| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Miền Trung cần phải vận dụng chiến lược kinh tế biển

Thứ Ba 20/08/2019 , 18:08 (GMT+7)

Ngày 20/8, tại Bình Định đã diễn ra Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung.

Tham dự hội nghị còn có các Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh, thành trong khu vực; đại diện các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học; các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung có thể được xem là sự tiếp nối của nhiều vấn đề đã đặt ra qua các hội nghị phát triển vùng, phát triển ngành đã được tổ chức trong những năm qua ở các tỉnh miền Trung.

Thủ tướng đánh giá cao những bước phát triển về mặt kinh tế của 14 tỉnh trong khu vực trong những năm qua, nhất là vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) của vùng gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định những kết quả đạt được của vùng KTTĐ miền Trung trong thời gian tuy đã có bước tiến triển, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Nguyên nhân được cho rằng do vùng KTTĐ miền Trung có xuất phát điểm thấp, tích luỹ đầu tư nhỏ. Thêm vào đó, chưa có địa bàn nào phát triển thật sự mạnh nhằm tạo được sức lan tỏa chung.

Thủ tướng: Một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế, nhưng lại rất rời rạc, tựa như người bị bệnh “thoát vị đĩa đệm”.

Vùng KTTĐ miền Trung vẫn là vùng nghèo của cả nước với mức thu nhập bình quân đầu người và mức GRDP bình quân đầu người chỉ xấp xỉ mức bình quân cả nước. Lãnh thổ trải rộng và địa hình phức tạp của miền Trung đang cản trở tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Vùng KTTĐ miền Trung có mật độ tập trung kinh tế thấp nhất trong các vùng KTTĐ, đạt giá trị 13,63 tỷ đồng/km2, trong khi vùng KTTĐ Bắc bộ là 108,68 tỷ đồng/km2, vùng KTTĐ phía Nam là 81,4 tỷ đồng/km2, vùng KTTĐ ĐBSCL là 18,54 tỷ đồng/km2, mức bình quân cả nước là 16,73 tỷ đồng/km2.

Mặc dù các địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung có lợi thế kinh tế khá tương đồng, tập trung số lượng hạ tầng cảng biển, sân bay nhiều nhất trong cả nước, nhưng cơ chế phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng KTTĐ chưa được tổ chức tốt, nên chưa phát huy được lợi thế về quy mô. Tác động của sự biến đổi khí hậu và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của vùng KTTĐ miền Trung. 

Theo nhận định của TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, miền Trung cần có quyết tâm cao, đặc biệt trong việc cải cách thể chế, xây dựng môi trường đầu tư thì kinh tế mới có thể “cất cánh”.

Hiện chính sách ưu đãi cho các địa bàn khó khăn như miền Trung thường được tập trung về giá thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp. Thế nhưng nếu chỉ dựa vào 2 ưu đãi này, không thể tạo ra môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh thì kinh tế miền Trung khó “lớn” lên được.

Điều cần làm ngay là miền Trung phải cải thiện tích cực 3 nhân tố: Chính sách, thể chế; đào tạo nguồn lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

“Liên kết vùng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển nếu chúng ta làm tốt điều đó”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng đặc sản của miền Trung.

Ý kiến “liên kết vùng” của TS Trần Du Lịch cũng là tâm tư, nguyện vọng của lãnh đạo các địa phương ở miền Trung. Bởi, liên kết vùng sẽ khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương, và mục tiêu cuối cùng là chia sẻ lợi ích lâu dài, chia sẻ hạ tầng chung, nâng cao vị thế vùng. Để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, trước tiên cần phải có sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương liên quan, cùng hướng đến mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc kết nối liên kết phát triển vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng miền Trung.

Kinh tế biển cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị. Thủ tướng cho rằng miền Trung có 14 tỉnh, thành trải dài từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, đang sở hữu những tài nguyên kinh tế biển có thể nói là hàng đầu Việt Nam, nhưng doanh thu từ du lịch chưa đến 20% tổng doanh thu cả nước; quy mô kinh tế khoảng 1 triệu tỉ đồng, cũng chỉ chiếm gần 20% GDP cả nước. Khai thác thủy sản còn đặt nặng về sản lượng chứ chưa quan tâm đến liên kết chuỗi, đầu tư công nghệ chế biến.

Nêu một số nét chính về sự phát triển, về sự  “thay da, đổi thịt” của miền Trung, Thủ tướng đề cập đến 1 số mặt tồn tại, bất cập để khắc phục. Thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng, đang dần được hình thành nhưng còn thiếu nhiều thứ và chưa đồng bộ, đặc biệt là trong phân cấp quản lý kinh tế, liên kết vùng.

Thủ tướng ví von mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế, nhưng lại rất rời rạc, tựa như người bị bệnh “thoát vị đĩa đệm”. Vùng KTTĐ miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng.

Các ngành công nghiệp của miền Trung vẫn chủ yếu lạm dụng tài nguyên, sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế. Chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu. Chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao. Năng lực quản trị nhà nước, năng lực của độ ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của nền kinh tế.

Thủ tướng nghe giới thiệu về các mặt hàng đặc sản miền Trung

Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh với tốc độ cao và bền vững, nếu "đả thông" được điểm nghẽn. Chính vì thế, miền Trung cần phải vận dụng chiến lược kinh tế biển, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế. Về ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Ngành du lịch cũng phải hướng tới du lịch biển đảo, và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. Thứ đến là đầu tư cảng biển và các dịch vụ logistics. Đi theo đó là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Cuối cùng là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

“Song song với phát triển kinh tế, miền Trung cần phải coi trọng cải thiện phúc lợi của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng của người dân trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện để mọi người dân có điều kiện phát triển toàn diện; bảo vệ và nâng đỡ nhóm yếu thế, thiếu cơ hội; giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo; đặc biệt quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội đang nổi lên ví dụ như tín dụng đen, bạo lực xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Xem thêm
Tiểu vùng sông Mê Kông hợp tác quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới

Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS lần thứ 10 diễn ra với chủ đề ‘Hướng tới kết nối thông suốt vì một tiểu vùng Mê Kông hội nhập’.

Hơn 1000 cán bộ quản lý đê chuyên trách chưa được hưởng ưu đãi nghề

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT khẳng định, lực lượng chuyên trách quản lý đê điều giữ vai trò quan trọng trong việc xử lý sự cố, giữ an toàn hệ thống...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Quảng Ngãi tăng cường xử lý các tàu cá vi phạm hoạt động ngoại tỉnh

Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra, phối hợp để xử lý nghiêm các tàu cá của tỉnh này chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.