| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

Thứ Ba 24/12/2024 , 08:47 (GMT+7)

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nhắc đến vùng đất Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh những ngọn núi trập trùng, những bản làng mờ sương và cuộc sống chật vật của người dân vùng cao. Nhưng giờ đây, mảnh đất này đang thay đổi từng ngày nhờ sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Hướng phát triển nông nghiệp của Si Ma Cai

Không phải ngẫu nhiên mà Si Ma Cai chọn nông nghiệp làm nền tảng phát triển. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ, huyện Si Ma Cai đã xác định nông nghiệp là trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế. Các loại cây ăn quả ôn đới như mận Tả Van và lê Tai Nung (lê VH6) được chọn làm cây trồng chủ lực, bởi chúng không chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.

Huyện Si Ma Cai triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thiên Trường.

Huyện Si Ma Cai triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thiên Trường.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, hiện nay toàn huyện đã phát triển được khoảng 1.500ha cây mận, lê, trong đó có hơn 600ha đã cho thu hoạch. “Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, mà còn chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Đây là hướng đi lâu dài và bền vững”, ông Kiên chia sẻ.

Bên cạnh cây ăn quả, Si Ma Cai còn triển khai các mô hình trồng gừng, rau trái vụ, cây dược liệu và chè cổ thụ, phát triển cây trồng chống xói mòn đất như cây hạt dẻ, tạo nên sự đa dạng trong sinh kế. Các chính sách hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hóa đã góp phần giúp người dân tiếp cận giống mới, kỹ thuật hiện đại và vốn đầu tư ban đầu.

Điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp

Nằm giữa những dãy núi hùng vĩ của Si Ma Cai, xã Lùng Thẩn không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa mà còn là một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp. Từ một xã nghèo với diện tích đất canh tác chủ yếu dành cho ngô, lúa, Lùng Thẩn giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả ôn đới lớn nhất nhì huyện.

Hơn tám năm trước, khi ý tưởng phát triển cây ăn quả ôn đới lần đầu được đề xuất, nhiều người dân ở Lùng Thẩn (lúc ấy vẫn là hai xã Lùng Sui và Lử Thẩn) chưa thể hình dung rằng đó sẽ là con đường đưa họ thoát nghèo. Ngày ấy, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chỉ nhằm mục đích tự cung tự cấp, là thói quen của bà con. Việc chuyển sang canh tác quy mô lớn, hướng đến thị trường tưởng chừng là điều không tưởng.

Người dân ở xã Lùng Thẩn thu hoạch mận Tả Van. Ảnh: Thiên Trường.

Người dân ở xã Lùng Thẩn thu hoạch mận Tả Van. Ảnh: Thiên Trường.

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, kể lại: “Năm 2016, khi mô hình cây ăn quả ôn đới bắt đầu triển khai, bà con thờ ơ lắm. Chúng tôi phải kiên trì giải thích, hướng dẫn để từng hộ dần hiểu lợi ích lâu dài. Cũng không ít lần thất bại, nhưng rồi ai cũng phải thử vì không còn đường nào khác để thoát nghèo”.

Khi đó, diện tích cây ăn quả chỉ vỏn vẹn 15ha, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, cùng những chính sách hỗ trợ từ nhà nước và sự hợp tác của người dân, diện tích cây ăn quả đã tăng lên theo từng năm, và dự kiến đạt 500ha trong vài năm tới. Từ thử nghiệm nhỏ lẻ, cây ăn quả đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn chia sẻ: “Toàn xã hiện có khoảng 438ha cây ăn quả ôn đới, tăng gấp 10 lần so với chục năm trước. Đây là thành quả từ sự nỗ lực không ngừng của bà con và sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền các cấp. Nhờ cây ăn quả, nhiều hộ đã thoát nghèo, thậm chí hướng đến làm giàu”.

Niềm vui của gia đình ông Hảng Seo Chùa, ở thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn khi cây mận Tả Van được mùa. Ảnh: Thiên Trường.

Niềm vui của gia đình ông Hảng Seo Chùa, ở thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn khi cây mận Tả Van được mùa. Ảnh: Thiên Trường.

Nếu trước đây, mỗi hecta trồng ngô, lúa chỉ mang lại thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi năm, thì nay, cây mận Tả Van và lê VH6 đã giúp người dân Lùng Thẩn thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng/ha. Không chỉ vậy, trong năm vừa qua, tổng thu nhập từ cây ăn quả của xã đã đạt hơn 15 tỷ đồng. Đây là một con số đáng mơ ước đối với một xã vùng cao từng thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Nghiên cứu ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ khoáng tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường góp phần nâng cao giá trị mận Tả Van ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thiên Trường.

