| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ Hai 15/01/2018 , 21:01 (GMT+7)

Chiều 15/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị, nhìn nhận các cán bộ trong ngành KH&ĐT luôn là người lính xung kích trong đổi mới tư duy kinh tế, đã đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ phát triển đất nước qua từng thời kỳ, Thủ tướng cho rằng, những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội có sự đóng góp lớn của ngành KH&ĐT với vai trò là tham mưu trưởng về kinh tế-xã hội, là tổ trưởng tổ kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Bộ KH&ĐT đã làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, thể hiện vai trò cơ quan đầu mối tham mưu, điều phối công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô. Bộ cũng đã đề xuất bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là các giấy phép con, cản trở doanh nghiệp phát triển lâu nay. Từ đề xuất của Bộ KH&ĐT, nhiều bộ, ngành trình sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Bộ KH&ĐT đã tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những văn bản luật quan trọng, khắc phục tình trạng chồng chéo, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch trong bối cảnh cả nước có tới 19.000 quy hoạch.

Về cải cách, đổi mới phương pháp làm việc và nội dung công việc, Thủ tướng ghi nhận Bộ KH&ĐT đã thể hiện sự năng động, có đổi mới, cải cách trong nội bộ, trong từng công việc, nhiệm vụ được giao, nhanh nhạy hơn, nắm bắt kịp thời hơn tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cho rằng nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT 2018, của quá trình tiếp tục đổi mới mạnh mẽ đất nước là rất nặng nề, Thủ tướng nêu một số vấn đề trọng tâm về tồn tại, hạn chế, yếu kém và phương hướng nhiệm vụ của năm 2018 để Bộ KH&ĐT “làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm rõ hơn nữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong công tác kế hoạch hóa; vai trò của công tác kế hoạch và chống bao cấp, xin-cho; công tác kế hoạch và xã hội hóa nguồn lực…

Trong kế hoạch toàn diện của đất nước, của địa phương, điều gì Nhà nước phải đặc biệt quan tâm? Thủ tướng đặt bài toán cho Bộ KH&ĐT cũng như yêu cầu trả lời câu hỏi làm sao Việt Nam có thể trở thành “con hổ kinh tế mới” khi mà các tiềm năng, lợi thế của chúng ta được ví như “cô gái đẹp đang ngủ quên”.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phát triển bền vững, không để lạm phát phá vỡ kinh tế vĩ mô như đã mắc phải cách đây không lâu. Phải thực hiện tam giác phát triển: Kinh tế, xã hội, môi trường, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai nghèo cùng cực, “làm sao đất nước hạnh phúc, dân tộc phồn vinh chứ không chỉ là giới chủ phồn vinh”. Làm sao giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là từ nguồn lực tư nhân và từ nước ngoài có chọn lọc. Làm sao giá trị gia tăng phải cao hơn chứ không thể chỉ làm nguyên liệu thô như hiện nay. Đây là những vấn đề Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT phải trả lời.

Yêu cầu làm tốt công tác tham mưu, tổng hợp, điều phối chính sách vĩ mô, Thủ tướng cho rằng, phải nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Bộ KH&ĐT phải làm một cỗ máy tinh vi, là khối óc sáng suốt tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực này.

Phải khẩn trương hoàn thành các dự án luật được giao với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo. Phải thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết 01 để có kịch bản tăng trưởng cho quý I/2018 và các quý tiếp theo, “đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác thống kê, tổng hợp, phân tích dự báo, hoàn thành phương pháp tính GDP với tinh thần tính đúng, tính đủ quy mô khi mà “người ta nói Việt Nam bỏ lọt GDP, không tính kinh tế phi chính thức, tới 30%”.

Nêu thực trạng thực hiện thủ tục đầu tư, giao vốn đầu tư công còn rất chậm; công tác tổng hợp của Bộ KH&ĐT chưa nghiêm túc, hiệu quả và nhiều quyết định giao vốn phải đính chính số liệu, Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác này, đừng để hậu quả xảy ra rồi mới khắc phục.

Năm 2018, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ đạo từng lãnh đạo Bộ, vụ, cục, đơn vị, từng cán bộ công nhân viên chức tập trung khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đầu tư công. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội sửa đổi, khắc phục bất cập của Luật Đầu tư công, làm sao vừa chống thất thoát vừa tạo thuận lợi cho các địa phương, khi hiện nay có những phản ánh từ phía địa phương cho rằng, có một số điều khoản khiến kéo dài thời gian làm thủ tục.

Bộ KH&ĐT cùng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng phương án huy động nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành…

Thủ tướng và các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu để bảo đảm công khai minh bạch, đừng để mang tiếng trong đấu thầu, thi công công trình dự án, không để xảy ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ”. Đây là một tồn tại kéo dài, cần khắc phục hiệu quả. Xử lý nghiêm các vi phạm, không để tình trạng rút ruột công trình, thi công kém chất lượng, không bảo đảm an toàn hiệu quả.

Nêu rõ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mới chỉ đạt kết quả bước đầu, Thủ tướng cho rằng, phải đẩy mạnh hơn, phải làm sao năm nay phấn đấu có 150.000 doanh nghiệp mới được thành lập.

Tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của Bộ KH&ĐT và hệ thống ngành KH&ĐT. "Chính phủ đề ra phương châm hành động “10 chữ” cho năm 2018, vậy Bộ KH&ĐT, các Sở KH&ĐT thực hiện chủ trương này như thế nào”, Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu “phải thay đổi tư duy toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức”. Phải từ bỏ tư tưởng chờ địa phương, doanh nghiệp đến gặp mới xử lý. Phải đặt lợi ích chung, yêu cầu nhiệm vụ lên trên hết.

“Bộ phát triển thể chế mà để người ta đến xin, đề nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết thì làm sao gọi là kế hoạch, đầu tư phát triển được”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quán triệt rõ, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí, rà soát lại tất cả quy trình công tác trong các cục, vụ liên quan. Tăng cường kiểm tra công vụ để hạn chế tối đa tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu và xử lý nghiêm vi phạm.

Cho rằng tuy không phải phổ biến, chỉ trong một bộ phận nhỏ nhưng nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT, của Sở KH&ĐT chưa được kỹ, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải thống nhất một số ý. Đó là Bộ KH&ĐT và ngành KH&ĐT là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, không phải là cơ quan chia tiền. Lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong Bộ và Giám đốc các Sở KH&ĐT toàn quốc phải xóa bỏ ngay tư duy chỉ quan tâm chú trọng chia vốn, phải tập trung nghiên cứu chính sách, tăng cường công tác phản biện chính sách.

Phải chú ý nghiên cứu, nắm vững sự vận hành của nền kinh tế, bắt mạch được những điểm nghẽn, ách tắc, những tồn tại, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong xây dựng chính sách phát triển, phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết, phải tính dài hơi, phát triển bền vững.

Cán bộ KH&ĐT phải công tâm, khách quan, phải sắp xếp lựa chọn người có tài, có đức, có tầm nhìn, có chuyên môn giỏi để tham mưu cho Bộ, cho Chính phủ; loại bỏ những cán bộ cơ hội, không chịu làm việc, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Không có cán bộ lãnh đạo gửi thầu, gửi đơn vị thi công hay nói cách khách là có tiêu cực, lợi ích nhóm.

Về dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy sản xuất cả trước và trong Tết, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về Tết, không biếu xén lãnh đạo mà phải tập trung lo Tết cho vùng bị thiên tai, gia đình nghèo, gia đình chính sách.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.