Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta cần bình tĩnh, lắng nghe tình hình, đặc biệt là dự báo của Ban Chỉ đạo quốc gia để từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn nữa, những yêu cầu để phục công tác chống dịch kịp thời hơn nữa, huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực…
“Làm sao máy móc, thiết bị, sinh phẩm phục vụ chống dịch không được thiếu thốn, làm sao nguồn nhân lực, nhất là những chiến sĩ áo trắng có mặt khi cần thiết, kịp thời, tập trung hơn. Tăng cường thông tin tới người dân hơn nữa để người dân cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Trên tinh thần quyết liệt, không được chủ quan, lơ là, địa phương nào, ngành nào không có trách nhiệm, không thực hiện tốt chủ trương phòng chống dịch hiện nay sẽ được kiểm tra, xử lý nghiêm khắc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với các đô thị lớn, đông dân như TP. Hà Nội, TP.HCM, nếu để lây nhiễm thì sẽ rất nguy hiểm. Do đó, cần đặt ra những biện pháp mạnh, quyết liệt để khoanh vùng, xử lý ổ dịch là rất quan trọng.
Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, đợt dịch lần này với ổ dịch là thành phố Đà Nẵng, đặc biệt tâm dịch lớn nhất là tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh.
Đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 186 trường hợp mắc Covid-19, chủ yếu tập trung vào các khoa điều trị bệnh nhân nặng như Nội Thận Tiết niệu, Hồi sức tích cực, Nội Thần kinh. Trong đó, có 19 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân và đã có lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong bệnh viện ra cộng đồng với 18 trường hợp.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, đã có 20 trường hợp được phát hiện ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác là các trường hợp đi tham quan, du lịch, làm việc tại TP Đà Nẵng.
Nhận định về các ca lây nhiễm tại Đà Nẵng trong đợt dịch lần này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đợt dịch lần này lây nhiễm ở nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là lây nhiễm trong gia đình, lây cho người quen, thường xuyên tiếp xúc, lây qua các sự kiện như đám ma, đám giỗ, đám cưới với hoạt động ăn uống tập thể đồng thời cũng xuất hiện nhiều điểm lây nhiễm đáng lo ngại khác như bến xe, trường học, công ty và các cơ sở y tế...
“Đặc biệt là lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến, số lượng trường hợp mắc theo cụm gia đình rất cao, tính đến thời điểm hiện tại có 78 trường hợp trong 27 cụm gia đình. Bên cạnh đó, do đặc điểm các hộ gia đình ở Việt Nam sống chung nhiều thế hệ, nên nguy cơ người già, trẻ em bị nhiễm bệnh trong gia đình là rất cao. Hiện tại, tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 là 2,7%, người già trên 60 tuổi là 30,6%”, ông Nguyễn Thanh Long cho hay.
Cũng theo ông Long, đến nay dịch bắt nguồn từ Đà Nẵng đã lan ra 12 tỉnh, thành phố. Trong thời gian vừa qua, những người đi từ tâm dịch Đà Nẵng đã được các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát và xét nghiệm, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM có nhiều người di chuyển qua các địa điểm của Đà Nẵng có nguy cơ lây nhiễm cao nên khả năng phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại Hà Nội là rất cao.
Ông Long dự báo, trong thời gian tới, số trường hợp mắc Covid-19 sẽ tiếp tục gia tăng từ 30-40 ca mắc/ngày và dự kiến đến khoảng sau 15/8 (qua 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội), số trường hợp mắc mới bắt đầu có xu hướng giảm.
Tính đến 6h ngày 7/8, Việt Nam, có tổng cộng 750 ca mắc Covid-19, trong đó 312 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 298 ca. 10 ca tử vong là những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền nguy hiểm như suy thận mạn tính, suy tim, ung thư máu giai đoạn cuối...