| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025

Thứ Năm 15/10/2020 , 10:09 (GMT+7)

Sáng 15/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Đại hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI. Ảnh: BTC.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI. Ảnh: BTC.

Cùng dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Nông Đức Mạnh; nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư TW Đảng Trần Quốc Vượng; Đại tướng Lê Hồng Anh nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng TW Đảng Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Ngoài ra, đến dự còn có các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Ủy viên ban chấp hành TW Đảng…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: BTC.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: BTC.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong 5 năm qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ, đan xen những diễn biến phức tạp trên thế giới và khó khăn trong nước tác động bất lợi, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng “Bản lĩnh, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình”, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; hoàn thành 11/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, trong đó 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà Thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước, tăng trưởng bình quân 2016 – 2019 là 7,7%/năm.

Bên cạnh đó, Thành phố luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia, trong khi là địa phương có tỷ lệ chi ngân sách trên thu ngân sách thấp nhất cả nước.

“TP.HCM là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước. Khu công nghệ cao TP.HCM là Khu công nghệ cao thành công nhất cả nước. Với diện tích khoảng 800ha, đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD và 35.000 lao động, xuất khẩu 5 năm qua là 63 tỷ USD, bình quân một lao động xuất khẩu hơn 8 tỷ đồng/năm”, Bí thư Nhân nói.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, Thành phố là một địa phương đi đầu trong đột phá về thể chế để phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước.

"Ba năm qua Thành phố đã chủ động đề xuất và xây dựng các đề án để trình Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội để tạo động lực mới cho thành phố phát triển. Tháng 10/2017, Quốc hội đã có Nghị quyết số 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10/2020 Quốc hội sẽ xem xét đề án Chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị sáng tạo tương tác cao, động lực tăng trưởng mới cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Gian trưng bày Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: BTC.

Gian trưng bày Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: BTC.

Về tổng thể, 5 năm qua thành phố đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hơn, kinh tế tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, văn hóa, chất lượng đời sống người dân được nâng cao. GRDP/người của thành phố là hơn 6.300 USD vào năm 2020", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận, yếu kém lớn nhất của Đảng bộ Thành phố là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của thành phố, của hợp tác Vùng và hợp tác quốc tế để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ, song chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của Nhân dân và đòi hỏi phát triển của thành phố.

Bí thư Nhân cho rằng, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần này có nhiệm vụ rất quan trọng. Phát huy trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để thảo luận, đóng góp sâu sắc cho các dự thảo văn kiện quan trọng trình Đại hội XIII của Đảng; kiểm điểm đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thành phố trong nhiệm kỳ qua. 

Theo chương trình, sáng hôm nay, Đại hội nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Bộ Chính trị phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Chiều cùng ngày, Đại hội nghe báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X. Tiếp đó, các đại biểu thảo luận về dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; bỏ phiếu thông qua chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội XI Đảng bộ TPHCM; thảo luận Văn kiện Đại hội XI Đảng bộ TPHCM.

Xem thêm
Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.