Nghiên cứu ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ khoáng tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường góp phần nâng cao giá trị mận Tả Van ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thiên Trường.

Thí nghiệm nghiên cứu tác dụng của phân bón hữu cơ Lào Cai đến năng xuất, chất lượng mận Tả Van. Ảnh: Thiên Trường.

Thí nghiệm nghiên cứu tác dụng của phân bón hữu cơ Lào Cai đến năng xuất, chất lượng mận Tả Van. Ảnh: Thiên Trường.

Ông Hảng Seo Sình, ở thôn Seng Sui, cho biết năm 2012, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 3ha đất trồng ngô sang trồng lê Tai Nung nhờ sự hỗ trợ của Chương trình 135. Sau bốn năm chăm sóc, những cây lê đầu tiên đã cho quả ngọt, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 40-60 triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại, ông Sình còn đầu tư trồng thêm mận Tả Van và áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ từ năm 2022, giúp sản lượng tăng gấp đôi so với hai năm trước.

“Giờ đây, từ mảnh đất cằn cỗi trước kia, vườn cây ăn quả đã giúp gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn, của để”, ông Sình vui mừng chia sẻ.

Những thôn như Seo Sui, Nàng Cảng, Lử Thẩn - vốn nằm heo hút trên những ngọn đồi cao giờ đã trở thành những vùng chuyên canh cây ăn quả trù phú. Vợ chồng ông Hảng Seo Sủ và bà Giàng Thị Chư, dù không thạo tiếng phổ thông, vẫn hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm mảnh vườn rộng gần 1ha trồng mận Tả Van và lê VH6 của gia đình.

Nhờ anh Thèn Văn Trai, cán bộ khuyến nông xã Lùng Thẩn phiên dịch mà tôi hiểu được, trong lời kể đầy vui vẻ, ông Sủ, bà Chư cho biết, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, năm vừa qua gia đình họ đã thu nhập khoảng 60-80 triệu đồng từ vườn cây ăn quả, chưa kể nguồn lợi từ chăn nuôi trâu, gà, lợn.

Gia đình bà Giàng Thị Chư ở thông Seng Sui, xã Lùng Thẩn tích cực chăm sóc, cải tạo cây ăn quả ôn đới nhằm tăng giá trị, sản lượng trên diện tích canh tác. Ảnh: Thiên Trường.

Gia đình bà Giàng Thị Chư ở thông Seng Sui, xã Lùng Thẩn tích cực chăm sóc, cải tạo cây ăn quả ôn đới nhằm tăng giá trị, sản lượng trên diện tích canh tác. Ảnh: Thiên Trường.

Bệ phóng cho hành trình phát triển bền vững

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển nông nghiệp, Lùng Thẩn và nhiều xã khác của Si Ma Cai đã khéo léo kết hợp trồng cây ăn quả với du lịch sinh thái. Vào mùa xuân, khi hoa lê, hoa mận nở rộ, những thung lũng ở Lùng Thẩn trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. 

Năm 2024, nhờ thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm, các hộ dân tại Lùng Thẩn đã thu được hơn 5,5 tỷ đồng từ các hoạt động liên quan đến du lịch. Du khách không chỉ thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn được thưởng thức những trái mận, lê tươi ngon, tham gia hái quả và tìm hiểu cuộc sống của người dân vùng cao.

Có thể thấy, giữa lòng Tây Bắc hùng vĩ, Si Ma Cai đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhưng bền vững. Ông Thền Mạnh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, khẳng định: “Huyện đang tập trung xây dựng các chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đặc biệt chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao giá trị và sản lượng nông sản”.

Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng Si Ma Cai đã tìm thấy con đường riêng để thoát nghèo. Trên đường trở về, chúng tôi vẫn không quên ánh mắt lấp lánh niềm tin của người dân nơi huyện vùng cao này. Từ những mùa quả ngọt, cuộc sống nơi đây đã đổi thay từng ngày. Những nếp nhà ẩn mình trong làn sương sớm giờ không còn hiu quạnh mà ngập tràn tiếng cười nói, tiếng trẻ nhỏ nô đùa.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

2 người tử vong sau tiếng nổ lớn trong vườn nhà dân

Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An vừa xảy ra vụ việc thương tâm khiến 2 người chết, 1 người bị thương.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.