| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập của nông dân Hà Nội năm 2018 ước đạt 46,5 triệu đồng

Thứ Tư 16/01/2019 , 19:23 (GMT+7)

Chiều 16/1, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội đã tổng kết công tác năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội ông Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2018 ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 43.708 tỷ đồng (giá thực tế), bằng 104,71% so với năm 2017. Cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản chiếm 52,86%; trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 42,7%; dịch vụ chiếm 4,44%.

Một nông dân nuôi cá cảnh ở ngoại thành.

Về xây dựng nông thôn mới, thành phố đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, ngoài ra năm 2018, có 4 huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đang hoàn thiện thủ tục để trình các cấp xem xét, công nhận. Đối với xã nông thôn mới, thành phố có 325/386 xã đã đạt và đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 323 xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn), về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Ở một chiều sâu hơn, Hà Nội còn có 3 xã Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 46,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (đầu năm 2016), xuống còn 1,81% (cuối năm 2018)...

Tuy nhiên Chương trình 02 cũng còn một số hạn chế, tồn tại là công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm... Đối với xây dựng nông thôn mới, chủ yếu vẫn là vốn ngân sách Nhà nước; việc huy động nguồn lực xã hội ở một số địa phương còn thấp; hạ tầng kỹ thuật nông thôn một số nơi vùng xa trung tâm còn khó khăn; công tác điều chỉnh quy hoạch và lập quy hoạch chi tiết ở một số địa phương còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ...

Nhiều ý kiến đại diện cho các sở, ngành; huyện, thị xã đã thảo luận, đóng góp ý kiến, chỉ ra những khó khăn, hạn chế và kiến nghị thành phố có giải pháp tháo gỡ cho Chương trình 02 năm 2019. Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới thành phố đạt được. Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, ông Sửu yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ.

Trong xây dựng nông thôn mới, quan tâm phát triển toàn diện kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho người dân. Đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, các huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục duy trì và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tập trung nguồn lực để giúp các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành vào năm 2020. Tập trung đầu tư có hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới còn nhiều xã chưa đạt như: Trường học, văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm. Các địa phương còn vướng mắc trong thực hiện dồn điền đổi thửa khẩn trương giải quyết dứt điểm những tồn tại theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến hết năm 2019, Hà Nội có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.