Công tác cung cấp thông tin dự báo cho chủ hồ trong việc vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện thời gian qua được nhà nước triển khai, điều này khác với một số quốc gia trong khu vực. Tại Nhật Bản, việc quản lý an toàn hồ đập giao cho Bộ Đất đai hạ tầng giao thông, công tác dự báo được gửi từ các văn phòng đặt tại lưu vực sông.
Tại Trung Quốc, việc cung cấp thông tin về lưu vực sông và hồ chứa được thực hiện thường xuyên giữa các tỉnh, họ thay các chủ hồ để cung cấp dịch vụ vận hành. Các công ty tư nhân là đơn vị cung cấp dịch vụ, phải đối chiếu các kết quả vận hành với cơ quan quản lý nhà nước, hai bên phải phối hợp với nhau để vận hành.
“Hiện nay chúng ta chưa có quy định rõ ràng trong việc vận hành hồ, đập. Việc cung cấp số liệu, dữ liệu thuộc trách nhiệm thuộc của cơ quan khí tượng thủy văn, chúng ta không thể đòi hỏi các chủ đập, mỗi hồ có một quy trình vận hành”, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam chia sẻ.
Đối với quy trình vận hành liên hồ, không thể có hồ chứa riêng lẻ khi thực hiện quy trình vận hành nằm trong hệ thống thủy điện hay một lưu vực sông. Việc vận hành đơn lẻ như vậy sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành chung “anh này vận hành chính xác, anh kia không có quy trình vận hành chính xác, cứ xả nước ào ào xuống thì các công trình ở dưới phải xả nước theo, đó là tồn tại chúng ta phải tính toán và xem xét”, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Để đảm bảo tốt công tác phòng chống thiên tai, chúng ta cần phải tiếp cận theo hướng hệ thống lưu vực sông, phải xác định đây là việc của nhà nước. Trên thực tế hiện nay rất ít chủ hồ làm được như vậy (ngay cả những chủ hồ lớn như hồ Hòa Bình trên sông Đà cũng phải thuê dịch vụ tư vấn).
Việc cung cấp các dự báo chính xác vẫn chưa thể thực hiện được vì muốn làm được công tác dự báo, các cơ quan quản lý phải được cung cấp các số liệu về địa hình, thủy văn hằng năm. Địa hình, thủy văn lưu vực luôn có sự thay đổi, ví dụ như chúng ta làm thêm một con đường, làm thêm một cái hồ phía trên lập tức hệ thống thay đổi, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng thông tin.
"Nghị định 114 yêu cầu các chủ đập phải lắp thêm các trạm quan trắc mưa, việc lắp các trạm quan trắc sẽ là quá sức đối với các chủ đập, đã có một số chủ đập tiến hành việc thu thập các số liệu mưa, xong cũng chẳng để làm gì", ông Dũng nhấn mạnh.
Có rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác an toàn hồ, đập, một trong những vấn đề đó là công tác đánh giá an toàn đập, bảo trì cơ sở thông tin và kinh tế. Ví dụ về quy định tỷ lệ % kinh tế dành cho việc bảo trì và công tác vận hành chúng ta vẫn bỏ ngỏ.
Qua cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua công tác vận hành tại các thủy điện, hồ chứa bộc lộ những hạn chế nhất định. Do đó, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần sớm rà sát và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xã hội hóa các mô hình tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ vận hành.
Để nâng cao năng lực vận hành, theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, các thủy điện, hồ chứa cần phải nâng cao năng lực quản lý, vận hành, trong thời gian tới mỗi lưu vực sông lớn cần có một hệ thống vận hành đồng bộ, gắn trách nhiệm của mỗi cơ quan liên quan đến công tác vận hành.
Ví dụ ở miền Bắc gắn với Viện Khí tượng thủy văn, ở miền Trung có đại học Bách khoa Đà Nẵng, ở miền Nam có Viện Khoa học thủy lợi miền Nam. Họ sẽ là các đầu mối cung cấp dịch vụ vận hành cho hồ, đập.