nước

Hà Nội, ngày 6 tháng 6 năm 2014

Kính gửi: Ngài Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện các nước

Thưa Ngài Chủ tịch,

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin gửi tới Ngài Chủ tịch lời chào trân trọng và xin trân trọng gửi tới Ngài chủ tịch thông cáo khẩn thiết của Quốc hội Việt Nam:

Từ ngày 01.5.2014 đến nay, Trung Quốc với lực lượng hộ tống mạnh mẽ của hàng trăm tàu chấp pháp, tàu chiến và máy bay quân sự đã đưa và đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.

Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng!

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dân Việt Nam cực lực phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (năm 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã tham gia ký kết; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; làm tổn hại sâu sắc tới tình hữu nghị đoàn kết láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam chúng tôi đã hết sức kiềm chế, kiên trì sử dụng những biện pháp đấu tranh hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, kiên quyết đòi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng ra khỏi vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, lập lại hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Các cá nhân, tổ chức quốc tế và lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, đoàn kết với Việt Nam, phản đối các hành động sai trái nói trên của Trung Quốc.

Đến thời điểm này, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng, Trung Quốc tiếp tục thực hiện ý đồ xác lập chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và để hiện thực hóa đường 9 khúc phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Nguy hiểm hơn, đã xảy ra các vụ tàu của Trung Quốc chủ động áp sát, đe dọa, đâm, va, làm hư hại, chìm tàu, gây thương vong cho lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam.

Thay mặt Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi trân trọng đề nghị Ngài Chủ tịch, các vị Nghị sĩ Quốc hội Quý quốc cùng đồng hành với Quốc hội Việt Nam, với nhân dân Việt Nam, kịp thời có biện pháp cần thiết, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam, bảo vệ những giá trị hòa bình chung của nhân loại, tôn trọng, bảo vệ giá trị của luật pháp quốc tế về nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia; gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển; yêu cầu Trung Quốc đình chỉ những việc làm sai phạm, rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Xin gửi đến Ngài lời cảm ơn chân thành và lời chào trân trọng nhất.

TRẦN VĂN HẰNG

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm