Thưa ông, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa yêu cầu Tập đoàn CNCSVN sớm củng cố đoàn kết nội bộ, đồng thời đẩy mạnh tổ chức SXKD nhằm tăng năng suất, sản lượng. Với hai yêu này ông phải giải quyết sao cho hài hòa?
Phải khẳng định hai việc này vừa trước mắt vừa lâu dài. Đoàn kết, đó là yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng ta từ nhiều năm nay nên tôi nghĩ bất cứ một đơn vị nào cũng luôn chú ý điều đó. Đó là công việc thường ngày của mọi cán bộ, đảng viên.
Việc thứ hai là đẩy SXKD. Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là hoạch định chiến lược, nếu không trong quá trình phát triển có khi vấp ngã mà không lường được. Còn việc điều hành chiến lược đó để Tập đoàn CNCSVN đi lên là nhiệm vụ của ban giám đốc, ban điều hành chứ không phải là công việc của riêng Chủ tịch HĐQT.
Năm nay ngành cao su đã có chiến lược nhưng chiến lược 5 năm tới hay dài hơn nữa, nhất là khi đứng trước những thách thức lớn của thị trường, đứng trước tính chất của công việc đa ngành thì chưa có. Hơn bao giờ hết, tôi thấy Tập đoàn CNCSVN đang rất thuận lợi về xu hướng, nhu cầu, giá cả. Nhưng làm sao trong hoạch định chiến lược của HĐQT, phải quy hoạch, đào tạo ngắn hạn, dài hạn được đội ngũ cán bộ cùng bắt nhịp với thời cuộc. Đó là cái khó nhất.
Chiến lược là vấn đề lớn. Nhưng việc cụ thể nhất mà Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt ra là áp dụng KHCN vào ngành cao su để nâng cao năng suất, sản lượng mủ. Ông sẽ định hướng việc này ra sao?
KHCN là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển. Trong những năm gần đây Tập đoàn CNCSVN có định hướng đúng, ứng dụng nhiều tiến bộ KHCN hiện đại vào sản xuất. Nếu cách đây 10 năm năng suất cao su chỉ 8 tạ, hay 1,1-1,2 tấn/ha thì nay đã là 1,7- 1,8 tấn/ha và đã có nhiều điển hình 2 tấn/ha. Thành tựu này ghi nhận việc ứng dụng KHCN vào trong sản xuất.
Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ dừng lại ở đó trong sự phát triển hiện nay sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Làm sao để KHCN của Tập đoàn CNCSVN là hạt nhân, là điển hình cho các ngành kinh tế khác học tập. Những vùng phát triển cao su ổn định, phù hợp về sinh thái thì cần xúc tiến thêm công nghệ để tăng năng suất. Nhưng vùng mới hoặc sắp trồng cao su thì sao? Và thực tế đang đặt ra việc phát triển cao su ở vùng Tây Bắc, thậm chí gần đây là Đông Bắc.
Vừa làm công tác quản lý nhà nước, vừa làm kinh doanh trong vai trò Chủ tịch HĐQT một tập đoàn kinh tế lớn. Ông sẽ phân bổ công việc ra sao, và “ưu tiên” vai trò nào hơn? Ở nước ta đã có 4 trường hợp Bộ trưởng, Thứ trưởng kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT, và tôi là người thứ 5 trong vai trò này. Thực ra làm đúng chức năng của Chủ tịch HĐQT thì chỉ có một số việc, chứ không phải quá nhiều việc như ban giám đốc, ban điều hành. Nhiều nước đầu tư vào VN, Chủ tịch HĐQT của nhiều công ty cũng đâu có mặt ở VN, thậm chí họ còn làm Chủ tịch HĐQT cho nhiều tập đoàn. Tôi tin chiến lược đặt ra tốt và với sự nỗ lực của toàn tập thể Tập đoàn CNCSVN thì ngành cao su càng phát triển mạnh mẽ.
Mâu thuẫn nội tại đang diễn ra trong ngành cao su: Giá nguyên liệu cao su cao (bình quân 40 triệu/tấn) và bản thân ngành công nghiệp chế biến cao su phải chịu áp lực về giá nguyên liệu đầu vào?
Đây là cái yếu nhất của đất nước ta mà không riêng gì ngành cao su. Thủ tướng cũng trăn trở câu hỏi này và nói với chúng tôi nhiều lần. Phải XK với giá trị cao chứ tập trung XK thô thì người ta “ăn” hết thôi! Tôi nghĩ đội ngũ khoa học đất nước mình hoàn toàn có thể tiếp thu, thích nghi và ứng dụng ngay được những tiến bộ kĩ thuật KHCN tự làm ở trong nước. Nguồn lực có nhưng thời gian qua mình làm chưa tốt những việc này.
Mục tiêu của Chính phủ phát triển thêm 100.000 ha cao su ở khu vực Tây Nguyên đến năm 2010. Tuy nhiên, ngành cao su cũng đang gặp khó khăn về đất đai. Tập đoàn CNCSVN giải bài toán này ra sao?
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đưa ra ý tưởng đến 2010 mở rộng và phát triển được 700.000 ha cao su. Bây giờ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra mục tiêu 1 triệu ha vào năm 2015. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi, không có gì khó đối với đất nước ta. Nhưng trước đây đất đai không phải là vấn đề lớn, còn giờ đây lại là điểm mấu chốt. Vậy giải quyết thế nào?
Có 3 giải pháp: Thứ nhất, nhanh chóng quy hoạch được 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), làm rõ quỹ đất để xác định nơi nào có thể trồng cao su. Thứ hai, cây cao su phải có tên gọi chính xác chứ cả thế giới đã gọi cao su là cây lâm nghiệp, còn VN thì chưa. Đây là việc mà Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện để trình Chính phủ nhằm tháo gỡ. Thứ ba, làm sao để người dân tham gia vào chương trình trồng cây cao su trên toàn quốc. Đồng thời biến một bộ phận nông dân thành công nhân trồng cao su và hưởng lợi ngay trên chính miếng đất của họ.
Xin cảm ơn ông!